Đời sống văn hóa

Lễ xá tội vong nhân của người Việt

GS. Nguyễn Văn Huyên 27/08/2023 09:54

Ngày Rằm tháng 7 âm lịch còn được nhiều người gọi là lễ Vu Lan hoặc ngày xá tội vong nhân, tết Trung Nguyên. Trong bài viết “Sự đầu thai của các linh hồn và lễ xá tội vong nhân của người Việt”, 8/1941, in trong cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt” (NXB Thế giới, 2017), cố GS. Nguyễn Văn Huyên đã viết rất sâu sắc, chi tiết về ngày lễ này. Xin được giới thiệu để bạn đọc có dịp hiểu thêm về ngày lễ mang ý nghĩa nhân văn, được người Việt quan tâm, nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo. 

Lễ xá tội vong nhân là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo. Vừa lúc mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang, và hồn những kẻ bị đầy đọa ùa ra các nẻo đường, trần trụi và đói khát. Nếu muốn cung ứng cho các nhu cầu cấp thiết nhất của họ, thì vào ngày đó người ta phải bày lên bàn thờ họ những đĩa thức ăn, người ta cúng hồn quần áo, đồ đạc, những thoi vàng và bạc bằng giấy.

cung-gia-tien.jpg
Mâm cơm cúng gia tiên rằm tháng 7 (ảnh minh họa).

Ngoài ra, muốn được các thần thương xót, tối hôm đó, sau khi cúng gia tiên, người ta cúng cho tất cả các vong hồn bị bỏ rơi một mâm cơm. Vì thế, ta thấy ở các phố, lúc sẩm tối, ai cũng đặt trước nhà mình những bàn đầy ắp những bát cơm, bát cháo, bánh, hoa quả, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, rất nhiều vàng mã. Người ta thắp hương, rồi tất cả mọi người trong nhà đều quỳ lạy trước bàn thờ này. Đôi khi người ta mời một thầy cúng đến cầu cho các linh hồn lang thang. Và lúc hương sắp tàn, người ta bước đến tận vệ đường với một bát cháo để vẩy lên không. Bằng cách đó, mọi người bố thí cháo cho các linh hồn bất hạnh. Rồi người ta đốt vàng mã, đem tro đổ xuống con sông gần nhất, sông sẽ cuốn tro về nơi Chín suối vàng của thế giới những người chết. Rồi mọi người phát đồ cúng còn lại cho những người hành khất ngày đó thế nào cũng đợi sẵn trong các đường phố.

cungcohon-1100.jpg
Mâm cơm cúng cô hồn rằm tháng 7 (ảnh minh họa)

Rằm tháng Bảy ngày nay trở thành ngày từ thiện lớn: người giàu cho người nghèo và những người hành khất rất hào phóng; các hội từ thiện đi quyên để chia bố thí trong các nhà tế bần và bệnh viện.
Ở các chùa lớn, người ta làm lễ bằng những khoản quyên góp của các thiện nam tín nữ. Hôm đó, người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc tre dài từ bàn thờ Phật đến tận giữa sân chính của chùa. Khoảng cuối buổi chiều, trên chiếc bàn lớn này chồng chất đủ thứ kẹo, bánh, hoa quả mà tín đồ mang đến hay do nhà chùa mua. Mọi người vứt lung tung vào đấy rất nhiều đồ vàng mã như tiền, quần áo, mũ, giày...
Trời mới sẩm tối, chùa đã đầy người đứng đợi lúc giải thoát cho linh hồn những người thân thích của mình. Người ta đốt rất nhiều hương, và thắp hết cây nến lên. Hòa thượng trụ trì, theo sau là tất cả các sư sãi trong chùa, đôi khi có những sư các chùa nhỏ quanh vùng đến nhập hội, đứng trước đàn này. Hòa thượng tụng kinh và niệm thần chú để cho những đồ cúng hiện có ở trên đàn tăng lên thật nhiều.

Sau đấy, hòa thượng chậm rãi trèo lên đàn. Ông ngồi xếp bằng tròn ở đấy, tít trên cao. Hòa thượng được coi là đại diện cho Đức Phật để mở các địa ngục. Cùng với tất cả các nhà sư và tín đồ, hòa thượng tụng kinh để thúc giục việc giải thoát các hồn. Ông kêu cầu xin lòng nhân từ của chư phật mười phương để xin đại xá và để bánh xe luân hồi quay nhanh hơn nữa mong giúp các hồn nhanh chóng vượt qua tất cả các kiếp của sự sống.

Lễ này kéo dài đến rất khuya. Cuối cùng, sau khi đã giải thoát linh hồn những kẻ bị đày ở địa ngục, hòa thượng cúng hồn một mâm cơm bố thí và đọc cho tín đồ nghe những lời răn của Phật để khuyến khích họ làm điều thiện nếu muốn chuẩn bị vào cõi Niết bàn.

image001_lsvv.jpg
Lễ xá tội vong nhân là ngày lễ lớn của người Việt.

Hôm đó, từ những người quyền quý nhất đến kẻ nghèo khó nhất, ai cũng mong cho cha mẹ và người thân của mình đã khuất được nhập Niết bàn mà được dân chúng quan niệm là cõi Thiên đường. Bởi vì, theo ý thức dân gian, thì Thiên đường này là xứ sở của hạnh phúc và lý tưởng. Ở đó, có vô số vàng bạc, châu báu. Nước trong như pha lê chảy trên cát vàng, phủ đầy những bông sen rực rỡ, và trôi dọc những lối đi dạo đẹp mê hồn. Người ta thường xuyên nghe tiếng nhạc véo von. Mỗi ngày ba lần, trời đổ xuống đây một trận mưa hoa. Ta thấy ở đấy những chim chóc tuyệt đẹp, gà lôi, vẹt đuôi dài cùng những loài chim khác. Cứ bốn giờ một lần, chúng đồng thanh cất tiếng hát ca ngợi những vẻ đẹp của đạo và nhắc nhở người nghe nhớ đến Phật, pháp và tăng. Cây và chuông, ở chốn thiên đường này, phát ra cùng một âm thanh như nhau, khi gió làm chúng lay động. Những lan can, những tấm lưới lụa, bảy con suối có đủ mười đặc tính của thứ nước hoàn hảo là không dậy sóng, tinh khiết, mát, ngọt, dễ chịu, nhẹ, êm, dịu, làm đã cơn đói khát, nuôi sống mọi thứ rễ cây; những tòa lâu đài xây bằng châu báu nhiều màu, đấy là một vài trong những kỳ quan đang chờ đợi những ai được tái sinh ở đó sau khi chết. Ở đấy không có tội lỗi mà cũng không có sự xấu xa. Chỉ có một giới tính là nam giới, bởi vì những người đàn bà xứng đáng được tái sinh tại đấy do lòng sùng mộ Đức A Di Đà thì lập tức biến thành đàn ông.
Đấy là tóm tắt vài dòng ngày lễ lớn xá tội vong nhân của người Việt Nam. Như ta thấy, nó có một tầm luân lý lớn. Nó khuyến khích mọi người hướng tới ăn ở tốt trong cuộc đời ngắn ngủi của mình và an ủi tất cả các linh hồn trong cuộc đấu tranh gay go giành sự sống. Tất cả trong cái xứ sở có thiên nhiên nghiệt ngã này, nhất là ở những thời kỳ khắc nghiệt này của mùa hè, đều phải nâng cách quan niệm của mình về mọi khổ ải trên thế gian này lên quy mô những chuỗi luân hồi dài vô tận, nhằm khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành những đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục. Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn bằng cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ./.

GS. Nguyễn Văn Huyên