Ngay sau khi xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Khoa Nội Thận, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm năm 2018, xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện, thực hiện các quy trình phối hợp các chuyên khoa/phòng khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm cúm.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
Đồng thời, bệnh viện này tổ chức thực hiện cách ly, khoanh vùng quản lý những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm; tăng cường công tác truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, cách phòng ngừa nhiễm bệnh cho thân nhân bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thiết lập đường dây nóng phục vụ công tác chuyên môn và tư vấn về các vấn đề liên quan đến cúm và phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ thành phố, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch, chích ngừa cúm cho nhân viên y tế...
Mặc dù có lưu lượng người ra vào bệnh viện lớn (từ 15.000-20.000 người/ngày, gồm bệnh nhân, thân nhân, học viên, đối tác…) nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy đã kiểm soát, khống chế được chùm bệnh phát sinh tại Khoa Nội Thận chỉ trong thời gian 9 ngày.
Tính đến ngày 28-6, bệnh viện chỉ còn điều trị cho 1 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 đang thở máy và 3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm đang được theo dõi, không phát sinh thêm ca bệnh mới nào.
Trước đó, ngày 11-6, tại Khoa Nội Thận - Bệnh viện Chợ Rẫy, 4 bệnh nhân đang điều trị có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm cúm.
Ngay lập tức, những trường hợp này được cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới, điều trị với thuốc kháng virus và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR (xét nghiệm xác định chủng loại cúm). Kết quả, 4 bệnh nhân này đều dương tính với cúm A/H1N1.
Những ngày sau đó, số bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm cúm tại Khoa Nội Thận tăng lên 17 người, đồng thời Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận thêm 13 trường hợp có biểu hiện nhiễm cúm mới đến điều trị.
Như vậy, tổng số bệnh nhân nhiễm cúm mà Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, điều trị là 30 trường hợp, trong đó các bác sỹ đã xác định 15 người dương tính với virus cúm A/H1N1. Đặc biệt đã có 2 trường hợp tử vong sau khi nhiễm cúm A/H1N1.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ, các bệnh nhân tử vong đều có đặc điểm chung là lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính (suy thận mãn, đái tháo đường…) hay cơ địa béo phì và không được chích ngừa cúm trước đó.