Kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2025)
Cách đây 71 năm, từ ngày 13/3 đến ngày 07/5/1954, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã anh dũng tiến hành trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ – một trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cách đây 71 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, đập tan ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau 8 năm thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, "kháng chiến, kiến quốc", quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công to lớn trên các chiến trường, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động. Với tham vọng xoay chuyển tình thế, tháng 7/1953 thực dân Pháp thực hiện Kế hoạch Nava, hòng tập trung binh lực, giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Đây là nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh của Pháp được Mỹ giúp sức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, quân và dân ta đã phát huy quyền chủ động, tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đẩy địch càng lún sâu vào thế bị động, phải tập trung quân lên Điện Biên Phủ để thực hiện cuộc giao chiến chiến lược ngoài kế hoạch.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho bằng được". Điện Biên Phủ đã trở thành "điểm quyết chiến chiến lược" giữa ta và địch, trong đó Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".
17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tiến công cụm cứ điểm Him Lam, nằm ở phía Bắc khu trung tâm Mường Thanh, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là cụm cứ điểm mạnh, được bố phòng kiên cố, đặc biệt là chúng được thông tin về thời điểm bị tiến công nên đã có sự chủ động đối phó, nhưng vẫn bị đánh bại.
Tiếp theo cụm cứ điểm Him Lam, đêm 15/3, quân ta tổ chức tiến công cụm cứ điểm đồi Độc Lập. Đây là cứ điểm do 4 đại đội đóng giữ, có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh, có công sự vững chắc, quân địch chống trả quyết liệt, nhưng với lực lượng áp đảo, với cách đánh phù hợp và quyết tâm cao, sau hơn 3 giờ tiến công, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bắt sống nhiều tù binh.
Đợt 2 từ ngày 30/3 đến 30/4, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian.
17 giờ chiều ngày 1/5, đợt tiến công thứ 3 của quân ta bắt đầu. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ "quyết chiến, quyết thắng" của ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới".
Hơn 70 năm qua, những di tích lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa vẫn được gìn giữ, trở thành trang sử hào hùng, bản hùng ca bất diệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Ngày nay, Điện Biên không chỉ là một địa danh gắn liền với lịch sử mà còn là điểm đến thiêng liêng với du khách trong và ngoài nước.
Chào mừng kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ thượng cờ tại sân Cột cờ A Pa Chải (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) và khánh thành công trình Cột cờ A Pa Chải tại khu vực sân nhà chờ lên mốc giao điểm đường biên giới 3 nước: Việt Nam - Lào - Trung Quốc (hay thường gọi là mốc số 0 ở cực Tây)./.