Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ nhìn thẳng nói thật để chỉ ra hạn chế

KTĐT| 23/11/2021 19:48

“Là người làm văn hóa tôi rất kỳ vọng vào Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3. Các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo nhà quản lý về văn hóa sẽ bàn bạc, hội thảo để chỉ ra, đánh giá một cách đúng mức những thành tựu Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới, đồng thời sẽ chỉ ra khiếm khuyết hạn chế, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng nói thật, mổ xẻ khiếm khuyết căn nguyên để cùng khắc phục” - TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội.

Sự kiện mang tính đột phá trong thời kỳ phát triển

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 là được mở ra vào ngày 24/11/2021 dấu ấn rất đáng mừng. Tôi quan niệm đây là sự kiện mang tính đột phá trong thời kỳ phát triển mới của Đảng, Nhà nước ta và toàn dân ta. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều khó khăn, chúng ta vừa mới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở Hội nghị toàn quốc về văn hóa. Đến năm 1948 chúng ta lại mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2. Hồ Chủ tịch đánh giá rất cao vai trò vị trí của văn hóa. Trong chiến tranh, nếu tương quan về lực lượng thì kẻ thù nhiều súng ống hơn ta, quân đội của họ chuyên nghiệp hơn ta nhưng toàn dân Việt Nam đã xây dựng tinh thần không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ và cuối cùng chúng ta chiến thắng nhờ những nền tảng vững mạnh văn hóa trong con người Việt Nam.

Tôi đánh giá Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 là khởi đầu một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Đó là giai đoạn Việt Nam vượt qua đói nghèo, nhưng vẫn còn tụt hậu. Nên để thoát tụt hậu thì phải đột phá từ khâu văn hóa. Bản tính con người Việt là cần cù, sáng tạo, thương người như thể thương thân mà để tụt hậu là điều đáng tiếc. Nên Hội nghị lần này có tính chất định hướng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, của những cạnh tranh phát triển kinh tế xã hội nhưng Bộ Chính trị vẫn yêu cầu mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần 3 là để khắc phục tồn tại yếu kém, để mở ra trang mới cho sự phát triển.

Là người làm văn hóa tôi rất kỳ vọng vào Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3. Các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo nhà quản lý về văn hóa sẽ bàn bạc, hội thảo để chỉ ra, đánh giá một cách đúng mức những thành tựu Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới, đồng thời sẽ chỉ ra khiếm khuyết hạn chế, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng nói thật, mổ xẻ khiếm khuyết căn nguyên để cùng khắc phục.

Tôi kỳ vọng là Hội nghị sẽ đúc rút để nói phải đi đôi với làm, chứ không phải trong Nghị quyết nói rất hay, nhưng khi ra vận hành thì không thấy quan tâm đến văn hóa, không tương xứng với phát triển kinh tế xã hội. Tôi kỳ vọng Hội nghị lần này là dấu mốc để toàn Đảng, toàn dân nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn những quan điểm đường lối rất đúng đắn, rất sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta để xây dựng văn hóa ngày càng phát triển để mở đầu cho thời kỳ mới, thời kỳ nước Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập cao, năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phải là nước thể hiện rõ nền văn hóa của Thủ đô, nền văn hóa lâu đời, trở thành thành viên đáng tin cậy trên trường quốc tế.

Xây dựng văn hóa người Hà Nội xứng tầm

Hà Nội trong điều kiện nào cũng là trung tâm lớn về văn hóa, ngay cả khi lịch sử có bước thăng trầm nhất định. Ví như thời kỳ triều đình nhà Nguyễn chọn Huế là Thủ đô của đất nước. Giai đoạn đó hàng trăm năm Hà Nội không còn là kinh thành, nhưng vẫn đi đầu và là trung tâm đầu não về văn hóa. Trong sự nghiệp đổi mới, Hà Nội lại trở về với vị trí là Thủ đô, đầu não chính trị kinh tế của cả nước càng thể hiện rõ là nơi đi đầu về văn hóa. Người Hà Nội là thanh lịch, tự trọng, sáng tạo, kiên cường… thì chắc chắn là đi đầu về văn hóa. Cảnh quan, chốn kinh xưa muôn đời, nơi rồng cuộn hổ ngồi, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương để tỏa sáng thì dứt khoát là đi đầu về văn hóa. 35 năm đổi mới thể hiện rất rõ, Hà Nội trở thành Thành phố vì hòa bình, Thủ đô anh hùng. Gần đây nhất Hà Nội lại tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo.

Tuy nhiên Hà Nội còn có những điều hạn chế về văn hóa: Sự thanh bình nó đã bị ảnh hưởng. Tư duy văn hóa cũng đã bị xem nhẹ. Hà Nội phải khắc phục những yếu kém, đặc biệt các vấn đề quản lý đô thị, cũng như trong phát triển kinh tế; không đánh đổi văn hóa để phát triển kinh tế. Bởi vì, Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến. Chúng ta cần quan tâm xây dựng con người Thủ đô (không phân biệt người Thủ đô gốc hay người dân từ đâu đến) thật xứng tầm, không chỉ còn là thanh lịch như xưa mà còn là thông minh, sáng tạo, văn minh; thích ứng với đời sống hiện đại để xứng tầm là Thủ đô của đất nước phát triển mạnh.

Thủ đô Hà Nội phải được đầu tư mạnh mẽ về văn hóa, không chỉ đầu tư về tiền bạc mà là đầu tư về lãnh đạo và quản lý, nhận thức đúng vai trò của văn hóa, đúng như Nghị quyết của Đảng và văn kiện của Đại hội lần thứ XIII đã chỉ ra, khắc phục những khiếm khuyết như là chưa quan tâm đến văn hóa bằng kinh tế. Hà Nội phải quan tâm đến văn hóa, để phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa; phát triển văn hóa để xây dựng con người. Hà Nội phải tiếp tục bảo tồn di sản nghìn năm cùng với đó là các công trình mới cho xứng tầm với thời kỳ hiện đại. Quan tâm duy tu phát triển hơn nữa cho các công trình văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân như: Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, công viên Yên Sở… đẩy nhanh xây dựng văn hóa của thời đại mới, để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ nhìn thẳng nói thật để chỉ ra hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO