Khó chấp nhận thông điệp "ly hôn nếu không sinh được con trai" trên sóng VTV

KTĐT| 03/12/2021 14:30

Dư luận xã hội, đặc biệt các bạn trẻ, đang bức xúc lên tiếng trước quan điểm của Công Hoàng (30 tuổi, người tham gia một chương trình game show hẹn hò phát trên sóng VTV) khi chàng trai người Huế này nói sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai. Các chuyên gia cho rằng thông điệp ấy xuất hiện trên sóng truyền hình là điều khó chấp nhận.

Văn hoá Huế bị xúc phạm
Trong chương trình game show có tên “Hành lý tình yêu”, tập 4 phát sóng trên VTV3 lúc 20 giờ 30 ngày 29/11, có chàng trai tự giới thiệu tên là Công Hoàng (30 tuổi, đang làm kế toán tại TP Hồ Chí Minh) quê ở Thừa Thiên Huế. Trong chương trình, nhân vật đã đưa ra những quan điểm trong việc chọn vợ tương lai.
Đáng chú ý, Công Hoàng không chỉ đưa ra thông điệp phải sinh con trai để nối dõi, mà còn cho biết ở gia đình anh, đàn ông ăn mâm trên còn phụ nữ ăn mâm dưới. Thức ăn của mâm trên và mâm dưới khác nhau. "Khi cúng xong thì những món ngon vật lạ mình đưa lên mâm trên. Còn mâm dưới gọi là phụ thôi, khi nào mâm trên ăn xong, còn thì đem xuống đưa cho mâm dưới" - Công Hoàng nói trong chương trình.
Quan điểm trên vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận xứ Huế, đặc biệt những người trẻ. Anh Nguyễn Đức Nam (TP Huế) chia sẻ: “Đây là một suy nghĩ cổ hủ của chàng trai ngây ngô, không đại diện cho văn hóa Huế. Nhưng sau tất cả là cách ứng xử của những người làm chương trình văn hóa lại thiếu hụt trầm trọng”.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng có thể nhiều người hiện vẫn có tư tưởng mong sinh được con trai để nối dõi nhưng không đến mức nghiêm trọng như vậy.
“Nhiều gia đình Huế còn nói đùa rằng, có con trai chết thì sướng, có con gái sướng đến chết. Ngụ ý nói con trai sẽ thờ tự sau khi cha mẹ khuất núi, còn con gái sẽ chăm sóc cha mẹ nhiều hơn khi còn sống. Nói vui vậy để biết ở Huế hiện nay không còn chuyện trọng nam khinh nữ như thời phong kiến nữa” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.
Về chia sẻ, đàn ông ăn mâm trên, phụ nữ ăn mâm dưới, nhà nghiên văn hoá Nguyễn Xuân Hoa cho hay việc này chỉ xuất hiện trong những nhà quan lại, hoàng tộc xưa. Còn chuyện "mâm trên ăn thừa còn lại sẽ đưa xuống cho mâm dưới ăn", nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa Hoa khẳng định: "Văn hóa Huế, người Huế không có chuyện đó".
Cần loại bỏ chương trình
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả đã thẳng thắn bình luận rằng, việc Công Hoàng bị chỉ trích còn có trách nhiệm của những người sản xuất chương trình. Anh Hoàng Tâm (29 tuổi, TP Huế) chia sẻ: “Cần xem lại Ban Tổ chức và những người làm chương trình và cả khách mời tham gia. Chương trình giải trí, ngoài việc đem lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả cần phải có tính giáo dục và định hướng, đừng vì câu like, câu view mà xúc phạm người Huế nói chung và con trai Huế nói riêng”.
Trước vấn đề dư luận liên quan đến chương trình, ngày 1/12, trên trang Facebook cá nhân của mình, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định đã đăng ý kiến về chương trình. Ông Phan Thiên Định viết: “Chàng trai 30 tuổi, nói những câu ngây ngô về phong tục, truyền thống Huế... Phần lớn người Huế xem clip này sẽ cảm thấy văn hóa Huế đang bị xúc phạm vì sự non nớt về văn hóa và thủ thuật cường điệu đã bị lạm dụng quá đáng”.
Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định đưa ra nhận định: “Đây không phải là một chương trình truyền hình trực tiếp. Nếu giả sử có một chàng trai Huế tư duy ấu trĩ như trong chương trình thì ông đạo diễn và ekip kia, thay vì giãy đành đạch phản đối chàng trai, cần phải giãy để chương trình này đừng lên sóng”.
“Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra với thông điệp được nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Để dọn đường cho quốc dân gìn giữ và xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, văn minh cần phải loại bỏ khỏi xã hội những chương trình nhân danh văn hóa để làm những điều vô văn hóa, cần lên án những kẻ nhân danh là người làm văn hóa để làm tiền văn hóa” – Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định viết.
Có thể khẳng định, chương trình giải trí nào cũng cần người xem, nhưng những người thực hiện cần nhớ rằng luôn có lằn ranh đỏ về đạo đức nghề nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội ở đó. Các chương trình hẹn hò cũng không phải ngoại lệ. Xuất phát từ những mục tiêu rất nhân văn để kết đôi cho các bạn trẻ, nhấn mạnh lại ý nghĩa về tình yêu, hôn nhân, hiện tại, càng ngày càng xuất hiện những chiêu trò phản cảm.
Đơn cử, tập 351 của chương trình truyền hình “Vợ chồng son” phát sóng năm 2019 từng đưa cặp đôi chênh nhau đến 20 tuổi là anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và chị Võ Thị Nhất (29 tuổi) vào tâm bão chỉ trích của dư luận khi họ chia sẻ về chuyện tình “bố nuôi – con gái”. Trước đó, Mon 2K từng bị “ném đá” dữ dội khi hôn một chàng trai ở gameshow hẹn hò, cô bị thóa mạ, xúc phạm rằng cố tình chơi chiêu để PR bản thân.
Trước việc dư luận "ném đá" người chơi vì phát ngôn gây sốc, các chuyên gia văn hoá nhấn mạnh cần thận trọng. Bởi, từ khâu tuyển chọn người chơi, biên tập, duyệt phát sóng đều là do đơn vị tổ chức sản xuất. Người chơi có thể có những quan điểm phản nhân văn nhưng để lọt hàng loạt khâu và thông điệp ấy xuất hiện trên sóng là điều khó chấp nhận và các cấp có thẩm quyền nên vào cuộc chấn chỉnh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Khó chấp nhận thông điệp "ly hôn nếu không sinh được con trai" trên sóng VTV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO