Hội sách Xuân Hà Nội 2018: Nhộn nhịp thú chơi sách cũ

Giang Nam/Phạm Quý/KTĐT| 09/03/2018 16:41

Hội sách Xuân Hà Nội đang diễn ra tại hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây được coi là hội sách lớn nhất trong năm, quy tụ nhiều đầu sách quý, nên những người chuyên săn lùng sách cũ cũng háo hức tìm đến.

Một nghìn đồng vẫn có sách hay
Hội sách Xuân năm nay là nơi tập trung rất nhiều sách quý hiếm và có chất lượng. Đây có thể coi là hội sách cũ lớn nhất trong năm 2018 với gần 20 tấn sách cũ, mới thuộc đủ mọi lĩnh vực: Văn học, lịch sử, văn hóa, đời sống, kinh doanh, quân sự, chính trị, luật, khoa học, thiếu nhi, ngoại văn, đông tây y, giáo trình cho sinh viên, truyện tranh… với mức giá giao động từ 1.000 đồng – 5.000 đồng và 10.000 đồng trở lên. So với mọi năm, lượng độc giả lớn tuổi năm nay tập trung đông hơn cả. Chị Kiều Anh – chủ một quầy sách cũ tại hội sách cho biết: “Hội sách Xuân năm nay chủ yếu bày bán các đầu sách quý hiếm trong nhiều lĩnh vực mà người cao tuổi hay tìm đọc, nên đã thu hút được sự chú ý của nhiều độc giả hơn mọi năm”.

Thể loại mà độc giả lớn tuổi quan tâm tìm kiếm hơn cả là văn học Nga và Trung Quốc những năm 1976 trở về trước, tập trung ở một số các tác giả như: Pushkin, Sholokhov hay Dostoevsky với các tác phẩm kinh điển như: "Người tù binh Kavkaz", "Chuyện ông cố đạo và người làm công Balda"... Có mặt tại hội sách từ rất sớm, ông Trần Ngọc Lai cho biết: “Tôi rất quan tâm tới văn học nước Nga thời kỳ trước. Tuy nhiên để tìm được những cuốn từ thời đó vô cùng khó, điển hình là “Con đường đau khổ” của Tolstoy, chỉ được in 1 lần, nên rất quý và hiếm, chỉ những dịp tổ chức hội sách thế này mới tìm được”.

Nét đẹp văn hóa sách cũ

Đi sâu vào từng ngõ ngách của Hà Nội, không khó để bắt gặp những cây “đại thụ” trong làng sưu tập sách cũ. Ở Hà Nội, nổi tiếng bậc nhất phải kể đến ông Phan Trác Cảnh ở Bát Đàn, nhà báo Yên Ba - báo Quân đội Nhân dân... Sau đó đến những tên tuổi như: Tạ Thu Phong, Nguyễn Nhật Anh, Trịnh Hùng Cường. Ông Vũ Kim Điền thuộc lớp người chơi sách cũ “bình dân” hơn. Ngồi ở cửa hàng của ông Điền ở phố Thụy Khuê một lúc, không ai không ngạc nhiên. Khách hỏi văn học Trung Quốc, ông dông dài từ thơ Lý Bạch cho đến tiểu thuyết Thi Nại Am; ông thuyết trình nét nhân văn của văn học Nga, văn học Pháp. Cả lịch sử nghệ thuật kịch, các trường phái kiến trúc... ông Điền cũng thông thạo.

Hà Nội có một “người cùng thời” với ông Điền là ông Nguyễn Thế Thành. Cuộc đời ông Thành lên xuống như... tiểu thuyết. Hồi nhỏ ông hay đọc sách cho mẹ nghe nên thành mê sách. Suốt chiến tranh rồi thời bao cấp, gia đình túng quẫn, nghề gì ông cũng làm dù ở lò than, hay đạp xích lô... Công việc cực nhọc mà tay lúc nào cũng lăm lăm cuốn sách, người ta bảo ông “khùng”.
Có những hôm đến hiệu sách, nhìn thấy cuốn sách ưng mà lại thiếu tiền. Rồi lại nghĩ, nhỡ mai kia khi mình đủ tiền mua sách, ông chủ lại bán mất cuốn sách thì sao? Lại đành chắt chiu, lại đành tiếc nuối... Sau một thời gian sưu tầm, ông Thành mở quán cà phê - sách trên đường Âu Cơ (quận Tây Hồ) từ năm 2005. Quán cà phê - sách của ông trụ được lâu nhất tại Hà Nội.

Đến với Hội sách Xuân 2018 có thể bắt gặp những gương mặt quen thuộc của làng sách cũ như ông Điền, ông Thành; nhưng cũng có thể là độc giả thuộc thế hệ 7x, 8x nhớ về những đầu báo, tạp chí như: Giáo viên Nhân dân, Thiếu niên Tiền phong, Văn nghệ… in thời cuối năm 80, 90 của thế kỷ trước. Mỗi người tìm cho mình một đầu sách, gợi nhớ một nét xưa, một thú chơi tao nhã. Hội sách Xuân 2018 còn mở cửa đến ngày 11/3.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Hội sách Xuân Hà Nội 2018: Nhộn nhịp thú chơi sách cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO