Một trong những công trình đặc sắc của Hà Nội đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, nơi thờ tự các bậc tôn sư trong Nho giáo, nơi có nhà Thái Học, được coi là trường đại học đầu tiên của nước Việt, tồn tại đến nay đã hơn 700 năm. Và cũng ở nơi đây còn lưu lại dấu tích về một ứng xử văn hóa đẹp được khởi sinh trên đất Thăng Long.
Từ tấm bia “hạ mã” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai sinh vào triều Lý và được các triều đại nối tiếp chỉnh trang, mở rộng làm cho quy mô ngày càng bề thế, tôn nghiêm. Nơi đây không chỉ là ngôi trường mang trọng trách đào tạo hiền tài cho đất nước mà còn là nơi hàm chứa một biểu tượng cho những giá trị tinh thần lớn lao của người Việt. Mọi người đến đây cần phải tỏ thái độ kính cẩn, trọng thị. Bởi vậy, ngay khi xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài những công trình lớn, những người có trọng trách thời đó còn cho dựng hai tấm bia đặt hai bên phía trước cổng chính Văn Miếu môn. Hai tấm bia đá có khắc chữ “hạ mã”, nghĩa là khi đến nơi tôn nghiêm này dù là công hầu hay khanh tướng, dù đi xe song mã, ngồi trên kiệu hay cưỡi ngựa đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia Hạ Mã bên này sang tấm bia “hạ mã” bên kia mới được lên xe, lên kiệu, lên yên ngựa đi tiếp.
Bia “hạ mã” được dựng ở trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Hoài Nam.
Ngoài hai tấm bia “hạ mã”, trước Văn Miếu môn còn xây tứ trụ. Hai trụ giữa xây cao hơn, bên trên có hai con nghê chầu. Trong quan niệm của người Á Đông, nghê là con vật linh thiêng, có khả năng nhận ra kẻ ác hay người hiền. Hai trụ ngoài đắp bốn con chim phượng hoàng. Chim phượng cũng là con vật linh thiêng trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), tượng trưng cho sự cao quý và thái bình. Bên trên tứ trụ có đôi câu đối chữ Hán:
Đông, Tây, Nam, Bắc do tư đạo
Công, khanh, phu sĩ, xuất thử đồ
Nghĩa là:
Đông, Tây, Nam, Bắc cùng đạo nho.
Công, khanh, phu sĩ xuất thân
từ đường này.
Trước khi xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì trong hoàng cung tẩm điện nơi vua ở cũng đã thiết kế đôi nghê chầu và hai cặp phượng xòe cánh, có bia “hạ mã”. Hay như ở dinh thự của các quan lớn cũng dựng bia “hạ mã”. Nhưng đến khi hai tấm bia “hạ mã” được dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì trường ốc, đạo học mới thực sự được coi là chốn thiêng. Từ đó bia “hạ mã” còn được lan tỏa đến cả đền chùa, miếu mạo nữa. Chẳng thế mà trong tác phẩm “Nhị Độ Mai” của tác giả khuyết danh cũng viết những câu: “Nghiêm trang cửa thế sân quyền/ Trước bia hạ mã chật lèn ngựa xe…”.
Thời hậu Lê, việc dựng bia “hạ mã” đã được đưa vào luật. Ai đến chốn tôn nghiêm mà vi phạm thì bị xử rất nghiêm, nhẹ thì bị tội đồ (bắt đi làm người hầu hạ, lao dịch), nặng thì bị lưu đầy. Trong bộ “Quốc triều hình luật” thời Hồng Đức, triều vua Lê Thánh Tông, quy định ở điều 209: “Ai đi ngang qua trước cửa nhà Thái Miếu mà không xuống kiệu, ngựa thì bị tội đồ hay lưu. Làm như thế trước cửa cung điện cũng bị xử như vậy”. Nhân dân cũng nhận thấy cử chỉ cung kính trước những nơi tôn nghiêm là một lối ứng xử đẹp nên đã tự giác làm theo. Thời gian qua đi dần dần đã ngấm vào quan niệm sống, trở thành một phong tục, một giá trị văn hóa ở đất Thăng Long.
Thừa kế một nét đẹp ứng xử ở đất Thăng Long, tại kinh đô Huế, vào đầu triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 18 (năm 1819), nhà vua cho xây một tòa nhà kiến trúc hai tầng mái, xung quanh không có vách, tạo nét thanh tú và độc đáo với tên gọi Phu Văn Lâu ngay trước Kỳ Đài và Ngọ Môn, để mỗi lần nhà vua ban chiếu chỉ thì văn bản đó cũng đưa ra niêm yết ở đây.
