Sự kiện & Bình luận

Nền tảng số quốc gia: "Nhịp cầu" kết nối sức mạnh "5 nhà" cho nông nghiệp xanh

PV 15:57 14/05/2025

Hội nghị "Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà" do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đã được nhấn mạnh như một đòn bẩy quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững.

Hội nghị "Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và hành động của 5 nhà".

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc Nông nghiệp số, đại diện nền tảng VNPT Green Dương Trọng Hải cho biết, một trong những yếu tố then chốt để chuyển đổi thành công sang nông nghiệp xanh và bền vững là cần có một nền tảng số quốc gia làm trung tâm kết nối dữ liệu, quy trình và các bên liên quan. Khi có được cấu trúc kết nối đó, mô hình liên kết 5 nhà sẽ không chỉ nằm trên giấy, mà thực sự đi vào vận hành thực tế với năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho khoảng 60% dân số và đóng góp khoảng 12% GDP. Tuy nhiên, sự phân tán trong quy mô sản xuất là một rào cản lớn.

Theo Tổng cục Thống kê 2023, cả nước có khoảng 9,1 triệu nông hộ, trong đó gần 2/3 có diện tích sản xuất dưới 0,5 ha. Quy mô manh mún gây khó khăn trong ứng dụng đồng bộ công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng thống nhất và tổ chức các vùng nguyên liệu tập trung.

Dù tiềm năng phát triển rất lớn, sự thiếu kết nối và dữ liệu đồng bộ đang là trở lực lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng áp lực, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có những thay đổi mang tính hệ thống.

Ý tưởng liên kết “5 nhà” được đánh giá là giải pháp chiến lược cho nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để mô hình này vận hành hiệu quả, nền tảng số quốc gia là điều kiện tiên quyết. Đây không chỉ là nơi lưu trữ dữ liệu mà cần đóng vai trò là “bộ não số” của ngành – tạo ra một không gian kết nối đa chiều, tích hợp và đồng bộ dữ liệu từ cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, ngân hàng và hàng triệu nông dân.

Một nền tảng được thiết kế với tư duy "nông dân làm trung tâm" sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất phù hợp theo vùng trồng và thị trường tiêu thụ, giúp nông hộ có thể nâng cao năng suất và chất lượng, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Trên nền tảng đó, chính sách, kỹ thuật, tài chính và thị trường có thể gặp nhau một cách minh bạch, hiệu quả, từ đó hình thành hệ sinh thái tương tác và cộng hưởng giữa các chủ thể. Đồng thời, nền tảng còn phải đảm nhận vai trò phổ biến tri thức, chuyển giao công nghệ, giúp nhà khoa học đưa quy trình kỹ thuật đến tay người nông dân, và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nền tảng cũng cần thiết lập môi trường giao dịch số minh bạch, giúp kết nối trực tiếp giữa người sản xuất, nhà chế biến, nhà phân phối – giảm trung gian, tối ưu chuỗi giá trị. Đối với tài chính, việc tích hợp dữ liệu nông hộ, vùng trồng và quy trình sản xuất sẽ giúp các tổ chức tín dụng xây dựng các gói tín dụng phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn này, những đơn vị như VNPT Green đang tiên phong phát triển nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn trình, từng bước khẳng định khả năng đáp ứng các tiêu chí của một nền tảng quốc gia. Là sản phẩm thuộc hệ sinh thái nông nghiệp số do VNPT phát triển, VNPT Green tích hợp nhiều chức năng – từ quản lý vùng trồng, sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đến tích hợp hệ thống thu mua, kiểm soát quy trình canh tác, vẽ bản đồ vùng trồng, chia sẻ kỹ thuật và kết nối thị trường – nhằm cung cấp một giải pháp toàn trình cho ngành.

Nền tảng này đã được triển khai tại nhiều địa phương, hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đồng thời tạo cầu nối giữa người dân – doanh nghiệp – chính quyền. Nhờ khả năng kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia như AIMS…, VNPT Green thể hiện tiềm năng trở thành “hệ thần kinh số” của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá nếu tận dụng được lợi thế chuyển đổi số. Việc Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quá trình canh tác, sản xuất và vận hành sẽ là bước ngoặt giúp liên kết 5 nhà đi vào vận hành thực chất, đưa nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh chất lượng, từ phát triển đơn lẻ sang phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Những chia sẻ tại hội nghị cũng cho thấy sự đồng thuận cao về tầm quan trọng của việc đầu tư vào hạ tầng số như một "chìa khóa" để mở cánh cửa hợp tác và phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số. Việc xây dựng thành công nền tảng này không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.

Bài liên quan
  • “Hành trình OCOP” đưa sản phẩm nông nghiệp xanh – sạch vươn xa
    Chiều ngày 14/6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt chương trình “Hành trình OCOP”. Đây là một gameshow truyền hình đầu tiên có sự tham gia của nhiều đơn vị, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền cả nước sẽ mang đến những câu chuyện khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích để phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng số quốc gia: "Nhịp cầu" kết nối sức mạnh "5 nhà" cho nông nghiệp xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO