Lễ hội truyền thống Hà Nội: Nỗ lực gìn giữ bản sắc, tạo nếp văn minh
Lễ hội truyền thống Hà Nội là nguồn lực quan trọng trong việc phát triển văn hóa và du lịch của Thủ đô. Trong bối cảnh hội nhập, việc bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội song song với đảm bảo văn minh, an toàn là nhiệm vụ cần thiết. Nhiều năm qua, việc quản lý và tổ chức lễ hội được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các quận, huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Đặc sắc lễ hội truyền thống Hà Nội
Lễ hội là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp. Hội làng thường diễn ra vào mùa xuân và mùa thu - hai thời điểm quan trọng trong chu kỳ sản xuất nông nghiệp, nhằm cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống an vui. Mỗi lễ hội mang một ý nghĩa riêng biệt, nhưng tựu trung đều hướng đến việc tôn vinh thần linh, anh hùng dân tộc, đồng thời tạo nên những khoảng thời gian thiêng liêng giúp người dân kết nối với cộng đồng, tìm lại những giá trị tinh thần truyền thống.

Với gần 1.500 lễ hội được tổ chức hằng năm, Hà Nội là địa phương có hệ thống lễ hội phong phú bậc nhất. Đây là kho tàng văn hóa phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian đặc trưng của Thủ đô. Lễ hội thể hiện sự tinh tế, thanh lịch của người Tràng An, từ nghi lễ thờ phụng, trò chơi dân gian đến không gian văn hóa tín ngưỡng. Đặc biệt, yếu tố nghệ thuật trong các lễ hội Hà Nội cũng rất đặc sắc, từ những màn rước kiệu trang nghiêm, hát chầu văn, chèo tàu, đến các điệu múa cổ truyền… tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh lễ hội phong phú và đa dạng.
Các nhà nghiên cứu phân chia lễ hội Hà Nội thành nhiều nhóm. Trước hết là lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc như hội Gióng ở Sóc Sơn tưởng nhớ Thánh Gióng, hội Đống Đa kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung, hội đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng. Tiếp theo là lễ hội thờ Thành hoàng, gắn với tín ngưỡng của từng làng xã, thể hiện qua những phong tục tế lễ đặc sắc. Lễ hội Tứ trấn với bốn vị thần trấn giữ bốn phương gồm Bạch Mã (trấn Đông), Linh Lang (trấn Tây), Cao Sơn (trấn Nam), Huyền Thiên Trấn Vũ (trấn Bắc) là nét riêng của Thăng Long xưa, phản ánh ý thức bảo vệ và phát triển kinh thành. Lễ hội Tứ bất tử tôn vinh bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng và Liễu Hạnh công chúa. Ngoài ra còn có lễ hội gắn với các làng nghề, thể hiện tinh thần kết chạ, kết nghĩa…

Cũng như các lễ hội truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc bộ, lễ hội Hà Nội bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang trọng, uy nghiêm với những nghi thức tế lễ, dâng hương, cầu phúc. Phần hội lại náo nhiệt với các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, cướp cầu, thi nấu cơm, rước kiệu, múa sư tử, tạo nên không gian lễ hội sôi động, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Qua mỗi mùa lễ hội, người dân không chỉ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên mà còn có cơ hội giao lưu, mở rộng hiểu biết về lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc.
“Lễ hội là khoảnh khắc tạo nên sự cộng mệnh, cộng cảm giữa những người tham gia lễ hội và tính thiêng của lễ hội. Chính vì ý nghĩa đó, lễ hội truyền thống vừa là điểm tựa tâm linh vừa là khoảnh khắc để người tham gia kết nối với cộng đồng và trải nghiệm những giây phút giải tỏa những sự căng thẳng của đời sống thế tục. Xã hội càng phát triển, con người càng cần những điểm tựa cho đời sống tinh thần cũng như sự kết nối cộng đồng - đó là vai trò không thay thế được của lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại”, PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khẳng định.
Giữ bản sắc, tạo nếp văn minh cho lễ hội Hà Nội
Nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa và đảm bảo an toàn, văn minh trong lễ hội, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp trong quản lý, tổ chức lễ hội. Thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đều đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, trong đó nổi bật là tăng cường công tác quản lý thông qua các chỉ thị hướng dẫn tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và hạn chế tình trạng trục lợi từ tín ngưỡng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Thị Tám cho hay, huyện đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ kiểm tra nhằm giám sát các hoạt động của lễ hội truyền thống. Đồng thời, huyện quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và địa phương về công tác tổ chức lễ hội, thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn minh, đặc biệt là Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Những nội dung này đã được triển khai đến 100% các xã, ban lãnh đạo thôn, Ban Quản lý di tích các thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh của người dân tham gia lễ hội.
Đáng chú ý, các di tích đã tích cực thực hiện quy tắc ứng xử nhằm duy trì sự trang nghiêm, đồng thời nhắc nhở người dân giữ thái độ văn minh, tránh chen lấn, xô đẩy hoặc có hành vi phản cảm. Bên cạnh đó, công nghệ cũng được ứng dụng trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, như lắp đặt camera giám sát, sử dụng mã QR để cung cấp thông tin về di tích và kiểm soát lượng khách, nhất là ở những lễ hội quy mô lớn. Tại lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lần đầu tiên quận Đống Đa tổ chức khai hội vào buổi tối với chương trình nghệ thuật bán thực cảnh kết hợp công nghệ chiếu sáng 3D, mang đến trải nghiệm mới mẻ, thu hút lượng khách tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tại phủ Tây Hồ, UBND quận Tây Hồ đã triển khai công nghệ số trong trông giữ xe, bán hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Du khách có thể quét mã QR để thanh toán và tìm hiểu thông tin về di tích, giúp quản lý dịch vụ hiệu quả hơn. Trong khi đó, tại cụm di tích đình - chùa Hà (quận Cầu Giấy), Ban Quản lý di tích đã đặt mã QR tại cổng vào để du khách dễ dàng tra cứu thông tin về lịch sử và lễ hội. Việc ứng dụng công nghệ tại các lễ hội không chỉ nâng cao trải nghiệm du khách mà còn giúp quản lý hiệu quả, tạo môi trường lễ hội văn minh, hiện đại.
Theo ông Bùi Văn Triều, Trưởng Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, để đảm bảo an toàn và văn minh cho lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức. Công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được chú trọng; các điểm kinh doanh được quản lý chặt chẽ, tránh lấn chiếm không gian công cộng. Lực lượng chức năng duy trì an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo giao thông đường bộ và đường thủy nội địa thông suốt. Dịch vụ xe điện phục vụ du khách đúng tuyến, an toàn, văn minh. Ban tổ chức lễ hội thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các lái đò tuân thủ quy định, hướng dẫn du khách bảo vệ môi trường. Những biện pháp này góp phần tạo không gian lễ hội an toàn, trật tự, mang đến trải nghiệm văn minh, thuận lợi cho du khách khi về trẩy hội chùa Hương.

Bên cạnh những điểm sáng, những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tổ chức lễ hội thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại một số lễ hội vẫn còn tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo vào những ngày cao điểm, nhiều nơi chưa niêm yết giá các dịch vụ. Ngoài ra, các vấn đề như đốt vàng mã tràn lan, rải tiền lẻ, chen lấn và mất an ninh trật tự vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như tính tôn nghiêm tại các điểm thờ tự.
Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền, ban tổ chức lễ hội và ý thức của cộng đồng. Việc tổ chức lễ hội không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân tham gia. Chính họ là nhân tố quyết định sự thành công của lễ hội, giúp gìn giữ không gian văn hóa truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại. Thêm nữa, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, đồng thời đảm bảo tính trang trọng, ý nghĩa của lễ hội, phù hợp với nhu cầu của thời đại./.
Hà Nội sẽ có "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống"
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội mới đây đã ra Thông báo số 66/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tại cuộc họp về công tác quản lý nhà nước về di tích di sản và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, về công tác quản lý lễ hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương tham mưu UBND thành phố chỉ đạo công tác quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố, trong đó, cần cập nhật "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống"; xin ý kiến các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã; báo cáo UBND thành phố ban hành trước ngày 15/3/2025.