Kiến nghị xử lý sai phạm tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam

Vietnamplus| 18/01/2018 12:36

Ngày 17-1, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo số 84/TB-TTCP về Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30-6-2015.

Kiến nghị xử lý sai phạm tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam
Trên khai trường mỏ than Núi Béo (Quảng Ninh). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Thông báo này của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra trên. 

Một số khoản đầu tư mất vốn, không hiệu quả 

Theo kết luận thanh tra, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền...

Hậu quả là một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn. 

Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc TKV chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đầu tư, quyết định chủ trương góp vốn cổ phần, sử dụng nguồn vốn không đúng quy định để đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, dẫn đến không có hiệu quả, nguy cơ mất vốn. 

Cơ quan thanh tra cho rằng Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc TKV ban hành các cơ chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế và quy định. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, TKV và các đơn vị thành viên chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý, tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận, thất thu ngân sách nhà nước. 

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện TKV vi phạm trong đầu tư xây dựng, đất đai, tài nguyên và mua sắm tài sản. Ngoài ra, kết quả thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm tại 4 tổng công ty và các đơn vị thành viên thuộc TKV, trong đó nổi lên vẫn là các sai phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản; đầu tư xây dựng, đất đai tài nguyên và cổ phần hóa, thoái vốn. 

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra 

Với kết quả thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị các cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan; trong đó, kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra Chính phủ xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại TKV và một số doanh nghiệp trực thuộc gồm Công ty Cổ phần Ximăng Hữu Nghị - Phú Thọ, Công ty Cổ phần Ximăng Hà Giang và Công ty cổ phần Bình Nguyên - Đắk Nông đã vi phạm điều khoản hợp đồng kinh tế điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến mất vốn. 

Về xử lý kinh tế, theo kết luận thanh tra, tổng số tiền và đất đai qua thanh tra phát hiện cần xử lý là hơn 14.882 tỷ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà đất; trong đó thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ và toàn bộ diện tích nhà đất nói trên. 

Giao các bộ, ngành xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ 

Thông báo này của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 08/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý cơ bản với nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra để tổng hợp báo cáo Thủ tướng. 

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, tồn tại và sai phạm trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản. 

Về các trường hợp Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý. 

Đối với việc xử lý khoản tiền chênh lệch về thuế tài nguyên và khoản tiền khuyến khích sản lượng, chất lượng đối với các đơn vị khai thác than, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xác định rõ đối tượng nộp thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên, xác định nghĩa vụ thuế tài nguyên phải nộp ngân sách nhà nước. 

Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ, xác định rõ bản chất về các hợp đồng khai thác giữa TKV với các công ty con và việc khai thác, tiêu thụ tài nguyên để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thống nhất kiến nghị biện pháp xử lý đối với các khoản tiền chênh lệch thuế tài nguyên theo quy định. 

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ thống nhất về phương pháp tính toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất đá; đồng thời khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về các hệ số để áp dụng trong nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất, đá tại các mỏ khai thác lộ thiên để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống
  • Phường Sơn Tây (mới) ngày đầu thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp: Vì Nhân dân phục vụ
    Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, phường Sơn Tây (thị xã Sơn Tây cũ - thành phố Hà Nội) thực hiện hoạt động chính quyền 2 cấp. Từ đầu giờ sáng nay, 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức Phục vụ hành chính công phường Sơn Tây đã có mặt đầy đủ, đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Cửa Nam: Không để đứt gãy công việc khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
    Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 1/7, HĐND phường Cửa Nam (Thành phố Hà Nội) khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định công tác nhân sự và thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đây là kỳ họp đặc biệt của phường Cửa Nam để hoàn thiện tổ chức bộ máy, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu lực, hiệu quả góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
  • [Podcast] Phổ biến Nghị quyết thi hành Luật Thủ đô: Nghị quyết số 25/2024/NQ-HĐND
    Thực hiện khoản 1 Điều 15, điểm a khoản 3 Điều 52 Luật Thủ đô năm 2024, tại kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2024/NQ-HĐND quy định biện pháp thực hiện việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm dự ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW
    Sáng nay 2/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị xử lý sai phạm tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO