Tác giả - tác phẩm

Mỹ Dạ, khám phá chính mình

Vũ Quần Phương 08/03/2023 06:00

Năm 1973, khi kết thúc cuộc thi thơ trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Giám khảo đã tặng đồng giải Nhất cho bốn tác giả đều đang tuổi thanh niên. Ba tác giả nam đều là bộ đội, đang ở chiến trường B (miền Nam): Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm và một tác giả nữ, Lâm Thị Mỹ Dạ thì cũng ở tuyến lửa ác liệt nhất miền Bắc, Quảng Bình.

nha-tho-lam-thi-my-da-2-.jpg
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Cả bốn cây bút ấy, sau này đều vượt lên, trở thành những gương mặt tiêu biểu của lứa nhà thơ thời đấu tranh thống nhất đất nước.

Riêng với Lâm Thị Mỹ Dạ, bài thơ khá nhất trong chùm được giải - “Khoảng trời hố bom” như một khởi đầu thuận lợi ít ai có: Được bạn đọc hồ hởi đón nhận, nhanh chóng vào sách giáo khoa (lớp năm). Lâm Thị Mỹ Dạ được các nhà thơ tài năng từ trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, hiện đang “cầm trịch” thi đàn quan tâm, bồi dưỡng. Đặc biệt những cây bút cùng thế hệ chị, sau này gọi gọn là lứa nhà thơ chống Mỹ, thì ân cần với Dạ như chăm sóc một cô em út từ bom đạn trở về. Mỗi lần Mỹ Dạ ra Hà Nội thì các bà chị lo chỗ ăn chỗ ngủ, các ông anh dẫn thăm thành phố, ăn kem bờ hồ. Mỹ Dạ thì ngơ ngác như chim chích lạc rừng, tính hiền và thơ cũng hiền.

Rất ít người khi ấy biết Mỹ Dạ mới chỉ học xong trung học, không được học đại học. Cha đi Nam, ông nội địa chủ, mẹ bị nghi ngờ - cái lý lịch ấy làm nên thân phận chị. Chị đi bán hàng với mẹ, đi cấy thuê, rồi chắc do có thơ đăng báo, nên được vào làm ở Hội Văn nghệ tỉnh, nơi có ông thủ trưởng là một nhà thơ đàn anh có lòng thương tài. Mỹ Dạ được nghề nghiệp cưu mang nhiều và chị xứng đáng với niềm cưu mang thương mến ấy. Chỉ sau ngày đất nước thống nhất, cha chị được nhà nước tặng bằng khen về thành tích hoạt động bí mật trong lòng địch, chị mới thật sự được thanh thản làm văn chương.

Bài thơ “Khoảng trời hố bom”, có thể coi là bài mở nghiệp cho Mỹ Dạ, “nhập tịch” chị vào giới văn chương cả nước. Tình cảm chân thành, cách nhìn đời trong sáng và đặc biệt đã sớm bộc lộ một năng lực cấu tứ sáng tạo, sau này chính nó thành “đặc điểm nhận dạng” thơ Mỹ Dạ. Tuy nhiên những non dại về bút pháp về nội dung, thường thấy ở những bài thơ đầu tay, cũng có ở đấy. Bài thơ như ứng với một đầu đề tập làm văn trung học thường gặp ở thời ấy Em hãy kể lại một sự tích anh hùng trong chiến đấu (...) và nói cảm nghĩ của mình. Phần đầu nhà thơ trẻ đã kể rõ ràng, thật thà, tuần tự:

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho những đoàn xe kịp giờ ra trận (...)
Rồi kể tiếp về phía mình:
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái

Người con gái thanh niên xung phong cứu đường đêm ấy đã hy sinh. Nấm mộ cô là một hố bom. Mưa đọng nước, in một khoảng trời. Trong lúc kể, tác giả có xen vào một vài ý bình luận, cảm thán bằng những chân lý thông thường chưa đắt lắm: Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa hoặc Đất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau. Nửa sau bài thơ, phần nói cảm nghĩ của em, ngòi bút Mỹ Dạ thoát khỏi giọng kể, phẩm chất trữ tình được tung hoành trong các hình ảnh hư cấu, sáng tạo, tươi trong, hư ảo mà dễ tiếp nhận vì vẫn tuân theo logic. Đây mới là phần thơ của bài thơ, phần thể hiện thủ pháp nói bằng tứ của Mỹ Dạ: đêm đêm nhìn xuống mặt nước hố bom, nhà thơ gặp tâm hồn cô gái liệt sĩ lung linh trong những vì sao ngời chói. Và ban ngày: thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng. Cả mặt trời, trái tim em, cũng hiện lên ở đấy:
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài
Đề tài đánh giặc đã thành mảng thơ chủ lực trong chặng đầu sáng tác của nhà thơ trẻ Quảng Bình này. Chị đánh giặc với một trái tim phụ nữ. Thời sự chiến tranh đi qua trái tim chị mà in lên trang giấy, thành thơ. Nhiều nét đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên và tâm hồn con người đã hiện diện trong thơ chiến tranh của Mỹ Dạ. Viết chiến tranh bằng nỗi nhớ hòa bình. Ngay trong chặng thơ đầu đời, cách vào thơ như thế đã cho thấy rõ khuynh hướng nội tâm của thơ Mỹ Dạ. Lấy dấu vết của chiến tranh, của ngoại giới in trên trái tim mình làm nơi tìm thơ. Việc ngoài đời thành việc của lòng mình. Học cách Nguyễn Du viết Kiều, đọc Kiều mà ta thấy nỗi lòng Nguyễn Du. Dùng được thi pháp ấy phải có một năng khiếu “nhập thân”, cái thứ như trời cho. Không phải chỉ học mà thành. Mà những người như thế, ác thay, cuộc đời họ thường buồn. Câu thơ, dù viết về ngoại giới, cũng thường phảng phất một nỗi ngùi ngùi.
Khuynh hướng ghi nhận hiện thực của đời bằng tâm trạng mình đã chuyển dần, tiệm tiến nhưng khá nhanh, cách tìm thơ của Mỹ Dạ từ ngoại giới vào chính nội tâm mình. Tôi xin được lần theo hai tập thơ “Đề tặng một giấc mơ” (1998) và tập “Thơ tình” (2008) để lần ra những trải nghiệm và đổi thay trong thơ chị, trong đời chị. Tôi đã gặp một Mỹ Dạ khác, giọng thơ trong trẻo đơn tuyển nay trầm xuống trong niềm khắc khoải đa thanh. Cách nhìn lạc quan có phần đơn giản thường thấy trong thơ cổ vũ động viên thời chiến nay là những phát hiện, những tự vấn từ chính lòng mình. Những góc ẩn khuất của tâm hồn trong cõi riêng tư duyên phận hay cuộc đời của kiếp người dâu bể từ bà cựu hoàng hậu đến người dân thường phiêu bạt. Bà tự biết, tôi xin lỗi bạn đọc đã vô tình đổi cách xưng hô với nhà thơ. Vô tình mà tất yếu. Chính bà Lâm đã viết Tôi chẳng còn tôi xưa/ Thơ đã già hơn tuổi. Bà mượn chuyện ngụ ngôn trong Thiền thoại. Người mù đi trong đêm, phải thắp đèn lồng cầm theo để người sáng không xô vào mình nhưng rồi anh vẫn không yên. Anh bực bội lắm mà không biết rằng lửa trong chiếc đèn anh cầm đã tắt tự lúc nào. Bi kịch của đời mình thành hài kịch của thiên hạ. Mù thì cũng phải đi, người sáng họ sẽ tránh mình. Nhưng người sáng cũng mù nữa thì sẽ sao đây? Bà Lâm viết về nỗi cô đơn nhiều ý lạ. Lạ, vì trải nghiệm chứ chả có cách nào khác. Có khi nó như lưới vây ta trùng điệp: Bây giờ chỉ một mình ta/ Một mình ta với bao la một mình. Có khi nó đã thành khí quyển của đời ta. Không có nó, có khi không sống được. Bà thấy mình như loài thực vật. Rễ bám sâu vào đất, hút nhựa nỗi buồn và vươn ngọn lên trời mà đón nắng kiêu hãnh. Bà đang tìm vũ khí tùy thân để chọi lại nỗi buồn. Bốn câu cuối của bài thơ về người đàn bà mặc áo choàng đen như mặc màu khâm liệm đang đi trong gió xuân. Không biết có phải vì gió xuân không mà bà ngẩng đầu tự hỏi:

Mình tự chôn mình
ngu ngốc làm sao
Hãy ngước nhìn trời cao và sẽ thấy
Xuân còn đầy run rẩy, nôn nao

Tập thơ tình cho thấy nhiều đỉnh cao và vực sâu, nhiều gió nồm và gió bấc trong duyên và phận nơi cô Dạ thuở nào và bà Lâm gần đây, lúc hương gây mùi nhớ, lúc tạ từ không dứt được. Nửa trước một bài thơ, bà ao ước: Anh đủ sâu, đủ rộng, đủ cao để em đủ soi hết bóng em, đủ được che mát thân em, đủ được trong tầm anh nhìn nhưng ở nửa sau bài thơ, sau nhiều lần bước lên, lùi lại bà mới nhận ra cách giải quyết lại ở chỗ khác. Không ở người mà ở cái thân mình, bà tự nhủ:

Này tôi ơi, có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé
Nhỏ bé tựa búp bê
Mới dễ dàng hạnh phúc?
Như bao thế hệ phụ nữ trong quá khứ, bà đã muốn gọt mình đi nhưng hình như không được:

Đến như anh - người bạn cùng đường
Vẫn bước ngoài đời em
Em lạc cả trong anh
Lạc không tìm ra lối

Một cuộc tự khám phá lòng mình, đời mình, tình thế của mình. Thơ như tự thú: Tôi thú nhận rằng tôi đã sống. Đấy là một đề sách của nhà thơ cách mạng, người Chi-lê, Pablo Néruda. Đọc thơ tình Mỹ Dạ, tôi như gặp chủ đề ấy trong mỗi bài của bà. Phải chăng yêu đã là một thú nhận rồi.

Chưa được thành người giải quyết nhưng nêu vấn đề mới là điều quan trọng. Ở thời đại chúng ta, đã nêu được vấn đề thì chắc chắn sẽ có người tìm ra giải pháp. Đó là thành công của hướng thơ Mỹ Dạ: Thông điệp gửi tương lai.

Lâm Thị Mỹ Dạ

Khoảng trời, hố bom

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
- Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!

Trường Sơn, 10/197

Nhỏ bé tựa búp bê

Làm sao anh đủ sâu
Cho em soi hết bóng

Làm sao anh đủ rộng
Che mát cho đời em

Làm sao anh đủ cao
Để thấy em cho hết...

Cuộc đời bao nhọc mệt
Cuộc đời bao dịu êm
Người đàn bà bước lên
Người đàn bà lùi lại

Này tôi ơi, có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé
Nhỏ bé tựa búp bê
Mới dễ dàng hạnh phúc?

(1996)

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ra mắt sách cuốn sách song ngữ về lan hài Việt Nam
    Công ty Sách Liên Việt vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách song ngữ "Lan hài Việt Nam – Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên" của tác giả Chu Xuân Cảnh. Đây là công trình đầu tiên dành toàn bộ nội dung để giới thiệu về lan hài tại Việt Nam.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks sắp có thêm 2 tác phẩm mới
    Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) vừa ký kết hợp đồng xuất bản sách với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng về việc xuất bản 2 tác phẩm “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”. Sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2025. Ngoài ấn bản tiếng Việt, sách cũng sẽ được dịch sang tiếng Trung nhằm quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
  • Ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp
    “Những câu chuyện cổ phố Broca” – tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp do Pierre Gripari sáng tác vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Nguyên Kan, do Crabit Kidbooks và NXB Hà Nội ấn hành. Cuốn sách không chỉ mang đến những câu chuyện cổ tích phá cách, hài hước, mà còn mở ra một thế giới giàu trí tưởng tượng, nơi mọi điều kỳ diệu có thể xảy ra.
  • "Bóng đêm và mặt trời" trở lại với bạn đọc trong một diện mạo mới
    Tiểu thuyết "Bóng đêm và mặt trời" của Dương Hướng từng quen thuộc với độc giả nhiều năm trước, nay trở lại với diện mạo mới do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành vào tháng 3 năm 2025. Với câu chuyện đầy ám ảnh về số phận con người trong những biến động lịch sử, tác phẩm mở ra bức tranh hiện thực sâu sắc về làng quê Việt Nam.
  • Cuốn sách giải đáp những thông tin cơ bản về chuyển đổi số
    NXB Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách “Những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số - Hỏi và đáp”. Cuốn sách nhằm hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”, cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết yếu về chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Dạ, khám phá chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO