Khám phá những phòng trà nhạc Trịnh của người Hà Nội
Thủ đô Hà Nội luôn mang những nét đẹp riêng biệt với bản sắc văn hóa đa dạng vốn có. Nhưng nét đẹp làm lay động lòng người nhiều nhất có lẽ là những bản tình ca ngọt ngào, trầm lắng của nhạc Trịnh. Hãy cùng theo chân phóng viên Người Hà Nội đến những phòng trà nhạc Trịnh tại xứ “Kinh kỳ thời hiện đại” để vơi bớt nỗi lo toan bộn bề của nhịp sống.
Cafe Cuối Ngõ
Ngách 78 Ngõ 68 – Cầu Giấy – Quan Hoa – Cầu Giấy – Hà Nội.
Cafe Cuối Ngõ là một trong những quán cafe tiêu biểu mỗi khi mà người Hà Nội nhắc về phòng trà nhạc Trịnh. Mang một dáng vẻ trầm tĩnh, rêu phong, Cafe Cuối Ngõ mặc dù nằm sâu trong con ngõ nhỏ nhưng chẳng hề bị lãng quên.
Giữa bộn bề, tấp nập của cuộc sống, người Hà Nội tìm về với Cuối Ngõ để có thể “chữa lành” cho tâm hồn và đắm mình trong bản tình ca du dương của nhạc Trịnh.
Vào tối thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, Cafe Cuối Ngõ sẽ là điểm hẹn cho những ai yêu thích nhạc Trịnh. Khách lặng mình trong không gian hoài niệm, lắng nghe những giai điệu trầm bổng và nhâm nhi chút rượu nồng. Bên cạnh đó, quán cũng phục vụ các thức uống khác cho những ai không uống được rượu, đặc biệt phải kể đến món Cafe lạnh.
Cafe nhạc Trịnh
101 Trung Kính – Trung Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội.
Ẩn mình dưới những tán cây trên con phố nhỏ Trung Kính, Cafe nhạc Trịnh là một điểm đáng để lưu lại cho những ai yêu thích thưởng thức nhạc Trịnh. Điều đặc biệt của Cafe nhạc Trịnh là nội thất thiết kế cho quán hoàn toàn được làm từ tre tạo cho bạn cảm giác gần gũi, chân thật hơn khi thưởng thức những ca từ nhạc Trịnh.
Cafe nhạc Trịnh sẽ tổ chức những đêm nhạc sống vào thứ 5 hàng tuần. Bạn chỉ cần order một cốc cafe và thả mình trong giai điệu phiêu lãng ca Trịnh là có thể xoa dịu đi những âu lo thường ngày.
Cafe Du Ca
58 Ngõ 203 Hoàng Quốc Việt – Nghĩa Đô – Cầu Giấy – Hà Nội.
Một phòng trà nhạc Trịnh mang đậm dấu ấn hoài cổ, khắc họa rõ nét về ký ức một thời vang bóng của Hà Nội xưa, đó là Cafe Du. Tuy diện tích của quán không quá lớn nhưng lại mang một cảm giác ấm cúng cho mỗi vị khách đặt chân đến.
Những bản tình ca tuyệt vời của cố các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy… thường xuyên được vang lên từ quán cafe này. Âm nhạc ở đây giống như là một món ăn tinh thần không thể thiếu khi nói về Cafe Du Ca.
Nhà sàn Art Cafe
Ngõ 462 Đường Bưởi – Quận Ba Đình – Hà Nội.
Nhà sàn Art Cafe không chỉ được nhắc đến là một phòng trà nhạc Trịnh mà nó còn được biết đến là một không gian nghệ thuật lâu đời của Việt Nam. Nằm giữa lòng Thủ đô, trải qua biết bao thăng trầm và thay đổi vội vã của Hà Nội, Nhà sàn Art vẫn giữ được vẻ đẹp đậm chất nghệ thuật, mang hơi hướng Retro của những ngôi nhà sàn vùng Tây Bắc. Mỗi một góc đều được sắp xếp và trang trí vô cùng độc đáo như: tranh treo tường, điếu tấu…
Đến với Nhà Sàn Cafe đơn giản là thưởng thức một ly cafe đắng, thưởng lãm những vật dụng “cổ xưa”, mộng mơ, hồi tưởng về quá khứ, những năm tháng ấu thơ. Đặc biệt, đến với Nhà Sàn, bạn còn có cơ hội được miên man trong tiếng guitar mơ màng của những bản nhạc xưa và nhạc Trịnh diễn ra vào tối thứ 6 hàng tuần. Thưởng lãm nhạc Acoustic hiện đại vào tối thứ 7. Nhà sàn như là một điểm hội ngộ lý tưởng của những người yêu nét đẹp nghệ thuật trong không gian thanh tịnh, cổ xưa.
Phòng trà Trịnh Ca
Ngõ 233 Tô Hiệu – dịch Vọng – Cầu Giấy – Hà Nội.
Phòng trà Trịnh Ca nằm trên con phố Tô Hiệu, là nơi trú chân của vô vàn Trịnh Ca khi ghé tới. Đúng với tên gọi, không gian ở đây thấm đẫm chất nhạc Trịnh với mái ngói đỏ, tường gạch mộc. Đặc biệt, khung cửa gỗ, lọ hoa làm từ đất nung đặt trên những bộ bàn ghế đơn sơ. Kết hợp cùng với đèn lồng, đèn tre và những hình ảnh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua các thời kỳ. Tất cả đã tô điểm cho căn phòng trở nên đậm chất cổ xưa hơn. Nơi đây thực sự là điểm đến bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng.
Những chương trình ca nhạc tại phòng trà Trịnh Ca thường được tổ chức vào buổi tối, lúc tâm hồn và cảm xúc của con người lắng đọng. Sau ngày làm việc, khách ngồi nhâm nhi ly cà phê đắng và thưởng thức những bản nhạc Trịnh nhẹ nhàng, sâu lắng và buồn man mác. Menu đồ uống tại đây được đặt với nhiều cái tên vô cùng “gợi nhớ” khiến cho người ta không khỏi vấn vương, lưu luyến: Vô Thường, Tình Sâu, Mưa Hồng...