''Lệnh cấm trừ tệ'' ở cửa ô Quan Chưởng

Trần Văn Mỹ| 30/04/2021 16:37

''Lệnh cấm trừ tệ'' ở cửa ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng - một trong những dấu tích của 
Kinh thành Thăng Long xưa.

Ô Quan Chưởng ở đầu phố Hàng Chiếu, còn gọi là cổng Phố Mới, hay là cửa Thanh Hà. Cửa ô xây năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), năm Gia Long thứ 3 (1804) xây lại theo quy cách hiện nay. Cửa ô Quan Chưởng có giá trị kiến trúc đặc biệt, vì đây là cửa ô duy nhất còn lại cổng xây, trong 21 cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. 

Giờ đây, nếu có dịp đến cửa ô này, bạn sẽ thấy một tấm bia đá cỡ 50x107cm gắn trên tường bên phải vòm cổng chính. Bia khắc 720 chữ Hán, nhiều chữ đã mòn mờ. Bia có tên Thân cấm khư tệ (Lệnh cấm trừ tệ). Lời văn trên bia do Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình) Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng soạn. Nội dung văn bia đã được Ban Hán Nôm dịch và in trong Tuyển tập văn bia Hà Nội (NXB Khoa học Xã hội - 1978).

Nội dung văn bia cho biết, khi đó, cửa ô Thanh Hà nằm sát bờ sông Hồng, hằng ngày tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền. Lợi dụng sự đông đúc đó, dân “tứ chiếng” (1) đến tụ tập, lại ở chung, không có hương ước. Lý dịch các thôn phường có khi dung dưỡng bọn vô lại, cho chúng ứng trực ở điếm canh, chẳng những chúng tuần phòng bất lực mà khi nhà dân các phố có việc đưa ma, chôn cất, bọn chúng đóng ở các nơi trong hạt đều sách nhiễu tang gia, không kể xa hay gần, đông người hay ít người, sinh sự bắt ép giá cả, ai không chịu thì chúng cản trở việc tống táng. 

Ví như năm Tự Đức 32 (1879), người phố Hàng Bạc là Lã Khắc Tế, con mồ côi 6 tuổi ốm chết, thuê 4 người khênh quan tài, bọn phu điếm ép phải thuê 8 người. 

Cũng năm ấy, ở ngõ Miếu phố ấy, Lê Chích mắc bệnh dịch chết, đưa ma chỉ thuê 9 người mà đòi 36 quan, nhà nghèo không đủ tiền, phải thuê người làng khác khênh. Bọn phu điếm sinh sự đánh lộn, những người làng khác sợ hãi bỏ chạy hết không dám giúp việc tống táng. Sau tang gia phải bán đợ vay mượn trả theo yêu sách của chúng.

Lại nữa, tháng Giêng năm ấy, ở thôn Thuận Mỹ có tên Tuế nhà nghèo, làm thợ sơn, vợ ốm chết, thuê 8 người khênh quan tài, bọn sở tại đòi 30 quan, đến nỗi người đó phải xin đi ở làm thợ sơn, nhận tiền công trước vài năm để đưa cho bọn phu điếm.

Lại nữa, cũng ngày tháng Giêng, Thị Quang thôn ấy có người nhà ốm chết, thuê 4 người, bọn phu điếm ở đó đòi 40 quan.

Lại như bọn ở trại Dưỡng Tế (2), nhân các buổi cưới xin tang tế, tụ tập nhau lại, nhũng nhiễu các phố, và thường ngày ra các thuyền bè ngoài bến sông cùng các hàng vặt ở chợ, lộng hành ăn cắp cướp giật; tệ hơn nữa, đến cuối năm vào nhà người ta đòi dăm ba quan, không đưa thì sinh sự vu vạ.

Tình tiết bọn phu điếm gây ra không thể kể hết được, mà xét đến gốc rễ là tại bọn lý dịch mà ra.

Văn bia còn ghi rõ những quy định cũ và thêm nhiều điều mới, như tống táng thì để tang chủ tùy nghi mà làm, nếu có người ngoài đến giúp thì càng tiện. Còn thuê nhân công thì cứ chiếu theo lệ cũ (ở trong cửa ô thì mỗi tên thuê 4 tiền, ở ngoài thì mỗi tên thuê 5 tiền, hoặc mỗi ngày hành trình thuê 7 tiền). Còn thói sách nhiễu của bọn phu điếm và Dưỡng Tế thì nhất thiết phải cấm để uốn nắn lại phong tục. Ngoài ra lại xin cho các viên chức nơi đó quyên góp khắc một bia đá dựng trước nha môn, mặt hướng ra đường cái quan, để cho mọi người đều biết kính cẩn thi hành.

Nếu như sau khi đã nghiêm sức rồi, mà chỗ nào hãy còn tình tệ như cũ, phát giác được thì từ bọn can phạm đến tổng lý bị trừng trị nặng, huyện nha sở tại cũng khó mà chối cãi được lỗi của mình.

Việc này rất quan trọng, vì dân trừ tệ, phải cẩn thận, chớ ngại xem giấy tờ lười nhác mà gác bỏ đi. Ngoài ra phải chuyển cho các thân sĩ trong hạt biết mà làm. Tờ nghiêm sức trên đây giao cho quan huyện Thọ Xương, kiêm coi công việc huyện Vĩnh Thuận, họ Nguyễn, chiểu theo đó thi hành.

Bia ghi ngày 12 tháng 4, năm Tự Đức thứ 34 (1881).

Ở cuối văn bia, quan Tổng đốc Hoàng Diệu còn dặn:
Huyện nha Thọ Xương sao lục niêm yết cho các hộ phố Thanh Hà tuân theo.

''Lệnh cấm trừ tệ'' ở cửa ô Quan Chưởng
Tấm bia đá gắn trên tường bên phải vòm cổng chính của ô Quan Chưởng

Thân sĩ các hộ phố ở 2 hạt Thọ Xương, Vĩnh Thuận kính sao và khắc bia dựng trước nha môn để tuân theo mãi mãi.

Lệnh cấm trừ tệ của Tổng đốc Hoàng Diệu khắc lên đá đặt ở ô Quan Chưởng tính đến năm 2021 này đã được 140 năm. Nội dung khắc trên bia phản ánh nhiều mặt về kinh tế, xã hội của triều Nguyễn, cuối thế kỷ XIX, tại một vùng đất buôn bán sầm uất nhất của Kẻ Chợ, giúp ích rất nhiều cho các học giả nghiên cứu về Hà Nội. Nên chăng, ngành chức năng cần sớm lập hồ sơ trình Chính phủ để bia Lệnh cấm trừ tệ của Hoàng Diệu được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Riêng tôi, mỗi lần có dịp đến thăm đoạn thành cũ, tôi bồi hồi cảm xúc, thương quý người anh hùng Hoàng Diệu. Ông đỗ Phó bảng năm 1853, quê ở xã Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông đã anh dũng chống lại quân Pháp trong trận chúng đánh chiếm thành Hà Nội ngày 25 tháng 4 năm 1882 và đã tự tử sau khi thành bị mất.

Hiện nay, trên thành Cửa Bắc, người Hà Nội đã dựng đền thờ ông. Mong sao, trong tour du lịch thành cổ, khi du khách đến thăm ô Quan Chưởng, cần có lời giới thiệu đầy đủ về tấm bia Lệnh cấm trừ tệ của Hoàng Diệu, thêm một minh chứng sống động về lòng thương dân của ông. 
---------------------
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • "Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0": Lịch sử Việt Nam qua góc nhìn báo chí quốc tế
    Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Đây là một ấn phẩm đặc biệt không chỉ tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam qua góc nhìn của các nhà báo quốc tế mà còn là minh chứng sống động cho giá trị của sự thật, của ký ức và của niềm tin vào một tương lai hòa bình sau những năm tháng chiế
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Bằng chất lượng ổn định Xi măng Long Sơn vươn tầm quốc tế
    Từ nguồn nguyên liệu tốt nhất Việt Nam để sản xuất xi măng kết hợp với 4 dây chuyền đồng bộ, hiện đại có tổng công suất hơn 10,5 triệu tấn/năm. Công ty Xi măng Long Sơn luôn cung cấp các dòng sản phẩm chất lượng cao và ổn định đáp ứng yêu cầu và làm hài lòng khách hàng trong nước cũng như quốc tế.
  • Bà Mai Kiều Liên lần đầu chia sẻ về chiến lược đằng sau quyết định đổi mới toàn diện của Vinamilk
    Hai năm kể từ khi Vinamilk chính thức tái định vị thương hiệu vào năm 2023, CEO Mai Kiều Liên lần đầu tiên chia sẻ về những chiến lược đằng sau quyết định đổi mới toàn diện của thương hiệu tỷ đô. Nữ lãnh đạo nhấn mạnh, nguyên tắc không thỏa hiệp về chất lượng sản phẩm là yếu tố được duy trì để giữ “chất Vinamilk”.
Đừng bỏ lỡ
''Lệnh cấm trừ tệ'' ở cửa ô Quan Chưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO