Afanasy Afanasievich Fet (1820 - 1892), là con ngoài giá thú giữa một quý tộc người Nga - Afanasy Ivanovich Shenshin và một phụ nữ Đức tên là Charlotta Foeth. Suốt cuộc đời mình ông luôn có ý thức dành lại danh hiệu quý tộc nên năm 1845 ông đã tham gia phục vụ trong quân ngũ với danh nghĩa là một sĩ quan. Năm 1873 ông mới được Sa hoàng Alexander II khôi phục họ Shenshin cùng với đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc Nga, nhưng nhờ có thơ ca mà cái tên Fet lại nổi tiếng hơn tên họ quý tộc của ông. Ông vẫn ký dưới tên các tác phẩm văn học là A.A.Fet đến cuối đời.
A.A.Fet bắt đầu làm thơ khi 19 tuổi. Những bài thơ đầu tiên của ông được Giáo sư sử học Michail Pogodin chuyển tới tay nhà văn Nikolai Gogon và đã nhận được một nhận xét không mong gì hơn rằng “đây là một tài năng không thể nghi ngờ”.
Năm 1840, A.A. Fet xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “The Lyric Pantheon”, sau đó các bài thơ của ông thường xuyên xuất hiện trong các tạp chí Pogodin và Patriotic Notes. Mười năm sau, ông mới xuất bản tập thơ thứ hai và gây được tiếng vang lớn trên báo chí. Nhà phê bình văn học Nga Vasily Botkin viết: “Tôi coi ông Fet không chỉ là một tài năng thơ thực sự, mà là một điều hiếm thấy trong thời đại của chúng ta, đối với tài năng thơ thực sự, ở bất kỳ mức độ nào ông thể hiện, luôn là một hiện tượng hiếm gặp”. Tuy nhiên chính Fet cũng phải thừa nhận rằng thơ của ông rất kén độc giả và không dành cho đám đông.
Chủ đề chính của thơ ông là tình yêu và thiên nhiên. Thiên nhiên Nga trong thơ ông đẹp đến lạ lùng, ông viết nhiều về những đêm trăng huyền diệu và tình yêu. Những bài thơ tình của Fet mang sắc thái vườn cổ tích: dịu dàng, mê đắm và thánh thiện. Các cung bậc của tình yêu như hồi hộp, sợ hãi, lo âu, bỏng rát và run rẩy… được thể hiện một cách tinh tế trong ngôn từ đẹp và sang trọng khiến người đọc ngộp thở như chính mình đang trong vườn yêu.
Tuy nhiên thơ ông chỉ nổi tiếng trong các văn nghệ sĩ thời đó, bởi nó không phù hợp với trào lưu chung lúc bấy giờ khi bầu không khí chính trị - xã hộ ở Nga mang theo hơi thở của những ngày trước cách mạng. Ông không thích trường phái thơ “xã hội” và thường phản đối trào lưu này.
Afanasy Fet được đánh giá là nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của nước Nga. Osip Mandelstam coi Fet là nhà thơ Nga vĩ đại nhất mọi thời đại. Thơ A.A. Fet giàu chất trữ tình gợi cảm và u uất, thấm đẫm nỗi buồn và bi kịch. Tchaikovsky đã viết: “Fet là một hiện tượng đặc biệt. Không ích gì khi so sánh ông ấy với các nhà thơ hạng nhất khác, hoặc đi phân tích Pushkin, Lermontov, Al. Tolstoy và Tyutchev để tìm kiếm sự tương đồng... Bởi vì trong những khoảnh khắc đẹp nhất Fet rời khỏi ranh giới của thơ và bước vào thế giới của chúng ta. Đó là lý do tại sao khi tôi nghĩ về Fet tôi thường nghĩ đến Beethoven... Giống như Beethoven, ông ấy được ban cho sức mạnh để chạm vào linh hồn chúng ta trên tầm các nhà thơ chỉ bằng thi từ. Không chỉ là một nhà thơ ông ấy là một nhạc sĩ”.
Thơ của Fet chưa được dịch nhiều ở Việt Nam, nhưng lại là chất gây nghiện cho những người đã một lần được tiếp xúc với nguyên tác. Các bài thơ của ông thường không có tiêu đề, để phân biệt dịch giả lấy câu thơ trong bài làm tiêu đề.
Trong ánh trăng
Nào cùng em lang thang
Trong ánh trăng huyền ảo
Liệu tâm còn sầu não
Trong thinh lặng của đêm!
Ao lấp lánh như thép,
Những đám cỏ u sầu
Sông, cối xay, rừng sâu
Trong ánh trăng huyền ảo.
Liệu có thể đau buồn,
không sống trong mê đắm?
Hãy nhẹ nhàng lang thang
Trong ánh trăng huyền ảo!
Anh đến chào em
Anh đến chào em buổi sớm mai,
Để nói rằng mặt trời đã dậy,
cùng tia nắng ấm đang run rẩy
trên từng chiếc lá đón bình minh;
Để nói rằng cả cánh rừng đã tỉnh,
Bởi từng cành cây động giấc nồng,
Bởi từng con chim đang vỗ cánh,
và mùa xuân đầy ắp khát khao;
Để nói rằng cùng với si mê
Như ngày hôm qua anh lại tới
Rằng tâm hồn anh vui phơi phới
Và sẵn lòng cung phụng em yêu;
Để nói rằng ở khắp mọi nơi
Tràn ngập trong anh niềm hạnh phúc
Anh chẳng biết điều gì mình sẽ hát
Nhưng lời ca ấp ủ lâu rồi.