Lặng nghe “Lời thầm” của một thi nhân

Vũ Nho| 23/05/2019 07:51

Chị Hạnh Mai tham gia Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Tràng An của Hà Nội nhiều năm và là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội. Đến nay Hạnh Mai đã xuất bản 3 tập thơ riêng: Đám mây bay qua (2010); Điều bất chợt (2012) và gần đây nhất là Lời thầm (2019).

Lặng nghe “Lời thầm” của một thi nhân

 Có thể nói “Lời thầm” là tập thơ thể hiện những nỗi niềm của một người phụ nữ dịu dàng, đa cảm. Nguyên tên tập thơ cũng cho thấy tác giả là người không thích ồn ào, không thích phô trương, mà chỉ thích thầm thì, thủ thỉ, như loài hoa Mộc, hương và sắc khiêm nhường “Cứ lặng thầm tự khắc họa thành tên” (Hoa Mộc). Đó là một trong những biểu hiện nữ tính kín đáo của sự dịu dàng.

Chúng ta sống trong thời đại thông tin bùng nổ. Con người bị cuốn vào xa lộ thông tin với những chương trình ti vi rất nhiều kênh, nhiều đài phát thanh phát 24/24, với những điện thoại thông minh kết nối toàn thế giới. Có người đã tìm sự yên tĩnh bằng cách tắt điện thoại, tắt ti vi, tắt mọi nguồn thông tin để sống hoàn toàn trong sự tĩnh lặng ít ngày. Hạnh Mai không làm thế, nhưng chí ít chị cũng tạo sự giãn cách:

Đôi khi bỏ máy lặng thinh
Để còn nghe tiếng lòng mình đổ chuông

Người phụ nữ làm thơ này có cách riêng để cân bằng giữa sự hướng nội và hướng ngoại. Không phải chỉ chuyên chú vào hướng nội, vào cõi riêng lòng mình. Thơ của Hạnh Mai không chú trọng thể hiện cái tôi riêng, mà có sự cân bằng giữa cái tôi và cái ta, giữa cá nhân mình với cộng đồng. Có thể bắt gặp nhiều mảnh đời, nhiều số phận của những con người nhỏ bé trong thơ chị:

Bà lão cào nghêu từ sớm
Dáng còng đổ xuống ban mai
(Cuối hạ)

Một  “Người đàn bà sửa xe”  có cuộc sống vất vả “lăn lóc với đời” :
Bơm căng bao nhiêu ruột săm
Mà đời bà lép xẹp gốc bàng
(Người đàn bà sửa xe)

Một người phụ nữ mắc bệnh cùi phải lìa bỏ quê hương, gia đình đến ở trại phong:
Cụt cùi dẫu có liền da
Còn mãi nỗi đau li biệt
Với quê, người cùi đã chết
Mắt chị buồn vô vọng phía biển xa
(Lời buồn gió thổi)

Hai người bạn già từng có một thời trẻ trung nhưng số phận thật bi đát sau chiến tranh. Chỉ có tấm lòng nhân hậu rộng mở của một người phụ nữ mới có thể cảm thông hết nỗi mất mát, đau buồn và sự kiên cường của hai người phụ nữ vô danh “Bà còng dắt tay bà mù” đi hội. Bà còng thì “Một thời đi đứng thẳng ngay/ Đá mòn chân cứng dạn dày Trường Sơn/ Một thời khói lửa đạn bom/ Thẳng ngay để lại, chỉ còn lưng cong”. Bà mù thì “Nặng tình bởi một câu thề/ Mắt mờ theo những nỗi khuya u buồn/ U buồn khua gậy lối mòn/ Bước dò theo kỉ niệm còn trinh nguyên” (Đôi bạn).

Một cụ già sức yếu, không thể ở tầng cao, nhưng tầng một thì lại cũng có sự khổ riêng:

Bà cố tám mươi sức yếu
Ra vào tầng một quẩn quanh
Đêm đêm thở cùng xăng nhớt
Chập chờn thức ngủ cầm canh
(Nhà chật)

Và đây, một em gái phải đội mưa gió để mưu sinh nơi “chợ tình” thực chất là “chợ tiền”:
Ngàn vàng quý giá ai hay
Vãng lai, cửu vạn, thợ xây cũng mời
Nâng lên hạ xuống ngã lời
Mười phương em bán cả… mười một phương
(Mưa chợ tình)

Tình cảm của người phụ nữ dịu dàng, đa cảm ấy còn dành cho một người bạn thơ “khổ lụy vì tiền”:
Em đi theo với người ta
Biết rồi thân gái đường xa thế nào?
Lối mòn bước thấp bước cao
Nơi đâu là chốn dạt vào nương thân
(Thế là)

Và nhiều tình cảm thương yêu nhất, chị dành  cho người mẹ của mình trong các bài “Thu buồn”, “Mùa vu lan”, “Ru mẹ”, “Ngày giỗ mẹ”. Những câu thơ như bứt ra từ tấm lòng người con hiếu thảo:

Không già hơn được nữa
Tuổi già qua lâu rồi
Con trở thành bà ngoại
Mẹ vẫn già thế thôi
(Mùa vu lan)

Ngủ đi này những nếp nhăn
Mẹ ta tất tả lo toan nhiều rồi
Ngủ đi này đốm đồi mồi
Gió sương để dấu một thời gió sương
Ngủ đi mái tóc mây vương
Sợi rơi, sợi rụng, sợi buồn sợi lo
(Ru mẹ)

Không chỉ quan tâm đến những người phụ nữ bình thường, nhỏ bé, thiệt thòi, Hạnh Mai còn quan tâm đến những vấn đề của cả giới mình trong các bài thơ “Trước cửa tòa”, “Cầm lòng mượn tiếng hờn ghen”, “Ba mươi phút mỗi ngày”, “Lời thề”, “Tôi rơi”. Và tác giả còn quan tâm đến những chuyện lớn lao của xã hội, của đất nước.  Người thơ không quên nhắc nhở về chủ quyền biển đảo:

Ấy là mảnh đất cha ông
Giong buồm mở cõi một vùng đảo xa
Ấy là máu chảy Gạc Ma
Vẫn không thôi nhắc nhở ta chủ quyền
(Ấy là)

Về niềm riêng, có thể thấy tác giả ít bộc lộ “cái tôi” cá nhân, nếu so sánh với nỗi chung. Thấp thoáng trong tập, những câu thơ gợi hoàn cảnh riêng của người viết. Đó là khi đợi chờ: “Người đi nhẹ bước phù vân/ Ta phong gói những mùa xuân đợi chờ” (Đợi chờ). Đó là khi gặp gỡ muộn màng: “Gặp đò, đò đã sang ngang/ Gặp người người đã đa mang phận người” (Mong manh). Đó là khi cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo: “Mình trơ trọi giữa bao la căn phòng/ Rét gì rét thế đêm đông/ Như là gió thổi từ trong ra ngoài” (Cô đơn). Đó là khi có cảm giác cỗi cằn: “Thơ giờ ngày một khó khăn/ Tình giờ ngày một cỗi cằn hơn xưa/ Mặt giờ nhàu nhĩ nắng mưa/ Mùa em rớt giá cả thơ lẫn tình” (Mùa em). Có lúc người viết cảm thấy mình đánh mất mình:  “tôi rơi tôi rồi”. Ấy là khi bị cuốn vào các công việc bếp núc, chợ búa hay làm vườn (Kể cũng ngạc nhiên là một người có nghề “thiết kế kết cấu trúc công trình” lại có cả một “vườn rau sạch” để rơi vào). Rốt cuộc là tìm mãi không thấy “cái tôi”, tác giả  chỉ còn biết “Trách mình dại dột/ Sao không rơi vào thơ!”.  (Tôi rơi).Thì ra đây là một câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn! Rơi vào thơ ư? Chắc gì đã tìm thấy dấu vết khi mà chính người viết đã từng kêu: “Thơ gieo mấy mùa hạt lép/ Đất nghèo chưa thấy mọc lên” (Nhà chật).

Bạn đọc có thể tìm thấy những ý nghĩ chân thành, mộc mạc nhưng không kém phần sâu sắc của tác giả trong các bài thơ “Bức tường”, “Lễ Phật xứ người”, “Giọt chiều”, “Hoa  phong lan”, “Hoa lộc vừng”…
Tôi ấn tượng với thái độ lạc quan, rất nữ tính nhưng cũng rất cứng cỏi của chị, và cũng chúc tác giả và những người đọc thơ Hạnh Mai sống tự nhiên, mạnh mẽ với tinh thần ấy:

Đã yêu thì cứ yêu đi
Đã thương chẳng ngại đôi khi mếch lòng
Đã vui, vui đến nhập đồng
Đam mê cháy đến tận cùng đam mê!
(Bây giờ)
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Lặng nghe “Lời thầm” của một thi nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO