Luật Địa chất và Khoáng sản 2024: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 với 12 Chương, 111 Điều được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều điểm mới cốt lõi, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trong quản lý, khai thác tài nguyên địa chất và khoáng sản, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, đến nay Quốc hội đã ban hành 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch (trong đó có quy hoạch khoáng sản), 1 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 70 Thông tư.

Ngoài ra, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn nhằm cung ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng thông thường nói chung và vật liệu san lấp nói riêng khi triển khai các công trình, dự án quan trọng của quốc gia, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết có liên quan. Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản 2010 quy định kinh phí cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa bảo đảm vì vậy công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản không đạt mục tiêu đặt ra…
Ngày 15/5, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định kèm theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản 2024, qua đó nâng cao nhận thức về Luật và trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội cũng đồng thời xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản 2024, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả.
Xác định lộ trình thực hiện cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2025 trong đó điểm d khoản 1 Điều 6, Điều 72, Điều 73, Điều 74, khoản 1 Điều 109 và điểm b khoản 2 Điều 111 của Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2025, Luật Địa chất và khoáng sản 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn Thành phố Hà Nội.
Trong bối cảnh đó, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 (trừ Điểm d khoản 1 Điều 6, Điều 72, Điều 73, Điều 74 và khoản 1 Điều 109; Điểm b khoản 2 Điều 111 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025 và thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật này) với nhiều điểm mới, thay đổi lớn về chính sách, Luật Địa chất và Khoáng sản góp phần để Việt Nam có một ngành công nghiệp khai khoáng bền vững hơn, hiệu quả và minh bạch hơn, tạo đà và tạo lực để đất nước phát triển trong thời gian tới.
Nhiều điểm mới quan trọng của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Địa chất và khoáng sản được xây dựng tập trung vào 5 chính sách trọng tâm gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản: Hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (hợp nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh, Luật Địa chất và khoáng sản có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2055. Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm IV (khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển) có hiệu lực sớm kể từ ngày 15/1/2025 đã khơi thông nguồn lực đối với khoáng sản nhóm IV để phục vụ vật liệu san lấp công trình cho các dự án đầu tư bảo đảm tiến độ thi công, hạn chế tối đa việc chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp gây đội vốn đầu tư công cũng như góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Địa chất và khoáng sản cũng đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác gồm: điều tra, lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; tài nguyên địa nhiệt; tài nguyên địa chất tái tạo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.
Kinh phí điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản đã mở rộng cả nguồn vốn ngân sách của địa phương để gắn với quan điểm địa phương quyết, địa phương làm. Đặc biệt Luật đã có 1 điều (Điều 49) riêng quy định về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đế thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn.
Đồng thời, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 có điểm mới quan trọng là phân cấp quản lý, cắt giảm quy trình, thủ tục hành chính. Về phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh gồm: Quản lý và cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên thay vì Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện tại) theo quy định hiện hành nhằm đồng bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phục vụ phát triển du lịch có sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên để ngâm tắm, chữa bệnh… điều này góp phần rất lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương để các địa phương chủ động trong việc đánh giá điều kiện địa chất công trình phục vụ quy hoạch không gian lòng đất, xây dựng công trình kiên cố... UBND cấp tỉnh đánh giá tiềm năng đối với khoáng sản nhóm III (nhất là cát, sỏi), nhóm IV thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cấp phép hoạt động khoáng sản. Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để giải quyết thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng khoáng sản. Kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn.
Cùng với những nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương, so với Luật Khoáng sản 2010, Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 cũng đẩy mạnh việc đơn giản quy trình, hóa thủ tục hành chính theo nhóm khoáng sản, cụ thể: bỏ thủ tục hành chính đăng ký khảo sát thực địa để lập đề án thăm dò khoáng sản. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản trước khi tiến hành khảo sát.
Bỏ quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép thăm dò, công nhận trữ lượng khoáng sản nhóm IV. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đầu tư công khẩn cấp, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thi công công trình phòng chống thiên tai, không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Một điểm quan trọng trong Luật Địa chất và Khoáng sản là việc cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật này bao gồm việc lợi dụng các hoạt động điều tra địa chất và khoáng sản để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, gây hại đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, hay cố ý hủy hoại các mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị. Đặc biệt, Luật Địa chất và Khoáng sản cũng nghiêm cấm việc thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa có sự phê duyệt, cấp phép từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Về thời gian khai thác khoáng sản, Địa chất và Khoáng sản quy định, dự án đầu tư khai thác khoáng sản có thời gian khai thác không quá 30 năm. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn nhưng tổng thời gian khai thác không vượt quá 50 năm.
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 với nhiều quy định vượt trội, khi được đưa vào thực tiễn sẽ đáp ứng được yêu cầu mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.