Thời Minh Mạng, nhà vua quy định sau khi các chiếu thư được tuyên đọc ở Ngọ Môn hoặc điện Thái Hòa sẽ được đặt trên long đình, có che lọng và quân lính theo hầu hai bên để đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu. Các quan hàng tỉnh và hương lão phải đến quỳ lạy trước chiếu thư. Vì tính chất long trọng của Phu Văn Lâu, năm 1821, nhà vua cho dựng ở hai bên hai tấm bia đá khắc 4 chữ "Khuynh cái hạ mã", nhắc nhở tất cả mọi người khi đi ngang qua Phu Văn Lâu phải "Nghiêng lọng xuống ngựa" để tỏ lòng kính cẩn. Cũng từ năm này, sau khi truyền loa, danh sách các khoa danh tiến sĩ cũng sẽ được niêm yết tại đây.
Ở Quảng Nam, vùng đất dinh trấn Thanh Chiêm nổi tiếng xa xưa thuộc phủ Điện Bàn, cũng có Văn Thánh thờ đạo Nho (Khổng Tử, Mạnh Tử…) và trường học để dạy sĩ tử học hành, thi cử. Văn Thánh có tường thành vây quanh, có các miếu đền nguy nga, tráng lệ. Ngoài đường, cách thành 50m cũng có hai bia “Khuynh cái hạ mã” để tỏ lòng tôn kính các nhà nho và đạo học. Một xứ nghèo, đất đai cằn cỗi như Quảng Nam vẫn trở thành “đất học” là như thế. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất khô cằn ấy lại sinh được những trí thức lẫy lừng như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu…
…đến tấm bia đá ở Ô Quan Chưởng
Nhân đây, xin dành ít dòng nói về Hoàng Diệu, bởi ông cũng rất liên quan đến Thăng Long - Hà Nội. Hoàng Diệu là người học giỏi; khi thi đỗ Phó bảng ra làm quan ông đã chứng tỏ là một hiền tài, chính trực, bất khuất. Ông quê ở Quảng Nam, nhưng con đường quan lộ khiến đôi bàn chân ông đã đặt tới khắp các nẻo đường của đất nước. Hầu như cứ nơi nào có chiến sự, khó khăn hiểm nghèo, nguy cơ là vua Tự Đức lại điều ông đến trị nhậm. Từng được bổ nhiệm nhiều chức vụ từ thấp đến cao trong triều, lập nhiều chiến công dẹp giặc, dẹp trộm cướp và an dân, ở đâu Hoàng Diệu cũng được sĩ dân quý mến, nể trọng. Ông cũng từng bị nhà vua giáng chức rồi lại được phục chức. Khi giặc Pháp chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai, vua điều Hoàng Diệu ra làm Tổng đốc Hà Ninh (trong đó có thành Hà Nội), lãnh chức hàm Thượng thư Bộ Binh, kiêm quản cả việc thương chính.
Bia đá “Thân cấm khu tệ” được gắn trên tường Ô Quan Chưởng. Ảnh: Lê Hoài Nam.
Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, vừa đặt chân đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý, biên phòng. Ông dâng sớ về hoàng triều trình bày kế hoạch bố phòng, phương án tác chiến. Vua Tự Đức có lời khen, nhưng là khen lấy lòng, vì trong bụng vua đã nghiêng về phái chủ hòa. Vua khen đấy mà lại chê trách ngay đấy. Vua phê bình ông "Chế ngự không đúng cách"! Vua yêu cầu ông phải “lưu binh”. Nhưng Hoàng Diệu không vì thế mà có tư tưởng đầu hàng hay thoái lui. Một mặt, ông khẩn trương chuẩn bị vũ khí luyện binh, mặt khác, ông nhận ra dân Hà Nội hẳn vì linh cảm được cuộc chiến tranh đang đến gần mà có tư tưởng sống gấp; ông thấy cần thiết phải vấn an tinh thần dân chúng, chấn hưng văn hóa Hà thành. Nghe tin Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi này có vẻ không còn tôn nghiêm như trước, Hoàng Diệu phi ngựa đến vấn an các quan cai quản ở đó rằng, không vì kinh đô đã chuyển vào Huế mà Quốc Tử Giám Hà Nội biến thành nơi họp chợ, không cần phải “hạ mã” nữa. Hoàng Diệu còn cho làm một tấm bia đá trạm khắc dòng chữ to “Thân cấm khu tệ” nghĩa là “Lệnh cấm từ tệ”, bên dưới là những dòng chữ nhỏ giải thích vì sao phải ra cái “lệnh” này rồi cho gắn lên tường Ô Quan Chưởng, nơi có nhiều người qua lại và cũng là nơi các quan hay sách nhiễu dân nhất. Nhờ thế các tệ nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông, ngoài chợ, trong các lễ cưới xin, tang ma… đã giảm hẳn. Tiếc thương thay, Hoàng Diệu đã hy sinh trong một trận chiến đấu không cân sức giữa đội quân xâm lược Pháp và đội quân của những người Việt Nam yêu nước sau đó.
Hiện nay bia đá “Thân cấm khu tệ” gắn trên tường Ô Quan Chưởng, cũng như hai tấm bia “hạ mã” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn còn, chữ trên bia vẫn chưa hề phôi phai. Hy vọng những dấu tích ấy sẽ trường tồn với thời gian.