Thủ đô Hà Nội có rất nhiều thế mạnh, tiềm năng có thể khai thác phát triển du lịch. Trong lĩnh vực du lịch văn hóa, lễ hội cũng được coi là sản phẩm đặc sắc được đánh giá là một xu hướng tiềm năng trong phát triển du lịch thời hiện đại.
Lễ hội Cổ Loa nhìn từ trên cao
Trải hơn ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã tích lũy cho mình giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng, trở thành trung tâm giao lưu văn hóa của cả nước. Một trong những sinh hoạt mang đậm bản sắc dấu ấn văn hóa của kinh thành đó là các hội làng hay lễ hội.
Lễ hội cổ truyền Hà Nội rất phong phú và đa dạng, tùy theo nội dung, hình thức thờ phụng và sinh hoạt văn hóa mà có thể phân chia các hệ thống lễ hội khác nhau. Nét đặc trưng nổi bật của văn hóa lễ hội Thăng Long – Hà Nội đó là hệ thống di tích và lễ hội tôn thờ Tứ trấn thần (bốn vị thần trấn giữ bốn phương của Thăng Long: Thần Long Đỗ (đền Bạch Mã), thần Linh Lang (đền Voi Phục), thần Cao Sơn (đền Kim Liên), thần Huyền Thiên Trấn Vũ (đền Quán Thánh). Trong hàng trăm lễ hội của đất Hà thành thì các lễ hội tôn thờ và tưởng niệm các anh hùng chống giặc ngoại xâm chiếm số lượng khá lớn trong đó có những vị thần vốn là nhân vật lịch sử như: Quang Trung, Hai Bà Trưng, Trần Khát Chân, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo... và cũng có không ít các vị là các thần linh được lịch sử hóa như Thánh Gióng, Triệu Quang Phục... Ngoài ra, còn có hệ thống lễ hội thờ Thành hoàng, lễ hội làng nghề, phường nghề thủ công, lễ hội “tứ bất tử”...
Múa rồng trên phố đi bộ - Ảnh: Đức Nghiêm
Mỗi lễ hội thường có một đặc điểm riêng song hầu hết đều có các nghi lễ chủ đạo như cúng tế, lễ và rước. Nhiều lễ hội còn có diễn xướng sự tích (múa chạy cờ trong lễ hội làng Triều Khúc, múa hát Ải Lao trong hội Gióng, thi cày kén rể trong lễ hội Đường Yên, múa giảo long và đánh cá thờ trong hội làng Lệ Mật...); diễn xướng thi tài (bơi chải, vật, võ, kéo co...) và các hình thức diễn xướng mang tính vui chơi giải trí như (hát đối đáp nam nữ, các trò chơi dân gian: đánh cờ người, chơi quay, thả diều...).
Nghiên cứu về lễ hội cổ truyền Hà Nội, cố GS. Ngô Đức Thịnh nhận định, lễ hội Hà Nội thể hiện rõ nét tính chất lễ hội nông nghiệp, tính chất đô thị, tính đa dạng và cả chất dân gian. Dẫu ít nhiều bị mai một, biến đổi qua thời gian nhưng các lễ hội truyền thống vẫn là một thành tố có vai trò quan trọng trong kho di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô. Đó là minh chứng cho sự hiện diện của văn hóa dân gian trong dòng chảy lịch sử, là mạch nguồn bền bỉ góp phần dưỡng nuôi các loại hình nghệ thuật diễn xướng, trò chơi dân gian. Và trong xã hội đương đại thì lễ hội dân gian cũng là một trong những nguồn lực để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa.
Bên cạnh các lễ hội dân gian, kể từ sau lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều các lễ hội mới cũng đã được tổ chức làm phong phú thêm đời sống đô thị đồng thời thu hút lượng lớn du khách tới tham quan, thưởng lãm. Có những lễ hội có sự tham gia của các địa phương, tỉnh bạn với các chủ đề, dịp kỷ niệm khác nhau cũng đã đem đến những sắc thái văn hóa đa dạng, đặc sắc. Có những lễ hội được tổ chức thường niên như một điểm hẹn của công chúng. Đó là lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - một hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống rất ý nghĩa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Rồi lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa không chỉ mang đến bữa tiệc âm nhạc phong phú, đa màu sắc, khơi nguồn cảm hứng âm nhạc cho công chúng mà còn góp phần xây dựng nền công nghiệp âm nhạc có tính chuyên nghiệp và cởi mở hơn tại Việt Nam. Gần đây nhất, lễ hội đường phố, lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực, lễ hội văn hóa dân gian đương đại cũng đã được tổ chức trong không gian phố đi bộ hồ Gươm với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn đã trở thành những sự kiện văn hóa có tiếng vang, thu hút được đông đảo công chúng.
Không ít các lễ hội đương đại mang đậm những dấu ấn lễ hội dân gian khi được đan cài những màn biểu diễn múa cổ, những tiết mục diễn xướng dân gian. Điển hình như lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại có sự góp mặt của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, ca nương... đã thu hút được đông đảo công chúng thuộc mọi lứa tuổi. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được hòa mình trong các làn điệu ca trù, hát ví, hát dô (huyện Quốc Oai), hát chèo tàu (huyện Đan Phượng), hát trống quân (huyện Phúc Thọ), hát xẩm, múa rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), múa cồng chiêng của người Mường (huyện Thạch Thất)… mà còn có thêm những hiểu biết về lịch sử làng nghề, về sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ nhân và những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của họ. Qua đó nâng cao đời sống tinh thần, góp phần phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Điểm qua các lễ hội truyền thống cùng một số lễ hội mới của Thủ đô trong thời gian qua có thể thấy việc khai thác giá trị, tiềm năng của lễ hội trong phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên để lễ hội dân gian trở thành nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch thì việc gìn giữ, bảo tồn giá trị của lễ hội truyền thống sao cho không bị biến dạng, bị thương mại hóa là hết sức cần thiết. Điều này cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, cộng đồng chủ thể, đặc biệt là những người làm du lịch. Thêm nữa, để xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa thông qua hoạt động của lễ hội cũng cần có một chiến lược dài hơi trong việc quảng bá, cung cấp dịch vụ du lịch.
Với những lễ hội mới, đây cũng là nhu cầu tất yếu khi đất nước, Thủ đô trong quá trình hội nhập và phát triển. Nhưng thành công của lễ hội lại phụ thuộc vào tài năng của các đạo diễn. Nói như GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì: “Nếu người đạo diễn có phông văn hóa tốt, có cái nhìn tổng quát và biết khai thác các giá trị văn hóa truyền thống thích hợp thì thành công của lễ hội là rất lớn, ngược lại sẽ gây ra những phản cảm lớn và hậu quả khôn lường. Ở đây, sự hiểu biết và kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại là vô cùng quan trọng”.
Có thể nói trong đời sống đương đại hiện nay, lễ hội Hà Nội chính là tiềm năng văn hóa, vừa để xây dựng và phát triển bộ mặt văn hóa đa dạng của Thủ đô vừa là cơ sở để quảng bá và phát triển văn hóa du lịch. Cũng bởi thế việc khai thác giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống cũng như tiềm năng của lễ hội mới là một việc đáng được lưu tâm, xem xét nhằm tạo đà cho sự phát triển của du lịch Thủ đô.