Ngoài ra, Hồ Gươm còn là nơi chứa đựng sinh học đa dạng, các kiến trúc Đông - Tây như phố cổ phố Pháp, đình đền chùa miếu mạo, nhà thờ. Và nơi đây gắn bó và ghi dấu với cuộc sống và tâm tư của nhiều người dân. Vì vậy, việc xây dựng Bảo tàng Hồ Gươm để bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi của nó là một việc xứng đáng, cần làm.
Theo anh, Bảo tàng Hồ Gươm có nhất thiết phải đặt cạnh Hồ Gươm?
- Với không gian chật hẹp, gần như dự án nào đặt cạnh Hồ Gươm cũng khiến nơi đây “không còn chỗ để thở”. Nhưng Bảo tàng Hồ Gươm phải nằm trong không gian văn hóa này thì mới có giá trị. Nguyên tắc bảo tàng của tôi là diện tích nhỏ. Bên cạnh khu tượng đài vua Lê là một trụ sở ngân hàng - một dãy nhà hai tầng với lối kiến trúc Pháp cổ mang giá trị về mặt kiến trúc, là yếu tố có thể tận dụng và khai thác được.
- Bảo tàng Hồ Gươm không cần quá cầu kỳ, hoa mỹ. Đó chỉ cần là một bảo tàng nhỏ, lưu giữ lại những hiện vật, những mẩu chuyện, những câu hát, những tư liệu đặc biệt về địa danh này. Bảo tàng Hồ Gươm sẽ chủ yếu dùng công nghệ để trưng bày. Ví như hình ảnh 3D dựng lại sự tích rùa vàng nhận gươm…
Nhưng câu chuyện hoạt động kém hiệu quả của hệ thống bảo tàng Việt Nam đang là nỗi lo lắng của rất nhiều người. Vậy, có nên mở thêm một bảo tàng mới?
- Hiệu quả hay không là do năng lực con người. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi mới thành lập nằm ở vị trí xa trung tâm, khi ấy chưa có tên đường Nguyễn Văn Huyên, các không gian xung quanh còn hoang vắng, nhưng khi PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm Giám đốc, Bảo tàng Dân tộc học đông khách. Bảo tàng Hồ Gươm lại có nhiều lợi thế, có nhiều thứ hay. Riêng các bài hát về nó đã tuyệt vời rồi. Bảo tàng Hồ Gươm là nơi người ta có thể thưởng thức bằng nhiều giác quan nhờ công nghệ mới, không còn chỉ bày hiện vật chết. Tôi sẽ trình bày ý tưởng này với lãnh đạo TP Hà Nội, và thật hạnh phúc nếu ý tưởng đó được thực hiện để lưu giữ những giá trị quý báu cho Hồ Gươm.
Xin cảm ơn ông!