Thế giới điện ảnh

Hương vị phim xưa

Ths. Hoàng Dạ Vũ 05/09/2023 06:50

Ai cũng có một thuở ấu thơ, một thời tuổi trẻ. Đó là một vùng sáng lung linh trong ký ức mà mỗi người đôi lúc hoài niệm lại như những điều đẹp đẽ, trong sáng nhất. Với tôi và chắc hẳn với không ít người, trong vùng sáng tươi đẹp ấy có hình ảnh những buổi chiếu bóng ngày xưa, từ xem phim bãi ở làng đến phim nhựa trong rạp chiếu phim cũ kỹ mang hương vị xưa không thể nào quên…

Phim bãi - miền ký ức

Hồi còn bé nhà tôi còn ở làng Láng. Cạnh nhà là cái ao có những bụi tre um tùm mọc rải bên bờ, có những vũng con để các bà các cô lội xuống nghiêng đòn gánh múc nước quẩy lên tưới ruộng rau thơm, trẻ con cũng lội xuống bắt cá săn sắt, cá bảy màu và vớt lũ nòng nọc để chơi. Hồi ấy đường làng quanh co men theo những vạt rau thơm, nhà nào không có ruộng ngoài đồng thì cũng trồng vài luống rau thơm trong vườn. Sáng sáng tôi cùng lũ bạn cắp cặp đi bộ xuyên qua làng để đến trường, đi qua những luống rau xanh mươn mướt.

chieu_bong_2_resize.jpg
Chiếu phim ở sân bóng xưa

Những năm giữa và cuối thập niên 80, khi hiếm nhà ai ở làng tôi có tivi thì một thú vui to lớn của đám trẻ chúng tôi là được đi xem chiếu bóng. Tôi còn nhớ mãi những bộ phim truyện nhựa của Việt Nam từ ngày xưa, chiếu ở những rạp cũ kỹ hay bãi chiếu bóng ngoài trời, những bộ phim đen trắng chầm chậm, âm thanh đơn điệu, những diễn viên xinh đẹp mộc mạc, không trang điểm, nhưng sao vẫn hay và đọng lâu hơn trong trí nhớ. Từ những phim “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Tọa độ chết”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Chị Tư Hậu”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Trên từng cây số”, “Mối tình đầu”… Sau thì có thêm các phim “Huyền thoại mẹ”, “Dòng sông hoa trắng”, “Tình khúc 68”, “Phương án ba bông hồng” và rất nhiều bộ phim cổ tích của Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri mà tôi không nhớ hết tên, đã làm giàu thêm đầu óc cho bọn trẻ chúng tôi, đem lại những niềm vui, sự hứng khởi cho một thời thiếu thốn phương tiện giải trí.

phim-xua-2.jpg
Rạp tháng Tám trên phố Hàng Bài

Cái cảm giác được đi xem phim bãi hồi nhỏ thật rộn ràng, háo hức. Phim thường được chiếu ở bãi cỏ rộng của hợp tác xã. Tối nào có chiếu phim thì các nhà bảo nhau ăn cơm từ sớm. Trước giờ chiếu, mỗi người hay cầm theo một viên gạch để kê ngồi, nhanh nhanh chọn vị trí đẹp, không gần màn ảnh mà lại phải ở trung tâm. Rồi tiếng máy quay phim rè rè cất lên, cả sân bãi nhốn nháo thành im phăng phắc. Phim chạy, một luồng sáng chiếu thẳng từ máy chiếu lên màn ảnh rộng. Dù hồi ấy còn rất bé, tâm trí trẻ thơ của tôi vẫn lưu giữ mãi những cảnh phim ấn tượng: cảnh ma hiện hồn ghê rợn trong phim “Bỉ vỏ” (có diễn viên Hoàng Cúc đóng vai chính) làm tôi và lũ nhỏ sợ khóc thét; rồi những cảnh “nóng” các chú chiếu phim lưu động lại lấy tay che ống kính không cho bọn trẻ con nhìn. Một phim khác cũng gây ám ảnh là “Cánh đồng chết” có cảnh nhân vật chính băng qua một đầm lầy toàn đầu lâu xương sọ, khiến tôi từ đó mỗi lần đi qua nghĩa địa đầu làng lại chạy bán sống bán chết. Nhưng chỉ có mấy phim đáng sợ như thế thôi, còn lại toàn phim hay, nhất là phim hoạt hình: “Chú thỏ ngọc”, “Nàng Ngà”, “Chuyện ông Gióng”, “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”… Những bộ phim đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của tôi bay xa, giúp tâm hồn tôi rộng mở và biết yêu cái đẹp, cái thiện.

Vài năm sau, dần dần nhà nào cũng sắm được tivi, thêm nhiều rạp chiếu bóng khang trang với ghế ngồi đẹp đẽ nhưng tôi vẫn nhớ bãi chiếu phim ngoài trời, nhớ những buổi cả nhà đi xem phim mùa hè, mẹ ngồi quạt cho con mát, còn bố thì cõng tôi về khi hết buổi chiếu, nhớ tiếng loa oang oang thông báo chiếu phim, tất cả đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của một thời.

Rạp chiếu phim nhựa – thời xa vắng

Hà Nội từng có tới gần 20 rạp chiếu thuộc quản lý của Nhà nước. Những cái tên như Đại Đồng, Đại Nam, Mê Linh, Kinh Đô, Dân Chủ, Majestic (Tháng Tám), Kim Đồng, Ngọc Khánh, Sinh Viên, Đặng Dung, Bạch Mai, Fafilm Cinema, Fansland, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia… lần lượt xuất hiện trong gần nửa thế kỷ và được ví như “thiên đường” của những người yêu phim.

phim-xua-3(1).jpg
Rạp Dân Chủ trên phố Khâm Thiên

Để cầm được trên tay chiếc vé xem phim thời bao cấp là cả một hành trình dài chứ không đơn giản là đến rạp mua vé xem luôn như bây giờ. Có những người ở xa rạp từ ba đến bốn cây số vẫn đi bộ tới xếp hàng mua vé cách tới mấy hôm. Kiếm được chiếc vé xem phim thì ai cũng sung sướng, háo hức không gì sánh bằng. Nghĩ về thời đó, hay chỉ cần khẽ nhắc về khoảng thời gian đó, có những kỉ niệm khiến người ta vừa cười, vừa thương mà cũng vừa thổn thức. Được ra rạp xem phim đối với những thanh niên ở thời bao cấp có lẽ là những ký ức vô cùng đẹp đẽ của họ, để giờ đây, khi đã là những người ông, người bà, đôi mắt họ vẫn rực sáng và tràn đầy niềm vui khi nhắc lại từng ký ức, từng câu chuyện, từng mốc thời gian, từng cái tên… gắn liền với điện ảnh một thời.

phim-xua-4.jpg.png
Rạp Quân đội trên phố Lý Nam Đế

Quay trở lại những năm 80, Hà Nội có nhiều rạp chiếu phim nổi tiếng như rạp Bạch Mai, rạp Đại Nam, rạp Tháng Tám, rạp Kim Đồng… Lớp người đã đi qua những năm tháng khó khăn của đất nước chắc hẳn không bao giờ quên. Ngày đó, rạp chiếu phim nào cũng thay đổi pano giới thiệu mỗi tuần. Thời đó, nhu cầu xem phim của người Hà Nội rất cao và các rạp chiếu phim cũng không đủ phim để phục vụ người dân. Đó là lý do vì sao mà hằng ngày cứ rạp này chiếu xong một cuốn thì rạp kia sẽ chiếu cuốn tiếp theo. Cứ như thế, một bộ phim sẽ tung hoành cả ngày lẫn đêm ở tất cả các rạp.

Rạp chiếu phim ngày xưa thực sự là nơi chứng kiến vô số chuyện buồn vui. Thường thì mấy rạp chiếu phim đều có lưng áp vào nhà dân. Thế là lũ trẻ con lại trốn vé bằng cách leo từ nhà vệ sinh của khu dân cư sang nhà vệ sinh của rạp chiếu và cứ thể lẻn vào rạp xem. Ban đầu thì việc còn trót lọt nhưng sau đó rạp cử hẳn một bảo vệ đứng đấy túc trực, và thế là bắt được đứa nào, đứa đó sẽ bị véo tai, đỏ ửng cả lên. Ngày đó xem phim ở rạp Kim Đồng bực nhất là lúc đang xem lại bị cúp điện, khán giả phải ngồi chờ. Ngồi chờ chán chường rồi rạp lại thông báo hủy, khán giả nhận lại vé và ngày mai đến xem tiếp. Khổ hơn là lúc đang xem phim thì trời mưa, nước mưa cứ thế theo ống thông khí trên trần chảy thành dòng vào rạp. Rạp Dân Chủ, Tháng Tám từng là nơi học sinh cấp 2, cấp 3 tấp nập rủ nhau đi xem phim buổi trưa vì giá vé khá rẻ. Không ít lần đang ngồi xem phim, cả rạp chợt ồn lên tiếng la thất thanh vì… chuột chạy dưới chân.

Đến những năm 90, khi đầu video dần du nhập vào nước ta thì thời đại của các rạp chiếu phim cũ bắt đầu đi vào lụi tàn. Các rạp chiếu phim xuống cấp, quạt không đủ mạnh để xua đi cái nắng ngày hè, phim nhập về ít và không hay, rạp chật chội, ghế gãy, công nghệ thấp… đó là lý do vì sao người ta ít mặn mà với các rạp chiếu phim truyền thống hơn. Việc chuyển đổi các rạp chiếu phim thành các tụ điểm dịch vụ cũng làm mất đi giá trị lịch sử của những nơi này.

Sau này những rạp chiếu phim mới hơn, hiện đại hơn, áp dụng đủ thứ công nghệ như kỹ thuật số 3D, âm thanh nổi… Thế nhưng, người Hà Nội cũ mỗi khi đi qua các rạp chiếu truyền thống ngày nào vẫn còn một chút gì đó tiếc nuối, bồi hồi về một “thời xa vắng”. Thời phim nhựa đã lùi xa nhưng hương vị phim xưa sẽ còn đọng lại mãi, nhắc nhớ chúng ta về những tháng năm rực rỡ đầy hoài niệm./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Kết thúc tuần phim kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19 đến 21-11-2024 phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
  • Phim “Không thời gian” – khắc hoạ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời chiến và thời bình
    “Không thời gian” là dự án phim đặc biệt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024), phản ánh chân thực hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến và thời bình...
  • Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Tạo đà cho điện ảnh Việt sáng tạo và cất cánh
    Với nhiều chương trình phim, nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII đã in dấu ấn đậm nét với các nghệ sĩ điện ảnh quốc tế và Việt Nam, tạo nên bầu không khí nghệ thuật nồng nhiệt dành cho khán giả Thủ đô và khát vọng sáng tạo với nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam và quốc tế.
  • “Điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử”
    Sáng ngày 9/11/2024, hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học” đã diễn ra tại khách sạn Daewoo Hà Nội.
  • Liên hoan phim hoạt hình "Dòng khát vọng"
    Liên hoan phim hoạt hình "Dòng Khát Vọng" được diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện khởi động chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm hoạt hình Việt Nam (9/11/1959 - 9/11/2024). Chương trình thể hiện khát vọng mang nét họa bản địa đặc sắc của các nghệ sĩ Việt vươn ra thế giới.
  • Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII
    “Thành phố Hà Nội vinh dự được đồng hành với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong công tác tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2024. Thành phố đã sẵn sàng mọi điều kiện góp phần vào thành công chung của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII năm 2024”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định tại lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) tối 7/11.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Hương vị phim xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO