Một chặng đường văn chương Thủ đô

Bùi Việt Thắng| 06/08/2018 08:18

Mười năm (2008 - 2018) điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đã có một diện mạo mới, tầm cao mới (sau khi sáp nhập thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - nghệ thuật đã có nhiều chuyển động tích cực.

Mười năm là bấy nhiêu ngày…

Nếu tính về quy mô (diện tích, dân số) và không gian văn hóa thì Hà Nội là một môi trường sống lý tưởng cho nhiều thế hệ, nhất là các văn nghệ sĩ, vì đây là đất thánh, kinh kỳ, hội tụ, kết tinh, phát tỏa các giá trị tinh thần. Văn học nghệ thuật Thủ đô trên chặng đường 10 năm đã có những bước đi thận trọng, chắc chắn và có hiệu quả. Riêng về lĩnh vực sáng tác văn chương, cần có một cái nhìn khách quan, khoa học và công bằng trong đánh giá trên các phương diện lực lượng sáng tác, hình thức tổ chức sáng tác, cơ quan ngôn luận, ý thức quảng bá sản phẩm tinh thần, hoạt động  nghiên cứu - lý luận - phê bình...

Một chặng đường văn chương Thủ đô
Trước hết, về lực lượng sáng tác,  Hội Nhà văn Hà Nội có một đội ngũ hùng hậu (khoảng 600 hội viên, trong đó có gần một nửa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Trong khi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 400 hội viên, trong đó 1/3 là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nên trong một hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói vui “Hội Nhà văn Việt Nam thực tế là Hội Nhà văn Hà Nội và ngược lại”. Nhưng số lượng trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật chưa thể nói lên nội lực, sức mạnh, ưu thế của mỗi hội. Tuổi trung bình của hội viên Hội Nhà văn Hà Nội là quá cao. Vì thế không vô cớ trong Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (nhiệm kỳ XII, 8 - 2017), nhà thơ Vi Thùy Linh đã lên diễn đàn trần tình những nỗi niềm, ẩn ức của mình và lớp trẻ về tình trạng thiếu không gian hoạt động nghệ thuật, thiếu sự quan tâm sát sao của Hội,...Và cô cảm thấy mình và người trẻ bị lẻ loi, cô đơn, đôi lúc như thể bị bỏ rơi (!?). Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại là, năm 2017, Hội đã có những chuyển biến đáng mừng khi kết nạp nhiều người trẻ. Đỗ Anh Vũ (8X), một cây bút phê bình trẻ, có cá tính và thành tựu vào Hội Nhà văn Hà Nội là một ví dụ. Tuy nhiên phải nói cho công bằng, cánh cửa vào Hội hẹp hay rộng thì trước hết là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Giả sử Hội mở cửa rộng rãi, sẽ được tiếng cởi mở. Nhưng sáng tác nghệ thuật đòi hỏi tài năng. Rõ ràng là lớp trẻ đang ở trong tình trạng bị “tán tài”, bởi cuộc sống còn biết bao nhiêu điều cám dỗ khác, không riêng gì văn chương. Liệu họ có dám sống chết với nghiệp văn chương?

Tất nhiên người sáng tác vẫn thường kỳ vọng vào BCH Hội Nhà văn Hà Nội có nhiều sáng kiến, chương trình đột phá để “đánh thức tiềm lực” một đội ngũ vốn hùng hậu về số lượng nhưng chưa đủ căn cứ để đón nhận những thành tựu tương xứng. Tổ chức trại sáng tác, mở các lớp bồi dưỡng nghề văn, tăng cường các sinh hoạt chuyên môn/ chuyên đề, tạo sân chơi thông thoáng để thu hút đông đảo các hội viên tham gia,... đang là động hướng tích cực của một BCH mới, gọn nhẹ và năng động.
Về sân chơi dành cho văn chương, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội có thể đăng sáng tác của mình trên báo Người Hà Nội (Cơ quan của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, 1 tháng 4 kỳ); lại còn tạp chí Tản Viên Sơn (nguyệt san); thêm vào Đài PT-TH Hà Nội, Nxb Hà Nội cũng là những địa chỉ văn chương uy tín và gần gũi với người viết văn Thủ đô. Chưa kể ai có tài thì “mở rộng bờ cõi” đến các báo chí khác như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Nhà văn & Tác phẩm, Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Văn học & Tuổi trẻ (Bộ Giáo dục và đào tạo),... Chưa kể các báo khác không chuyên văn nghệ nhưng có trang văn học nghệ thuật. Nghĩa là nếu anh có trí, có lực, có tài thì chẳng sợ thiếu “chân giời” như nhà thơ Trần Dần từng than thở. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, người viết văn nếu có đủ tài chính thì tự in sách, ra sách, PR cho chính mình. Hiện tại Việt Nam có khoảng 900 đơn vị báo chí, đó là một sân chơi rộng lớn cho người viết văn. Chỉ sợ anh rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” mà thôi.

Nói đến thành tựu văn chương, lâu này chúng ta hay nhắc nhở đến quá khứ “vang bóng một thời”. Chẳng hạn chúng ta nhắc đến tinh hoa thơ Việt, thơ Hà Nội thời hiện đại (chỉ tính từ sau 1945 đến nay) đã thấy trùng điệp những tên tuổi Trần Lê Văn, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Vân Long, Bùi Minh Quốc, Dương Tường, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Quang Vũ, Chử Văn Long, Trúc Thông, Nguyễn Trọng Tạo, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh,... Lớp trẻ hơn và tài hoa nhưng ít ỏi như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh. Nay số người làm thơ gia tăng đột biến, mỗi năm cả trăm tập thơ được in ra. Nhưng là thơ phong trào, thơ quần chúng, thơ câu lạc bộ, đúng là “nhà nhà làm thơ người người làm thơ”. Rõ ràng thơ hiện đại nói chung, thơ Hà Nội nói riêng còn lúng túng tìm đường. Cũng có những phát hiện về thơ trẻ như trường hợp nhà thơ Nguyễn Việt Chiến “tìm ra” Đào Quốc Minh (sinh 1986) đã sở hữu 5 tập thơ. Nhưng vẫn cứ phải chờ đợi xem sao.

Trong các lĩnh vực văn chương thì văn xuôi vẫn nổi trội nhất, có thành tựu nhất. Có một Nguyên Ngọc (sinh năm 1932) vẫn miệt mài với không gian sử thi Tây Nguyên (năm 2014, tập bút ký Các bạn tôi trên ấy nhận được Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội). Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933) trường kỳ mai phục, vượt qua biết bao nhiêu cam go đời sống để càng viết càng chín từ Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa đến Chuyện ngõ nghèo (nguyên bản Trư cuồng). Ma Văn Kháng (sinh năm 1936) tưởng đã “rửa tay gác kiếm” vẫn cứ đều đều đều xuất hiện. Nguyễn Bắc Sơn (sinh năm 1941) thuộc số cây bút ăn khách hiện nay với những tiểu thuyết có tiếng vang như Luật đời và cha con, Lửa đắng, Gã Tép Riu, Cuộc vuông tròn,... Kể ra một vài tên tuổi thuộc đội hình U90 và U80 để thấy lực lượng tác văn xuôi Thủ đô thực sự hùng mạnh. Theo tôi thì, văn xuôi Hà Nội có cái đặc sắc, đặc trưng riêng là mạnh về phái nữ: Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Vân Anh, Lê Minh Khuê, Lê Phương Liên, Lê Thanh Nga, Nguyễn Thị Anh Thư, Y Ban,  Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Hồng Nguyên, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Dili,... những cây bút đã góp phần tạo nên một “nền văn chương mang gương mặt nữ” (với phẩm chất của sự bao dung, đằm thắm, tinh tế).

Lý luận phê bình văn học Hà Nội vững vàng với những cây bút có kinh nghiệm như Phong Lê, Đặng Hiển, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Thành Nghị, Vũ Tuấn Anh, Vũ Nho, Nguyễn Văn Lưu, Trần Bảo Hưng, Phan Trọng Thưởng, Tôn Phương Lan, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyên An, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Trần Đăng Suyền, Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Lưu Khánh Thơ, Văn Giá, Chu Văn Sơn,... Nếu có thể nói ngắn gọn về đội ngũ này thì họ được đào tạo bài bản (đa số làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu), đúng là họ đã “sống với văn chương cùng thời”. Nhiều công trình xuất bản thời gian qua của họ đã được đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Con đường phía trước…

Cảm hứng tương lai, theo chúng tôi, mới thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào. Ôn cố là nhằm tri tân. Châm ngôn phương Tây có câu “Hãy cho người ấy cái cần câu hơn là cho con cá”. Quả thực như thế. Giả sử mỗi năm/mỗi nhiệm kỳ Hội Nhà văn Hà Nội được thành phố cấp một khoản ngân sách nào đó, rồi đem chia đều ra theo cách gọi là “đầu tư sáng tác”. Cũng tốt thôi khi người viết văn có thêm ít nhiều điều kiện tài chính để xoa dịu cái cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng người nghệ sĩ ngôn từ lại cần cái căn cơ hơn: bầu không khí nghề nghiệp hữu ích, tinh thần tự do tìm tòi, sự chia sẻ đúng lúc những khó khăn, tinh thần bảo vệ chân lý của đồng nghiệp, điều kiện in ấn và quảng bá tác phẩm,... Rõ ràng là văn nghệ sĩ đang thực sự thiếu sân chơi. Nói gọn lại, với văn nghệ sĩ lúc này tâm thế vẫn còn trăm mối tơ vò. Cơ quan chức năng cần tạo hành lang pháp lý, đại lộ tinh thần để cho nhà văn Hà Nội vững bước tiến lên phía trước. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một chặng đường văn chương Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO