Nhà báo Đỗ Đức Dục viết về nhiều lĩnh vực khác nhau từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa... đăng trên nhiều tờ báo và tạp chí: Thanh Nghị, Độc Lập, Tạp chí Văn học và ký bằng nhiều bút danh khác nhau. Ông từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, đại biểu Quốc hội khóa I...
Chân dung nhà văn, nhà báo Đỗ Đức Dục (Ảnh tư liệu) |
Sinh thời, ông Đỗ Đức Dục viết khoảng 83 bài trên Báo Thanh Nghị (1941 - 1945) và 339 bài trên Báo Độc Lập (1945 - 1988), trong đó có 43 bài trong thời gian 1945 - 1946 (trước khi Toàn quốc kháng chiến diễn ra) và 247 bài trên Báo Độc Lập (bao gồm cả tạp chí và tuần báo) từ năm 1948 - 1959...
Nhà báo Đỗ Đức Dục khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I, đã tham gia vận động tổng tuyển cử, tích cực tham gia soạn thảo Hiến pháp với vai trò đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Đông. Ông không chỉ làm thuyết trình viên bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà còn kiêm luôn công việc của một nhà báo. Cố nhiên, ở tất cả các mặt hoạt động ấy, ông đều sử dụng diễn đàn của tờ Báo Độc Lập, cơ quan của trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam và có lúc ông còn xuất hiện với tư cách người trả lời phỏng vấn trên Báo Quốc hội…
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, cuộc đời của một con người cống hiến trọn đời mình cho cách mạnh, cho đất nước, cho sự phát triển của văn hóa và khoa học như ông Đỗ Đức Dục xứng đáng để thế hệ hôm nay tôn vinh và học tập. Với đóng góp đó, ông đã được đặt tên cho đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh.