Qua điều tra cơ bản, tính đến 15/5/2017, địa bàn thành phố có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có: 8 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 86 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 994 nhà, công trình cao tầng và 33 trung tâm thương mại; 1 cảng hàng không; 4 cơ sở vật liệu nổ công nghiệp; hàng chục km đường ống dẫn xăng dầu đi qua; có trên 23.000 ha rừng....
Đặc biệt, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn,... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Đáng chú ý đã xảy ra một số vụ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như: vụ cháy Quán Karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy vào ngày 1/11/2016 làm 13 người chết; vụ cháy tại cơ sở sản xuất Sôcôla kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29/7/2017 làm 8 người chết...; vụ CNCH sập nhà tại 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình xảy ra ngày 4/8/2016 làm chết 2 người.
Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm khoảng 75%). Chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm từ 75% đến 80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm từ 01 đến 02% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 đến 85% do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn.
Riêng 9 tháng đầu năm 2017, xảy ra 626 vụ, trong đó có: 07 vụ cháy gây thiệt hại về người, 09 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 20 cháy rừng. Thiệt hại về người: 18 người chết, 09 người bị thương; thiệt hại về tài sản: ước tính trên 400 tỷ đồng và 55 ha rừng (so với cùng kỳ năm 2016: tăng 04 vụ cháy; tăng 14 người chết, giảm 6 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỷ đồng); Lực lượng Cảnh sát PC&CC đã trực tiếp tham gia CNCH 43 vụ, cứu được 35 người, tìm được 8 thi thể.
Khu vực ngoại thành do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp nông thôn sang tiểu thủ công nghiệp nên sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, nhu cầu kho bãi, xưởng sản xuất, sử dụng năng lượng, nguồn nhiệt tăng, nguy cơ xảy cháy tăng, nhất là khu, cụm công nghiệp, làng nghề, kho, xưởng sản xuất.
Tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại các chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống trong ngõ sâu, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, quán bar, vũ trường…), nơi dựng biển, bảng quảng cáo, làm lưới sắt, “chuồng cọp” bịt kín lối thoát nạn gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH.
Cháy kho, xưởng sản xuất tại khu vực nội thành nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản do phần lớn các cơ sở này đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Bên cạnh đó các loại hình kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, cơ sở thờ tự cũng tiềm ẩn phức tạp, nếu không được quan tâm làm tốt công tác phòng cháy khả năng cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng là rất cao.
Để kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố theo nội dung các chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Báo cáo Thường trực Thành ủy tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 19/11/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới (dự kiến Quý IV/2017).
Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ; Tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về PCCC. Tăng cường phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn đối với cơ quan, trường học, tổ chức, hộ gia đình và người dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về an toàn PCCC, đặc biệt tập trung vào các cơ sở: chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí tập trung đông người, chung cư, nhà cao tầng, khu dân cư có nguy cơ cháy cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, các cơ sở kinh doanh hóa chất, cơ sở xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).... Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PC&CC Thành phố nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và CNCH nhằm hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tổ chức xây dựng phương án, diễn tập xử lý những tình huống chữa cháy và CNCH phức tạp, nhất là những cơ sở trọng điểm, công trình đặc thù.
Nghiên cứu triển khai thực hiện việc sáp nhập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố để thành lập 1 Ban Chỉ huy mới, trong đó tên gọi và nội dung nhiệm vụ ngoài công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cần thể hiện rõ cả công tác PCCC đảm bảo phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn hiện nay.
UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đảm bảo đúng quy chuẩn an toàn về PCCC&CNCH, trong đó ưu tiên trang bị, ứng dụng công nghệ cảnh báo khói, báo cháy, thoát nạn, thoát hiểm... tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Lực lượng Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Cảnh sát PC&CC Thành phố phối hợp, triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn PCCC bảo vệ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, các hoạt động ngoại giao,... trên địa bàn Thành phố.