Tới thời điểm cần phải tìm việc làm, bạn sẽ nhận ra rằng có vô số thứ để lựa chọn. Sẽ rất khó nếu bạn không biết mình muốn gì hoặc có quá nhiều thứ hấp dẫn. Việc này có vẻ là một trở ngại khó khăn nhưng nếu bạn nỗ lực trong việc quyết định, những gì bạn nhận được sẽ vô cùng xứng đáng. Nếu làm theo những bước sau đây, bạn có thể định hướng nghề nghiệp tương lai và tránh được sai lầm lớn.
Tìm hiểu bản thân
Trước khi chọn được một công việc vừa ý, bạn phải hiểu rõ về bản thân mình. Giá trị bản thân, sở thích, kỹ năng mềm, năng lực, kết hợp với kiểu người, sẽ giúp bạn tìm ra một số nghề nghiệp phù hợp với bản thân và loại trừ những cái còn lại.
Bạn có thể dùng một số công cụ tự đánh giá, hay còn gọi là bài kiểm tra định hướng nghề nghiệp, để thu thập thông tin về tính cách của bạn, sau đó viết ra một danh sách những ngành nghề phù hợp dựa trên tiêu chí đó. Một số người có thể tham khảo ý kiến của các nhà tư vấn hoặc một số chuyên gia phát triển nghề nghiệp để giúp họ định hướng tốt hơn.
Lập danh sách những nghề nghiệp cần tìm hiểu
Khi sử dụng công cụ đánh giá, bạn có thể tìm ra rất nhiều nghề nghiệp. Để không bị phân vân, bạn nên kết hợp chúng thành một danh sách chính.
Đầu tiên, tìm những nghề nghiệp xuất hiện trong nhiều danh sách và sao chép chúng lên một trang giấy trắng. Đặt tiêu đề: “Những việc làm cần khám phá”. Việc này vô cùng cần thiết vì bạn đã tìm hiểu trước và nhận thấy những công việc này phù hợp với bản thân.
Tiếp theo, tìm xem có ngành nghề nào hấp dẫn không. Có thể bạn biết một chút hoặc không biết nhiều về công việc đó. Hãy khám phá và bạn sẽ học thêm nhiều điều mới lạ. Sau đó, viết thêm các chi tiết vào danh sách chính
Khám phá những ngành nghề có trong danh sách
Bây giờ là lúc tìm hiểu những thông tin cơ bản về mỗi nghề nghiệp có trong danh sách. Bước này sẽ giúp bạn thu gọn từ 20 xuống còn 10 lựa chọn. Như vậy sẽ dễ dàng hơn vì bạn không cần thu thập thông tin về tất cả những thứ có trong danh sách ban đầu.
Đọc các nguồn tài liệu đã được xuất bản để tìm hiểu thông tin khái quát của một ngành nghề cũng như những yêu cầu về giáo dục, đào tạo và các bằng cấp liên quan.
Tạo một “danh sách thu gọn”
Vào thời điểm này, bạn phải bắt đầu thu gọn danh sách ngắn hơn nữa. Dựa vào những gì thu được từ các bước trên, bạn có thể loại bỏ những nghề nghiệp mà bạn không muốn theo đuổi nữa. Trong danh sách thu gọn của bạn chỉ nên có từ 2 tới 5 công việc là tối đa.
Khi đọc mô tả về một công việc nào đó, có thể nó không đủ sức hấp dẫn bạn. Tuy nhiên bạn sẽ nhận ra rằng nhiều khi một công việc bề ngoài thì hấp dẫn nhưng triển vọng tương lai lại thấp. Có thể bạn không đủ khả năng hoặc không sẵn sàng hoàn thành những yêu cầu giáo dục hoặc các yêu cầu khác, hoặc bạn thiếu những kỹ năng mềm cần thiết để thành công trong công việc sau này. Nếu những lý do này bạn cho rằng mình không thể vượt qua thì hãy xóa nghề nghiệp này khỏi danh sách.
Tiến hành nghiên cứu để thu thập thông tin
Với những ngành nghề còn lại trong danh sách, bạn có thể bắt đầu thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Cách tối ưu là thực hiện những bài phỏng vấn thông tin với những người có vốn hiểu biết tường tận về nghề nghiệp trong danh sách. Bạn cũng nên tìm thêm thông tin trên các trang web để tìm những người đang làm việc trong lĩnh vực này.
Tự lựa chọn công việc cho chính bạn
Cuối cùng, sau khi thực hiện tất cả các nghiên cứu, bạn hãy sẵn sàng để quyết định. Chọn một nghề nghiệp mà bạn nghĩ sẽ làm cho bạn thỏa mãn nhất dựa trên những thông tin thu thập được. Quan trọng là, bạn có quyền đổi ý ở bất kì thời điểm nào. Nhiều người cũng từng thay đổi sự nghiệp của họ ít nhất vài lần trong đời.
Xác định mục tiêu
Đã xong giai đoạn tìm kiếm công việc phù hợp, nhưng bạn có xác định được mục tiêu trước mắt và lâu dài chưa? Nếu chưa, sẽ rất khó cho bạn làm việc sau này trong lĩnh vực đã chọn. Những mục tiêu dài hạn thường mất khoảng chừng từ 3 tới 5 năm để đạt được, trong khi bạn thường hoàn thành mục tiêu ngắn hạn trong 6 tháng tới 3 năm.
Hãy tham khảo những nghiên cứu bạn đã thực hiện. Nếu chưa đủ chi tiết, bạn sẽ phải nghiên cứu nhiều hơn. Một khi thu thập đủ thông tin cần thiết, bạn có thể bắt đầu xác định mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu dài hạn là hoàn thành chương trình giáo dục và đào tạo. Mục tiêu ngắn hạn có thể là thi vào trường đại học, học nghề hay các chương trình đào tạo khác, hoặc tham gia khóa thực tập.
Viết một kế hoạch hành động vì công việc đã chọn
Kế hoạch này là một văn bản đưa ra các bước giúp bạn hoàn thành những mục tiêu chính trong ngành nghề đã chọn. Bạn có thể xem đây như là một lộ trình đưa bạn đi từ điểm A đến B, rồi từ C đến D. Văn bản này sẽ bao gồm tất cả các mục tiêu ngắn và dài hạn và những bước để đạt được chúng. Bạn cũng nên lường trước những trở ngại để đạt được mục tiêu và cách vượt qua chúng.