Đời sống văn hóa

Lễ xá tội vong nhân của người Việt

GS. Nguyễn Văn Huyên 27/08/2023 09:54

Ngày Rằm tháng 7 âm lịch còn được nhiều người gọi là lễ Vu Lan hoặc ngày xá tội vong nhân, tết Trung Nguyên. Trong bài viết “Sự đầu thai của các linh hồn và lễ xá tội vong nhân của người Việt”, 8/1941, in trong cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt” (NXB Thế giới, 2017), cố GS. Nguyễn Văn Huyên đã viết rất sâu sắc, chi tiết về ngày lễ này. Xin được giới thiệu để bạn đọc có dịp hiểu thêm về ngày lễ mang ý nghĩa nhân văn, được người Việt quan tâm, nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo. 

Lễ xá tội vong nhân là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo. Vừa lúc mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang, và hồn những kẻ bị đầy đọa ùa ra các nẻo đường, trần trụi và đói khát. Nếu muốn cung ứng cho các nhu cầu cấp thiết nhất của họ, thì vào ngày đó người ta phải bày lên bàn thờ họ những đĩa thức ăn, người ta cúng hồn quần áo, đồ đạc, những thoi vàng và bạc bằng giấy.

cung-gia-tien.jpg
Mâm cơm cúng gia tiên rằm tháng 7 (ảnh minh họa).

Ngoài ra, muốn được các thần thương xót, tối hôm đó, sau khi cúng gia tiên, người ta cúng cho tất cả các vong hồn bị bỏ rơi một mâm cơm. Vì thế, ta thấy ở các phố, lúc sẩm tối, ai cũng đặt trước nhà mình những bàn đầy ắp những bát cơm, bát cháo, bánh, hoa quả, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, rất nhiều vàng mã. Người ta thắp hương, rồi tất cả mọi người trong nhà đều quỳ lạy trước bàn thờ này. Đôi khi người ta mời một thầy cúng đến cầu cho các linh hồn lang thang. Và lúc hương sắp tàn, người ta bước đến tận vệ đường với một bát cháo để vẩy lên không. Bằng cách đó, mọi người bố thí cháo cho các linh hồn bất hạnh. Rồi người ta đốt vàng mã, đem tro đổ xuống con sông gần nhất, sông sẽ cuốn tro về nơi Chín suối vàng của thế giới những người chết. Rồi mọi người phát đồ cúng còn lại cho những người hành khất ngày đó thế nào cũng đợi sẵn trong các đường phố.

cungcohon-1100.jpg
Mâm cơm cúng cô hồn rằm tháng 7 (ảnh minh họa)

Rằm tháng Bảy ngày nay trở thành ngày từ thiện lớn: người giàu cho người nghèo và những người hành khất rất hào phóng; các hội từ thiện đi quyên để chia bố thí trong các nhà tế bần và bệnh viện.
Ở các chùa lớn, người ta làm lễ bằng những khoản quyên góp của các thiện nam tín nữ. Hôm đó, người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc tre dài từ bàn thờ Phật đến tận giữa sân chính của chùa. Khoảng cuối buổi chiều, trên chiếc bàn lớn này chồng chất đủ thứ kẹo, bánh, hoa quả mà tín đồ mang đến hay do nhà chùa mua. Mọi người vứt lung tung vào đấy rất nhiều đồ vàng mã như tiền, quần áo, mũ, giày...
Trời mới sẩm tối, chùa đã đầy người đứng đợi lúc giải thoát cho linh hồn những người thân thích của mình. Người ta đốt rất nhiều hương, và thắp hết cây nến lên. Hòa thượng trụ trì, theo sau là tất cả các sư sãi trong chùa, đôi khi có những sư các chùa nhỏ quanh vùng đến nhập hội, đứng trước đàn này. Hòa thượng tụng kinh và niệm thần chú để cho những đồ cúng hiện có ở trên đàn tăng lên thật nhiều.

Sau đấy, hòa thượng chậm rãi trèo lên đàn. Ông ngồi xếp bằng tròn ở đấy, tít trên cao. Hòa thượng được coi là đại diện cho Đức Phật để mở các địa ngục. Cùng với tất cả các nhà sư và tín đồ, hòa thượng tụng kinh để thúc giục việc giải thoát các hồn. Ông kêu cầu xin lòng nhân từ của chư phật mười phương để xin đại xá và để bánh xe luân hồi quay nhanh hơn nữa mong giúp các hồn nhanh chóng vượt qua tất cả các kiếp của sự sống.

Lễ này kéo dài đến rất khuya. Cuối cùng, sau khi đã giải thoát linh hồn những kẻ bị đày ở địa ngục, hòa thượng cúng hồn một mâm cơm bố thí và đọc cho tín đồ nghe những lời răn của Phật để khuyến khích họ làm điều thiện nếu muốn chuẩn bị vào cõi Niết bàn.

image001_lsvv.jpg
Lễ xá tội vong nhân là ngày lễ lớn của người Việt.

Hôm đó, từ những người quyền quý nhất đến kẻ nghèo khó nhất, ai cũng mong cho cha mẹ và người thân của mình đã khuất được nhập Niết bàn mà được dân chúng quan niệm là cõi Thiên đường. Bởi vì, theo ý thức dân gian, thì Thiên đường này là xứ sở của hạnh phúc và lý tưởng. Ở đó, có vô số vàng bạc, châu báu. Nước trong như pha lê chảy trên cát vàng, phủ đầy những bông sen rực rỡ, và trôi dọc những lối đi dạo đẹp mê hồn. Người ta thường xuyên nghe tiếng nhạc véo von. Mỗi ngày ba lần, trời đổ xuống đây một trận mưa hoa. Ta thấy ở đấy những chim chóc tuyệt đẹp, gà lôi, vẹt đuôi dài cùng những loài chim khác. Cứ bốn giờ một lần, chúng đồng thanh cất tiếng hát ca ngợi những vẻ đẹp của đạo và nhắc nhở người nghe nhớ đến Phật, pháp và tăng. Cây và chuông, ở chốn thiên đường này, phát ra cùng một âm thanh như nhau, khi gió làm chúng lay động. Những lan can, những tấm lưới lụa, bảy con suối có đủ mười đặc tính của thứ nước hoàn hảo là không dậy sóng, tinh khiết, mát, ngọt, dễ chịu, nhẹ, êm, dịu, làm đã cơn đói khát, nuôi sống mọi thứ rễ cây; những tòa lâu đài xây bằng châu báu nhiều màu, đấy là một vài trong những kỳ quan đang chờ đợi những ai được tái sinh ở đó sau khi chết. Ở đấy không có tội lỗi mà cũng không có sự xấu xa. Chỉ có một giới tính là nam giới, bởi vì những người đàn bà xứng đáng được tái sinh tại đấy do lòng sùng mộ Đức A Di Đà thì lập tức biến thành đàn ông.
Đấy là tóm tắt vài dòng ngày lễ lớn xá tội vong nhân của người Việt Nam. Như ta thấy, nó có một tầm luân lý lớn. Nó khuyến khích mọi người hướng tới ăn ở tốt trong cuộc đời ngắn ngủi của mình và an ủi tất cả các linh hồn trong cuộc đấu tranh gay go giành sự sống. Tất cả trong cái xứ sở có thiên nhiên nghiệt ngã này, nhất là ở những thời kỳ khắc nghiệt này của mùa hè, đều phải nâng cách quan niệm của mình về mọi khổ ải trên thế gian này lên quy mô những chuỗi luân hồi dài vô tận, nhằm khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành những đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục. Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn bằng cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ./.

Bài liên quan
  • Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?
    Rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Mâm cơm cúng rằm tháng 7 được chuẩn bị kỹ lưỡng, bày biện đẹp mắt để dâng lên trời Phật và tổ tiên thể hiện lòng thành kính.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Tháng Năm về quê Bác
    Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả... Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Tháng Năm về quê Bác" của tác giả Nguyễn Xuân Việt.
  • Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
    Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.
  • “Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm
    Anbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách "Hãy nói rằng con cần mẹ" – cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Đây là tác phẩm tiếp nối hành trình nghiên cứu và chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên – một vấn đề đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
  • Chuỗi sự kiện đặc sắc kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 16/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại" với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa.
  • Sư đoàn Phòng không 361 – 60 năm xứng đáng danh hiệu "cận vệ đỏ" canh giữ bầu trời Thủ đô
    Sáng 17/5, tại Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19/5/1965 – 19/5/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
    Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhận tác phẩm dự thi từ nay đến tháng 7/2025.
  • Chiêm ngưỡng di sản Phật giáo thời Lý qua công nghệ số
    Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), đồng thời kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á và Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ”.
Lễ xá tội vong nhân của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO