Hiệp hội taxi ba miền cho rằng, đây là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nếu những nội dung trong Bản dự thảo lần thứ 11 (trình hôm 13/8) được giữ nguyên, sẽ đặt dấu chấm hết cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Điển hình như nội dung: Không yêu cầu Taxi công nghệ phải gắn hộp đèn nóc, đồng thời cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe Hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ mà không phải thông qua các Hợp tác xã.
Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội.
'DÙNG NGUỒN TÀI CHÍNH NƯỚC NGOÀI ĐỂ TRIỆT TIÊU HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚNG TÔI'
PV: Thưa ông, vì sao Hiệp hội Taxi 3 miền lại gửi đơn cầu cứu khẩn cấp tới Tổng Bí thư – Chủ tịch nước?
Ông Nguyễn Công Hùng: Có thể nói, loại hình hợp đồng điện tử hiện không có trong Luật giao thông Đường bộ, nó được Bộ GTVT cho thí điểm trong Quyết định 24. Hơn 3 năm thí điểm chưa có tổng kết, chưa đánh giá, cũng chưa có hành lang pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật để đưa nó về một loại hình. Nếu muốn bổ sung vào loại hình giao thông đường bộ thì phải sửa luật, mà Luật do Chủ tịch nước ký ban hành, và Chính phủ chỉ sửa Nghị định thôi.
Tôi phải nói rằng, chưa có Nghị định nào sửa 11 lần không xong. Tại các nước phát triển, khi người ta tiếp nhận một loại hình mới họ bổ sung ngay, coi Uber là đơn vị kinh doanh vận tải.
Còn chúng ta hơn 3 năm giao các Bộ ngành sửa đổi Nghị định 86, từ dự thảo 6 đến 10 đã thống nhất là, trong thời gian chờ sửa luật giao thông đường bộ, phải có một hộp đèn trên xe để định danh nó. Nhưng bây giờ lại bỏ.
PV: Nhưng sau khi Dự thảo lần thứ 10 thay thế Nghị định 86 được trình, Thủ tướng đã có chỉ đạo bỏ việc lắp hộp đèn và quản lý taxi công nghệ bằng công nghệ?
Ông Nguyễn Công Hùng: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương của Thủ tướng là dùng công nghệ để quản lý công nghệ. Nhưng phải nhìn nhận chúng ta đang có gì.
Thứ nhất, Bộ GTVT chưa có trung tâm lưu trữ dữ liệu để xử lý, kho dữ liệu GPS rất khổng lồ, chúng ta đã sử dụng chúng để phân tích chưa.
Thứ hai, Hà Nội hiện có bao nhiêu camera để giám sát phương tiện vi phạm.
Thứ ba, Sở GTVT Hà Nội cấp cho loại hình hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ là 31.263 xe, còn taxi truyền thống đến nay chỉ còn 15.500 xe. Quyết định 24 cho thí điểm xe hợp đồng điện tử 9 chỗ thì nguyên tắc là tập trung, khoanh vùng sau đó đánh giá, tổng kết rồi nhân rộng. Song song với thí điểm này, lại ra quyết định không cho tăng đầu xe taxi ở Hà Nội, các thành phố trực thuộc Trung ương.
Có vấn đề gì ở đây. Nếu không cấm chúng tôi, chúng tôi sẽ không thua. Do lượng xe hợp đồng điện tử áp đảo, dùng nguồn tài chính nước ngoài để triệt tiêu hoạt động của chúng tôi.
'CÙNG MỘT NGÀNH NGHỀ PHẢI CHẤP NHẬN ĐIỀU KIỆN NHƯ NHAU'
PV: Vậy Hiệp hội Taxi 3 miền có đề xuất nào trong đơn cầu cứu, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hùng: Chúng tôi rất tha thiết đề nghị Chính phủ, những người có thẩm quyền hãy nhìn lại toàn cục để nhận diện vấn đề. Chúng tôi đánh giá, dự thảo lần thứ 10 là kết tinh, mang đầy đủ hàm tố về luật pháp, quy định để quản lý xe hợp đồng điện tử.
Vì nó hoạt động tương đồng như taxi, cả xã hội đều biết rõ. Các nước phát triển người ta đang làm như vậy, đều định danh bằng hộp đèn, màu biển số để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi đóng góp ngân sách của các doanh nghiệp.
Chúng tôi tha thiết phải bình đẳng, phải có bộ nhận diện. Anh kinh doanh cùng một ngành nghề phải chấp nhận điều kiện như nhau, không thể một ông 6 tháng đăng kiểm xe cơ giới, khám sức khỏe lái xe một lần, còn một ông thì hàng năm mới đăng kiểm, và không phải khám sức khỏe lái xe.
Quan điểm chúng tôi là phải bình đẳng, minh bạch, phải có bộ nhận diện. Dự thảo lần 10 là hoàn thiện, đề xuất Chính phủ hãy công bằng.
PV: Cảm ơn ông
----