Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ.
Ngày 25/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số". Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.
Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.
Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực.
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập vào năm 2045, ông Hoàng Quang Phòng phân tích.
Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet và mạng xã hội rất cao…
Thông qua diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số" tổng hợp những trao đổi thẳng thắn, nhìn thẳng vào thực tế để nhận diện những khó khăn vướng mắc cũng như cơ hội đầu tư từ dòng vốn và công nghệ mới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; lắng nghe ý kiến, đối thoại từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, ông Phòng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS Nguyễn Trọng Đường - Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong và ngoài nước trong quá trình chuyển đổi số.
Trong bối cảnh, kinh tế số góp phần tạo ra không gian tăng trưởng mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời là động lực cốt lõi cho tăng trưởng quốc gia, tham gia giải các bài toán kinh tế xã hội…
Để tiến hành chuyển đổi số hiệu quả, TS Nguyễn Trọng Đường chia sẻ: Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cần tư duy lại mô hình kinh doanh. Đó là mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng; cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tăng cường nhờ dữ liệu; xây dựng nền tảng và hệ sinh thái; thúc đẩy kinh tế chia sẻ, cho thuê và đi thuê; đặc biệt tự động hoá và dữ liệu sẽ dẫn dắt phát triển. Tư duy mới này khác hẳn với mô hình kinh doanh truyền thống được dẫn dắt bởi yếu tố chính là lao động; tập trung vào sản phẩm, phát triển và bán sản phẩm; thúc đẩy sở hữu, mua đứt, bán đoạn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chuyển đổi số phải đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và tinh gọn hơn và giảm chi phí để tăng lợi nhuận thông qua cách thức gồm thuê dịch vụ nền tảng số, sử dụng công nghệ đám mây và tự động hoá, TS Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các hạn chế bằng việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc như thuê dịch vụ và quy trình chuẩn. Với các doanh nghiệp lớn cần chiến lược chuyển đổi số gồm 6 trụ cột chính bao gồm: trải nghiệm số cho khách hàng; Chiến lược số; Hạ tầng và công nghệ số; Vận hành số; Văn hóa số; Dữ liệu và tài sản thông tin.
Chuyển đổi số thông minh để tối ưu hoá nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. "Nếu tất cả đồng lòng tiến về phía trước, chuyển đổi số chắc chắn thành công", TS Nguyễn Trọng Đường nói./.