Hổ tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy đồng thời cũng tượng trưng cho khí chất vương giả, phong cách quân tử. Hiện nay, loài hổ cùng một số loài thú khác đang đứng trước nguy cơ diệt chủng và chúng đã được ghi vào “Sách đỏ” để bảo vệ.
Hình ảnh con hổ cũng xuất hiện nhiều trong các loại hình văn học, nghệ thuật, diễn xướng đến phong tục, tín ngưỡng dân gian. Nhân dịp đón xuân Nhâm Dần 2022 xin kể đôi lời về loài hổ trong kho tàng văn chương truyền miệng đầy chất liên tưởng, hóm hỉnh của người Việt.
“Huyền Đàn trấn môn” - tranh dân gian Đông Hồ.
Thành ngữ, tục ngữ
- Khỏe như hổ
- Dữ như cọp
- Hang hùm, nọc rắn
- Cọp tha, ma bắt
- Dựa hơi hùm, vểnh râu cáo
- Đâm đầu vào hang cọp
- Đem thịt đến miệng hùm
- Hổ chết chẳng hết vằn
- Hổ phụ sinh hổ tử
- Ky cóp cho cọp nó xơi
- Lùa dê vào miệng cọp
- Ngồi trên lưng cọp
- Thả cọp về rừng
- Tọa sơn khán hổ đấu
(Ngồi trên núi xem hổ đấu nhau)
- Tránh thầy cả, ngã phải ông ba mươi
- Cọp Sơn La, ma suối Rút
- Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận
- Cọp Biên Hòa, ma rừng Xác
- Cọp núi Lá, cá sông Hinh
- Rừng nào cọp nấy
- Rừng không hai cọp
Nước không hai vua
- Cọp chết để da
Người chết để tiếng
- Hùm dữ chẳng ăn thịt con
- Không vào hang cọp
Sao bắt được cọp con
- Nam thực như hổ
Nữ thực như miêu (mèo)
- Họa hổ, họa bì, nan họa cốt
Tri nhân, tri diện, bất tri tân
(Vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương
Biết người, biết mặt, chẳng biết lòng)
Ca dao
- Hang hùm ai dám mó tay
Chuột nào lại dám cắn dây buộc mèo?
- Trời sinh hùm chẳng có vây
Hùm mà có cánh, hùm bay lên trời.
- Dạy con, con chẳng nghe lời
Con nghe ông kễnh, đi đời nhà con.
- Hàm rộng, miệng cọp: anh hùng
Hàm rắn, miệng chuột: bất trung, vô nghề.
- Làm vầy đã thảm chưa trời
Cọp, hùm không sợ, sợ người mưu thâm.
- Mẹ em thấy của thì ham
Hang hùm cứ tưởng hang vàng ép con
Nói ra, thẹn với nước non
Ngậm vào, cay đắng lòng con đêm ngày!
- Mấy đời chó đói chê xương
Mèo chê mỡ bếp, cọp nhường mồi ngon?
- Mèo tha miếng thịt thì đòi
Kềnh tha con lợn thì ngồi mà trông!
-…Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi…
- Ta mang sợi chỉ lên rừng
Mà trói con hổ, hổ đừng dọa ta
Ta đem dây chão về nhà
Mà trói con kiến, kiến ra đường nào?
Câu đố
- Nhà vua hóa hổ giữa trào
Nhà sư chữa khỏi, tài cao ai người?
Truyền thuyết, dẫu chuyện vẽ vời
Tin không chuyện cũ như lời người xưa?
(Chỉ vua Lý Thân Tông (1128 - 1138) tương truyền bị hóa hổ. Thiền sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (1066 - 1141), quê Ninh Bình đã chữa khỏi bệnh “hoá hổ” và được ban quốc tính họ Lý, phong là Quốc sư)
- Nơi nào hùm xám tung hoành
Giặc Tây kiêng sợ, lưu danh anh hùng?
(Chỉ thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) chống Pháp là Hoàng Hoa Thám (1858 - 1913) có biệt danh là “hùm xám”)
- Đầu tựa hổ, đuôi tựa đinh
Phi vân, phi kiếm tiến trình đáo lai?
(Là con chuồn chuồn)
- Đường đường tướng mạo
Lẫm liệt uy phong
Đáng vì chúa tể một vùng
Sao lại thẹn thùng học thói nữ nhi
Xuân thu ba chục đang thì
Những phường trâu ngựa sá gì lưỡi gươm?
(Là con hổ. Hổ còn có nghĩa là hổ thẹn. Hổ còn có tên là ông ba mươi)
- Lắm tên mà chỉ một ông
Xưa nay chừng ấy Tây - Đông mọi miền
Nghe tên thiên hạ đều kiêng
Gọi thầy, gọi cậu, còn thêm gọi ngài?
(Là con hổ, ngoài tên hổ còn có nhiều tên gọi như trong câu đố)
- Vừa bằng con bò
Nằm co giữa cổng
Cả tổng không dám qua?
(Là con hổ)
Đồng dao
- Con hổ con hô
To như cái bồ
Đang ẩn trong bụi
Hắn vội nhảy ra
Hắn bắt ông già
Hắn vồ con nít
Trống đánh thùng thùng
Ơi người ra hết
Đánh chết con hổ…
- Đàn dê lên rừng
Thấy con hổ xám
Thì dừng lại ngay
+ Hổ xám có nhà không?
Hổ xám còn rình mồi
+ Hổ xám rình mồi gì?
Rình bắt dê đầu đàn
Dê đầu đàn húc lại
Truyện cổ tích
Bà mụ đỡ đẻ cho cọp
Ngày xưa, ở một làng ven rừng, nay là thôn Mỹ Chánh, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có bà mụ vườn sống độc thân, làm nghề đỡ đẻ rất mát tay, dù sản phụ đẻ xuôi hay đẻ ngược, cứ gọi đến bà là đều mẹ tròn con vuông.
Đêm ấy, khi bà đang ngủ, bỗng tấm phên che cửa bị phá tung. Bà vùng dậy thì thấy một con cọp rất to xông tới ngoạm lấy, tha bà chạy về phía rừng. Bà khiếp sợ, kêu cứu nhưng không kịp, chắc chỉ chờ chết. Thế rồi, đến một góc rừng, cọp đặt bà xuống bên một con cọp khác đang lăn lộn kêu rên. Bà ngồi dậy, sau khi hoàn hồn trở lại, nhìn rõ, bà mới biết con cọp cái nằm đây đang đau bụng đẻ. Bà lập tức ra tay. Chỉ sau vài thao tác lành nghề, cọp vợ đã sinh được hai cọp con hình dáng y hệt cọp bố. Bà chưa biết cọp chồng sẽ làm gì với bà thì nó đã quỳ xuống, gục đầu như cảm ơn. Sau đó nó cõng bà trả về nhà bình yên.
Mờ sáng hôm sau, khi bà bước ra thì thấy xác một con heo rừng đặt trước cửa. Bà thầm nghĩ: “À, thì ra loài cọp dữ dằn là thế, mà cũng là loài có nghĩa. Con lợn rừng này hẳn là cọp đã âm thầm trả ơn mình đây”. Rồi bà đem chuyện này kể với bà con trong làng. Câu chuyện cứ thế lưu truyền đến tận hôm nay.