Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố, theo đề xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) - nhà đầu tư. Theo đó, ITD đề xuất quy mô đầu tư xây dựng hệ thống thu phí gồm: Vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm gồm: Quận 1, quận 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Thời gian thu phí dự kiến trong 2 khung giờ cao điểm gồm: Sáng 6-9h, chiều 15-19h, với mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho xe con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách.
Vành đai thu phí gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo bờ kênh Thị Nghè, Nhiêu Lộc; đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám; Ba Tháng Hai; Lê Hồng Phong; Lý Thái Tổ; Nguyễn Văn Cừ; Võ Văn Kiệt; Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, một số cổng thu phí bố trí tại các đoạn đường có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng là đường Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình). Giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng VETC và VDTC để thực hiện thu phí các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí.
Về hình thức đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP): Hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong thời hạn 10 năm và không tái đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.275 tỷ đồng; trong đó, chi phí đầu tư ban đầu hơn 478 tỷ đồng, còn lại là chi phí vận hành trong 10 năm. Nguồn vốn đầu tư do nhà đầu tư tự thu xếp.
Theo Tổng giám đốc ITD Lâm Thiếu Quân, dự án thực hiện sẽ giúp điều tiết giao thông vào các khu vực đang ùn tắc, giảm ùn tắc trên các trục giao thông chính dẫn đến trung tâm thành phố; bổ sung nguồn vốn ngân sách bảo trì đường bộ của thành phố; thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ô nhiễm môi trường từ giao thông đô thị.
Liên quan đến đề xuất này, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách và du lịch liên tỉnh thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, việc lập vành đai để thu phí ô tô vào trung tâm sẽ hạn chế lượng phương tiện cá nhân, cải thiện chất lượng giao thông... Tuy nhiên, cần có phản biện, góp ý cụ thể của nhiều tổ chức, chuyên gia, người dân, nhất là việc thiết lập hệ thống giao thông công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân… để hoàn thiện dự án. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông phải gồm 3 giải pháp về kinh tế, hành chính và thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng thu hút người dân đi lại.
Từ phía người dân, anh Hồ Sỹ Nhật (ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Hiện nay, với sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân, khiến giao thông khu vực trung tâm thành phố luôn trong tình trạng quá tải nên hạn chế xe cá nhân là cần thiết. Để thực hiện thu phí ô tô vào nội đô, trước tiên thành phố có biện pháp tăng cường phương tiện công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân".
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố là một trong những giải pháp thực hiện “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân” được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tháng 10-2020. Theo đó, thành phố sẽ thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm giai đoạn 2021-2025. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm khẳng định: “Đề án trên được đánh giá là quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân thành phố. Trên cơ sở đó, Sở kiến nghị UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu để UBND thành phố xem xét, quyết định, đồng thời, hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định hiện hành”.