Mở hướng nghiên cứu về nhà ở cổ truyền của các dân tộc Việt Nam
Cuốn sách “Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam” là công trình nghiên cứu lớn của cố PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng, mới được tái xuất giới thiệu độc giả vào đầu tháng 4 này, do MaiHaBooks phát hành. Đây là cuốn sách gộp từ hai bản in tập I năm 1994 và tập II năm 1995.
Sự khác nhau giữa các vùng miền với đặc điểm địa lý, khí hậu và thói quen sinh hoạt khác nhau của các dân tộc là các yếu tố dẫn đến sự khác biệt về nhà ở của các dân tộc. Tuy nhiên, theo dòng chảy lịch sử, vấn đề truyền thống – hiện đại vẫn diễn ra xuyên suốt qua những biến động văn hóa. Trong đó, việc tạo dựng nhà ở sao cho phù hợp mà vẫn giữ được nét cổ truyền của dân tộc là vô cùng quan trọng. Và để chất truyền thống - hiện đại được kết hợp hài hòa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những người làm kiến trúc cần có những hiểu biết sâu sắc. Đó là điều mà nhà dân tộc học, PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng hướng đến khi hoàn thành công trình nghiên cứu Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam.
Trong cuốn sách Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, tác giả đã đề cập các nội dung như: Thông số về địa lý – khí hậu Việt Nam, tình hình phân bố cư dân và các dân tộc. Nhà ở cổ truyền và tập quán sinh hoạt các dân tộc Việt Nam. Trong chương này, tác giả chia ra theo các nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường (người Việt, Mường, Thổ, Chứt); nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (người Tày, Nùng, Thái, Sán Chay, Bố Y, Giáy, Lào, Lự); nhóm ngôn ngữ Mèo – Dao (người H’Mông, Dao, Pà Thẻn); nhóm ngôn ngữ Hán (người Hoa, Sán Dìu); nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến (người Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La Hủ, Cống, Si La); nhóm ngôn ngữ Nam Á khác - Ka Đai (người La Ha, Pu Péo, Cơ Lao, La Chí); nhóm ngôn ngữ Malayô – Pôlinêxia (người Chăm, Ê-đê, Gia-rai, Ra-glai, Chu-ru); nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me (người Máng, Xinh-mun, Kháng, Khơ-mú, Bru-Vân Kiều, Ơ Đu, Co, Ta-ôi, Hrê, Cơ-tu, Gié-Triêng, Brâu, Ba-na, Rơ-măm, Xơ-đăng, Mnông, Cơ-ho, Mạ, Chơ-ro, Xtiêng, Khơ-me).
Bên cạnh đó là những tổng kết về cái riêng và cái chung cũng như những gợi ý cần biết trong việc nghiên cứu nhà ở cổ truyền.
Cuốn sách không chỉ dừng lại ở nội dung về phân tích đặc điểm vùng miền và nhà ở mà còn đưa ra những so sánh các yếu tố cơ bản của nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra là phần bản vẽ và hình ảnh minh họa. Có thể nói rằng, cuốn sách là một pho tài liệu quý về dân tộc học giúp người đọc hình dung được bức tranh toàn cảnh về nhà ở của các dân tộc Việt Nam cũng như những nét độc đáo trong từng kiểu kiến trúc.
PGS.TS Vương Xuân Tình nhận định: “Có thể khẳng định công trình của PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng theo hướng nghiên cứu của dân tộc học kiến trúc (Architectural ethnography), mặc dù trong cuốn sách này ông chưa đề cập tới thuật ngữ đó. Trên thực tế, ông không chỉ kết giao với các nhà kiến trúc mà còn tiếp thu, kế thừa các thành tựu và hợp tác nghiên cứu với các cộng sự của ngành kiến trúc. Ngay trong bộ sách này, ông cũng sử dụng một số hình vẽ về vì kèo và mặt bằng sinh hoạt của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Rõ ràng, công trình của ông không chỉ có giá trị về nghiên cứu văn hóa tộc người, mà còn gợi mở một hướng nghiên cứu liên ngành để phục vụ kiến trúc và xây dựng nhà ở của các dân tộc Việt Nam hiện nay, để vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tộc người, vừa đáp ứng nhu cầu trong phát triển”.
Cũng theo đánh giá của ông, nhà Dân tộc học, PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng chính là người mở hướng nghiên cứu về nhà ở cổ truyền của các dân tộc Việt Nam./.