Mạo danh Viện Y học cổ truyền để bán thuốc điều trị xương khớp giả?

Nguyễn Hương - Theo Vietq.vn| 24/07/2020 14:05

Một nhóm người tự xưng bác sỹ, lợi dụng uy tín của Viện Y học cổ truyền Trung ương để quảng cáo sản phẩm thuốc đông y “điều trị xương khớp” nhập nhèm nguồn gốc nhằm lừa dối người bệnh.

Thuốc đông y chữa bách bệnh xương khớp

Đó là trường hợp của anh Đinh Công Tuyên (ngụ TP.HCM) phản ánh tới toà soạn Chất lượng Việt Nam online (VietQ) về việc mua phải loại thuốc thuốc đông y “điều trị xương khớp” nhưng không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Theo anh Tuyên chia sẻ, anh bị bệnh xương khớp nhiều năm nhưng vì tin vào những lời quảng cáo "có cánh” trên trang website: www.dongduocgiatruyen.com quảng cáo bán thuốc đông y chuyên đặc trị các bệnh xương khớp nên đã để lại số điện thoại để được tư vấn.

Mạo danh Viện Y học cổ truyền để bán thuốc điều trị xương khớp giả?

Loại thuốc đông y rao bán trên trang website: www.dongduocgiatruyen.com.

Sau đó, anh Tuyên được một phụ nữ xưng là bác sĩ gọi điện tư vấn giới thiệu loại thuốc điều trị tên “Điều trị viêm khớp” dạng uống của “Nhà thuốc Đông y gia truyền Việt Nam” (không rõ tên nhà thuốc nào - PV) có thể điều trị các bệnh xương khớp như: đa khớp, gút, thoái hóa cột sống, bệnh vôi hóa khớp, phong tê thấp, thoát vị đĩa đệm, nhức mỏi, thanh nhiệt…

Không cần quan tâm đến bệnh lý, tiền sử của anh Tuyên, qua tư vấn vị “bác sỹ” khẳng định chỉ cần dùng hết một liệu trình gồm 3 hộp là mọi bệnh xương khớp của anh sẽ tiêu tan. Đặc biệt, mỗi bệnh nhân khi mua thuốc đều được “khuyến mại” thuốc bột ngâm chân nhằm hỗ trợ việc điều trị bệnh xương khớp.

Bị đánh trúng tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, lại được bác sỹ của Viện Y học cổ truyền Trung ương tư vấn nên anh Tuyên không chút nghi ngờ đặt mua 1 liệu trình với giá 1,5 triệu đồng với hi vọng bệnh tình sẽ cải thiện như lời tư vấn của nữ bác sỹ online nêu trên.

Nhập nhèm nguồn gốc

Tuy nhiên, nhận được thuốc anh Tuyên tá hoả vì lọ thuốc cầm trên tay có bao bì khác hẳn so với quảng cáo, mọi thông tin thì sơ sài chỉ ghi thuốc điều trị viêm khớp chung chung; lưu hành nội bộ và không có mã vạch, thể hiện nguồn gốc xuất xứ…

Nhận thấy sự bất thường, anh Tuyên gọi điện lại số của bác sỹ tư vấn để truy xuất nguồn gốc thì được người phụ nữ này cho biết, “thuốc đặc trị xương khớp” được Viện Y học cổ truyền cấp phát và gửi đi từ kho thuốc tại địa chỉ số 29, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Giải thích về nguồn gốc xuất xứ, nữ bác sỹ nói: “Thuốc gửi cho anh tôi đã ghi là lưu hành nội bộ và bào chế theo chiều cao cân nặng chứ không phải thực phẩm chức năng. Nếu là TPCN thì chúng tôi có mã vạch và cấp đi nước ngoài. Còn thuốc này chỉ cấp nội bộ trong nước nên không ghi mã vạch”.

Không đồng tình với cách giải thích thiếu căn cứ, anh Tuyên cho biết thuốc này không hợp pháp và sẽ báo cáo cơ quan chức năng để làm rõ hành vi có dấu hiệu lừa đảo trên. Lập tức vị bác sĩ online lớn tiếng: “Tôi không sợ, tôi chả làm gì sai mà phải sợ. Tôi làm trong bệnh viện và có rất nhiều bệnh nhân nên anh không phải đe dọa, thái độ của anh như thằng vô học ý”. Lời qua tiếng lại một lúc anh Tuyên mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.

Mạo danh Viện Y học cổ truyền để bán thuốc điều trị xương khớp giả?

Sản phẩm có nhiều điểm đáng ngờ, khó xác định nguồn gốc xuất xứ 

Để tìm hiểu sự việc trên, PV đã xác minh tại Viện Y học cổ truyền Trung ương thì được bác sỹ tại đây khẳng định loại thuốc “Điều trị xương khớp” mà anh Tuyên mua phải nêu trên không phải của Viện. Tất cả sản phẩm thuốc đông y của Viện đều được bán dưới dạng kê đơn, sản phẩm có ghi rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, chỉ có một số sản phẩm được bán online nhưng cũng trên kênh chính thống của Viện.

Theo điều tra của phóng viên, đơn thuốc trên gửi cho anh Tuyên được một người tên Hoàng Ngọc Tuyển gửi từ bưu cục Thăng Long, Hà Nội.

Khuyến cáo không mua thuốc đông y trên mạng internet

Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Thọ - Phòng quản lý Y - Dược, Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Đối với những cơ sở bán lẻ thuốc đông y, bán dược liệu, thuốc đông y từ dược liệu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do Sở Y tế cấp phép. Người có bài thuốc gia truyền phải đăng ký hành nghề và chỉ được đăng ký một trong hai hình thức hành nghề là: Khám chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền; Sản xuất kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền".

Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo nếu muốn khám chữa bệnh bằng thuốc đông y cần đến các cơ sở uy tín để bốc thuốc, bắt mạch. Không nên tự ý sử dụng thuốc đông y để chữa bệnh, đặc biệt là những loại thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc trên mạng, nguy cơ nhiễm bệnh lại càng cao hơn.

Trước đó, ngày 23/4/2020, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện, bóc gỡ và xử lý đường dây mạo danh thầy thuốc quân đội để bán thuốc đông y trên mạng internet tại TP. Bắc Ninh.

Từ sự việc này, diện Viện YHCT Quân đội khuyến cáo: “Người bệnh không nên mua thuốc trên mạng xã hội. Bởi, theo quy định của Bộ Y tế và Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ của Viện YHCT Quân đội để bán thuốc đều là giả mạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm: Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch “Lửa từ Đất”
    Sáng 23/5 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch Lửa từ Đất”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới chuyên môn, cùng trao đổi về vai trò và sức mạnh biểu đạt của múa đương đại trong một tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử - chính trị.
  • Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
    Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.
  • Vở kịch “Ngược chiều bình an” khắc họa chân thực hình ảnh người lính cứu hỏa
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Công an thành phố Hà Nội; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức công diễn và giới thiệu vở kịch “Ngược chiều bình an”.
  • Hà Nội bổ sung diện tích rào chắn phục vụ thi công trên đường Kim Mã
    Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ bổ sung khu vực rào chắn để thi công gia cố nền đất tại khu vực giếng đứng trên đường Kim Mã để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (khu vực ngã tư nút giao Kim Mã - Núi Trúc) trong quá trình thi công khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
  • Huyện Thường Tín đề xuất 4 trụ sở xã mới sau sắp xếp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng
    Thông tin UBND huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) vừa cho biết, địa phương đã có đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt trung tâm hành chính - chính trị, trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội của 4 xã mới được thành lập sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Đừng bỏ lỡ
Mạo danh Viện Y học cổ truyền để bán thuốc điều trị xương khớp giả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO