Gần 4 năm, người Hà Nội đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người lao động (CB, CCVC, NLĐ) đã cảm thấy quen thuộc khi sử dụng cụm từ Quy tắc ứng xử (QTƯX).
Người ta mừng vì những hành động ứng xử ở nhiều nơi, nhiều thời điểm đã đổi thay, thông điệp văn minh trong ứng xử đã lan tỏa. Nhưng với vai trò gương mẫu đi đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Hà Nội vẫn cần phải soi chiếu, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là người Tràng An.
Chuyển biến rõ rệt
Đầu năm 2017, sau khi TP ban hành hai QTƯX trong đó có QTƯX dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan thuộc TP Hà Nội UBND TP cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ. Trong đó, thực hiện quy định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công với công dân, tổ chức theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư, việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trong thực thi công vụ quyền hạn của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, việc thực hiện kỷ luật kỷ cương, chấp hành giờ làm việc của người lao động, việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị, việc định kỳ đánh giá xếp loại hàng tháng của cán bộ công chức, viên chức, người lao động…
Cán bộ UBND huyện Thanh Trì hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng |
|
Trong 3 năm, từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ đã kiểm tra công vụ đột xuất với 124 cơ quan, đơn vị thuộc TP, trong đó có 9 sở, 10 đơn vị thuộc sở, 7 UBND cấp huyện, 91 UBND cấp xã…
“Sau một năm thực hiện QTƯX, qua các đợt kiểm tra, Sở Nội vụ ghi nhận đã có sự chuyển biến rõ nét, cơ bản qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung về QTƯX. Công tác tiếp dân được cơ bản quan tâm, việc giải quyết hồ sơ hành chính đã có tỷ lệ đúng hẹn được nâng lên, đối với các hồ sơ chậm muộn đã thực hiện nghiêm việc ban hành thư xin lỗi với tổ chức, công dân; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn qua các năm được nâng lên, năm 2017 đạt tỷ lệ 95%, năm 2018 là 97,3%, và năm 2019 là 98,8%, 10 tháng năm 2020 là 99,8%” - Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà thông tin.
Ngoài ra, về kết quả giải quyết hồ sơ hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đã được nâng lên rõ rệt. Rõ nhất là chỉ số cải cách hành chính của TP, năm 2015 TP đứng thứ 9 về chỉ số cải cách hành chính, năm 2016 đứng thứ 3 và từ 2017 đến nay, thứ hạng cải cách hành chính của TP đều duy trì ở vị trí đứng thứ 2/63 tỉnh thành.
“Như vậy, rõ ràng khi ban hành bộ QTƯX thì việc triển khai và thực hiện của cán bộ công chức và sở ngành đã có chuyển biến rõ rệt và được thể hiện rõ bằng chỉ số cải cách hành chính của TP là đều duy trì thứ hạng thứ 2/63 tỉnh, thành” - Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết.
Người dân cảm nhận sự cải thiện của cán bộ
Đo lường những thay đổi trong chất lượng phục vụ của CB với người dân được TP thực hiện bằng nhiều cách thức. Ngoài các cuộc kiểm tra cấp TP, các sở ngành… thì có cả việc lấy ý kiến, nhận xét của Nhân dân. Trong số các cuộc khảo sát đánh giá việc thực hiện QTƯX của HĐND, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình nhận định, QTƯX của TP đã đi vào cuộc sống. cán bộ công chức, viên chức, người lao động có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thời gian làm việc; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả.
“Thái độ của cán bộ công chức, viên chức ở bộ phận một cửa các xã, phường, thị trấn đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước. Khảo sát tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), xã Di Trạch (huyện Hoài Đức)…trước đây ghi nhận còn sai sót, nay đã chuyển biến rất tích cực, CB nhiệt tình, trách nhiệm hơn với công việc. Phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đều có nhận xét tích cực, mức độ hài lòng đạt trên 97%, 100% hồ sơ đều trả kết quả đúng hẹn” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị xã hội đã chủ động, nghiêm túc triển khai hai QTƯX của TP; xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả để lồng ghép thực hiện QTƯX với các phong trào thi đua, việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác Đoàn, hội. Hội Liên hiệp phụ nữ TP đã sáng tạo, cụ thể hóa việc thực hiện QTƯX thông qua việc phát động và triển khai cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”. Hội Nông dân, Đoàn thanh niên TP cũng quán triệt tới đoàn viên, hội viên, nông dân về các nội dung QTƯX, góp phần xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa và môi trường văn hóa.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: Thành đoàn đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng Chương trình liên tịch phối hợp truyền thông trong các trường học trên địa bàn TP Hà Nội về văn hóa ứng xử nơi công cộng cho học sinh, sinh viên Thủ đô; phối hợp với Sở GTVT, Sở Tài chính, Công an TP triển khai “Đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh về giao thông”; tổ chức tọa đàm “Cán bộ, công chức trẻ Thủ đô bản lĩnh, liêm khiết, trách nhiệm vì nhân dân phục vụ”…
Với những nỗ lực trên, cán bộ công chức, viên chức, đã phần nào đáp ứng sự hài lòng của người dân. Bà Nguyễn Thị Huệ (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) cho biết, khi đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã Di Trạch, cán bộ tiếp đón niềm nở, hướng dẫn các thủ tục tận tình. Ông Phạm Duy Tân (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) nhận xét, người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đều thấy sự thân thiện của cán bộ, nếu thiếu thủ tục thì được hướng dẫn chu đáo, không hách dịch.
Băn khoăn chế tài xử lý vi phạm
Dù ghi nhận có chuyển biến tích cực, song các đoàn kiểm tra khảo sát của TP cũng ghi nhận thấy tại phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), máy nhập dịch vụ công trực tuyến để người dân tự làm và màn hình tra cứu trạng thái hồ sơ đều hỏng, không thể sử dụng; UBND phường không niêm yết lịch tiếp công dân, QTƯX nơi công cộng niêm yết chiếu lệ, rất khó nhìn. Bộ phận một cửa xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai), công chức khối Tư pháp hộ tịch đi họp vắng...
Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Thị Thu Hiền thừa nhận, do chưa có chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm, nên tính răn đe chưa cao, vẫn chỉ dừng ở việc vận động nhắc nhở, định hướng thái độ, hành vi ứng xử. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở một vài đơn vị vẫn chưa sinh động, còn hình thức, mang tính chất đối phó. Vì thế thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông của T.Ư, Hà Nội tuyên truyền các QTƯX; tham mưu cho UBND TP các văn bản tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các địa phương xây dựng các mô hình tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu, ngoài tổ chức kiểm tra việc thực hiện QTƯX tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP, Sở VH&TT cần tham mưu xây dựng các chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm gắn với các quy định.
“Để triển khai QTƯX có chiều sâu, hiệu quả cao hơn nữa, cần sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động ở các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, các khu dân cư và ở những nơi công cộng. Thời gian tới, HĐND TP tiếp tục giám sát, khảo sát nội dung này” - bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh thêm.
Chắc chắn, trong thời gian tới, UBND TP sẽ giao cho Sở Nội vụ nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm, xây dựng bộ tiêu chí cụ thể hóa những hành vi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, hoàn thiện để triển khai trước trong cán bộ công chức, viên chức, sau đó đến người dân, nhất là với những vi phạm nơi công cộng…
Cùng đó, Hà Nội cũng cần tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí tuyên truyền, tổ chức đoàn thể, đưa vào Chương trình 04 và trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là Chương trình 06/CTr-TU để việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực sự hiệu quả.
Cần đa dạng hình thức tuyên truyền "Nguyên nhân là ở một số nơi, số chỗ việc thực hiện các QTƯX chưa hiệu quả do công tác tuyên truyền chưa đa dạng, liên tục để người dân nắm được và thực hiện. Trách nhiệm thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan truyền thông, và cơ sở để làm sao tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Vì vậy trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, liên tục. Chính quyền cơ sở phải vận động để người dân thực hiện các nội dung QTƯX." - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04/CTr-TU - Ngô Văn Quý
Thay đổi chưa đều, chưa rộng khắp "Ngay sau khi ban hành QTƯX, Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể trong văn hóa ứng xử của người cán bộ. Mô hình "một cửa, một dấu" ở một số cơ quan công vụ, lịch hẹn trả hồ sơ cũng là những minh chứng có liên quan cho sự thay đổi về phong cách làm việc, phục vụ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận sự thay đổi này chưa đều, chưa rộng khắp. Hơn nữa, vẫn còn có biểu hiện: Thay đổi theo yêu cầu, “nhìn mặt” để thay đổi chứ chưa thay đổi một cách toàn diện. Ngoài ra, bản lĩnh thực sự của phong cách ứng xử có văn hóa, chuyên nghiệp... chưa ổn định khi xuất hiện các tình huống có vấn đề, thời điểm căng thẳng, mệt mỏi hay quá tải. Hơn nữa, đôi khi chúng ta vẫn phải buồn vì cách ứng xử của cán bộ Hà Nội, đó là hành vi không đẹp nơi công cộng, điển hình là vụ hành hung nữ nhân viên hàng không, vụ đánh cụ ông 76 tuổi, vụ cán bộ xúc phạm nhà báo… Không vì thế, chúng ta quy chụp cho tất cả cán bộ Hà Nội đang ứng xử văn minh. Mà phải thừa nhận, nhiều công chức của Thủ đô đã thực hiện tinh thần luôn gương mẫu, đi đầu xứng với truyền thống văn hiến ngàn đời của người Tràng An. Song, chỉ vài hạt sạn sẽ khiến cán bộ trở nên xấu xí trong mắt người dân. Chính vì vậy, Hà Nội cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh với những vi phạm để loại bỏ hoàn toàn, tiến tới không chấp nhận hành vi thiếu văn hóa, thiếu gương mẫu của cán bộ công chức Nhà nước." - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh (Lan Ngọc ghi) |