Sự kiện & Bình luận

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê

Kim Thoa 27/10/2023 14:13

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923-29/10/2023) là một sự kiện chính trị lớn, nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Đoàn Khuê đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

33333-9950.jpg
Đại tướng Đoàn Khuê với người dân Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.

Đồng chí Đoàn Khuê (bí danh là Võ Tiến Trình) sinh ngày 29/10/1923 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đại tướng Đoàn Khuê nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có nhiều đóng góp cho Đảng, dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực, tiêu biểu về một lòng trung thành với Đảng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1939, khi mới 16 tuổi đồng chí đã thoát ly gia đình, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế và trở thành Bí thư thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, suốt 5 năm (1940 - 1945) bị giam cầm, đày ải từ nhà lao Quảng Trị đến nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất trước những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù, đồng chí được cử làm thành viên của tổ chức trung kiên có tên là “Ủy ban vận động cách mạng”.

Tháng 5/1945, rời khỏi ngục tù đế quốc, đồng chí Đoàn Khuê được tổ chức phân công về xây dựng cơ sở cách mạng ở Quảng Bình. Tháng 6/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình.

Tháng 8/1946, đồng chí Đoàn Khuê được điều động vào chiến trường Khu 5, phân công làm Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trường Lục quân Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn Hồ Tích, Quảng Ngãi. Từ tháng 4/1947, đồng chí lần lượt đảm nhận vị trí Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy các Trung đoàn 69, 73, 78, 126 và 84 Liên khu 5. Đầu năm 1952, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 108 Liên khu 5; Phó Chính ủy Sư đoàn 305 - sư đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Trung Bộ đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Từ tháng 11/1954 đến năm 1957, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Đoàn Khuê tạm rời xa chiến trường Khu 5 và nhận nhiệm vụ Phó Chính ủy Sư đoàn 675; Chính ủy Sư đoàn 351, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 351. Tháng 3/1958, đồng chí được điều động về giữ cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 270 khu vực giới tuyến quân sự, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 4. Từ tháng 10/1960, đồng chí là Phó Chính ủy Quân khu 4, Ủy viên Đảng ủy Quân khu 4.

Năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Khu 5 trở thành địa bàn chiến lược bị địch đánh phá nặng nề, đồng chí Đoàn Khuê được cử trở lại chiến trường Khu 5 với cương vị ủy viên. Thường vụ Khu ủy, Phó Chính ủy Quân khu, Phó Bí thư Đảng ủy Quân

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5.

Từ tháng 4/1983 đến tháng 11/1986, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh V, Phó trưởng Đoàn chuyên gia giúp nước bạn Cam-pu-chia. Từ tháng 12/1986 đến tháng 1/1998, đồng chí được Đảng và Nhà nước phân công giữ các trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp nước bạn Cam-puchia, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên Thường vụ Đảng ủy rồi Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đại tướng Đoàn Khuê là ủy viên Trung ương Đảng khoá IV đến khóa VIII; là ủy viên Bộ Chính trị các khoá VI, VII, VIII; là đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII, IX và X. Đồng chí được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974 và Đại tướng năm 1990.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí Đoàn Khuê có những đóng góp rất xứng đáng. Đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất chủ trương đúng đắn và tổ chức thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, chăm lo xây dựng Quân đội về mọi mặt theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, có nhiều đóng góp trong chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng. Đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê còn để lại ấn tượng đẹp cho cán bộ chiến sĩ với phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát cơ sở, luôn chăm lo cho sự tiến bộ của cấp dưới, xứng đáng là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta. Đồng chí là tấm tiếu biểu để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang noi theo.

Đánh giá công lao của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”. Đồng chí là tấm gương sáng cổ vũ chúng ta trên bước đường xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê từ trần ngày 16/01/1999, hưởng thọ 76 tuổi. Do có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO