Đại diện các nhà văn trẻ tặng sách cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Ngôi nhà văn chương được xây đắp qua nhiều thế hệ. Thời kỳ nào cũng luôn cần những lớp người kế cận tiếp nối, phát huy thành tựu của lớp người đi trước và tạo ra những giá trị mới của riêng mình. Do vậy, nhà văn trẻ gánh trên vai trọng trách vô cùng nặng nề và thiêng liêng. Tuy nhiên, văn trẻ hiện nay còn chưa hình thành được một đội ngũ xứng đáng với tiềm năng. Vậy, làm thế nào để đánh thức đam mê, nhiệt huyết và tạo động lực cho các nhà văn trẻ thể hiện và khẳng định bản thân? Làm thế nào để người viết trẻ hiểu rõ trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật? Điều đó đã phần nào được giải đáp tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X.
Hai tác phẩm của các tác giả tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Viết là một hành trình gian nan
Trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển như ngày nay, các nhà văn trẻ có nhiều lợi thế và điều kiện tốt hơn so với các thế hệ trước. Họ cũng được tự do bộc lộ cá tính và có nhiều cơ hội để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng hơn. Tuy nhiên, văn trẻ hiện đang trong tình trạng được chào đón nồng nhiệt nhưng cũng dễ dàng bị lãng quên.
Đội ngũ người viết trẻ có số lượng đông đảo, hùng hậu nhưng lại ít có những gương mặt sáng giá, trội bật hẳn lên như cái cách mà làn sóng Thơ mới ào qua văn đàn Việt Nam thuở trước. Một số cây bút trẻ đến với văn chương với tâm thế “cưỡi ngựa xem hoa”, nhiều người không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương, thậm chí cũng chưa mấy thiết tha, mặn mà với nghề chữ. Họ coi văn chương như một cuộc dạo chơi, nên dù có thể đã để lại một vài tác phẩm đáng chú ý, nhưng họ lại bình thản từ giã nghiệp viết mà dường như chẳng mảy may tiếc nuối. Có những người thì cứ mải miết đuổi theo cái bóng của văn chương nhưng chỉ viết được dăm ba tác phẩm làng nhàng, hời hợt, chưa bám sát cuộc sống và nằm ngoài xu hướng phát triển của thời đại. Cả hai trường hợp trên đều là sự lãng phí. Lãng phí nhân tài, lãng phí thời gian.
Cũng bởi thế, cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng xem các cây bút trẻ hôm nay đang viết gì, vì sao họ viết và viết như thế nào... để có những nhận xét xác đáng, tạo cơ sở gợi mở và sẻ chia, giúp các nhà văn tương lai “hành nghề” một cách say mê và chuyên nghiệp nhất. “Vì sao chúng ta viết?” - câu hỏi này cũng chính là chủ đề xuyên suốt Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi từ các đại biểu. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, “Vì sao chúng ta viết?” còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của nhà văn với con người và cộng đồng. Vì thế, câu hỏi ấy không chỉ cần được đặt ra trong hội nghị mà phải được đặt ra hằng ngày như một thái độ sống và sáng tạo của người cầm bút.
Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Viết là một hành trình gian nan, với nhiều băn khoăn, trăn trở. Song, đứng trước khó khăn, thử thách, người viết trẻ càng phải cố gắng và dồn nhiều tâm sức hơn, để theo đuổi và “sống chết” với nghề; chứ không nên coi viết văn chỉ là một cuộc dạo chơi không đích đến, để rồi sớm nản chí và bỏ cuộc giữa chừng. Nhiệm vụ của nhà văn là viết. Viết vì tình yêu, vì trách nhiệm, viết để làm tươi đẹp cuộc đời. Có thể nói, người viết như những chú ong cần mẫn, góp nhặt tri thức, tích lũy vốn sống và không ngừng nỗ lực từng ngày, để làm nên những mùa văn chương đầy hoa thơm, trái ngọt.
Thổi bùng ngọn lửa đam mê
Bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có sự cạnh tranh, sàng lọc và đào thải khắt khe, đặc biệt là trong nghệ thuật ngôn từ. Nếu muốn chạm tới đích đến cuối cùng của văn chương thì cần phải có niềm đam mê mãnh liệt, có khát khao và sự quyết tâm lớn lao để thực hiện lý tưởng, hoài bão; đồng thời cũng cần phải có một bản lĩnh vững vàng để đối mặt và vượt qua mọi sóng gió. Đối với những người trẻ, viết là nhu cầu tự thân, là sự thôi thúc từ thẳm sâu tâm hồn. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ. Họ cần phải nhận thức được rằng, viết văn là công việc nghiêm túc, nhọc nhằn, không phải một cuộc dạo chơi. Vì thế, cần hướng tới sự chuyên nghiệp, lao động miệt mài, nghiêm túc và dồn hết tâm sức cho nghề. Chính họ phải tự giác tìm tòi, học hỏi, trau dồi và mài giũa, để phát triển tài năng của mình.
Tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng, các nhà văn trẻ phải xác định được mục tiêu, đồng thời cổ vũ sự tự do sáng tạo nghệ thuật thì mới tạo ra những tác phẩm hay, những xu hướng, trường phái mới. Và điều quan trọng hàng đầu chính là khơi dậy và phát huy tài năng của từng người. Để làm được điều đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn thì cần có chất xúc tác, để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết và tâm ý trọn vẹn dành cho văn chương, khiến người trẻ thêm yêu và kiên định theo đuổi nghề viết.
Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung cho rằng, những người viết trẻ cần có thêm nhiều cơ hội cũng như nhiều không gian thực tế để trao đổi, trải nghiệm; có cơ chế hỗ trợ để những tác phẩm chất lượng được lan tỏa hơn; đồng thời cần nhìn nhận thỏa đáng hơn về sáng tác của họ, thông qua những cuộc tọa đàm, với sự tham dự, đánh giá sòng phẳng của những người đi trước. “Nếu tạo ra được một không khí văn chương sôi nổi, lành mạnh, sòng phẳng thì có lẽ những người viết trẻ cũng hào hứng hơn chăng để mà hết mình cho tên gọi “người-viết-trẻ?””, Nguyễn Thị Kim Nhung chia sẻ.
Có thể nói, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X mang đến nhiều trải nghiệm, đồng thời thổi bùng ngọn lửa đam mê văn chương, thôi thúc các cây bút trẻ không ngừng sáng tạo, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, dấn thân và dành trọn vẹn tâm sức cho nghề viết, để tạo ra những tác phẩm có giá trị. Cây bút trẻ Lê Ngọc tâm sự: “Hội nghị đã giúp tôi thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn trong tư duy sáng tác. Trước đó, tôi luôn tự hỏi liệu mình có đủ tài năng và can đảm để theo con đường dài hơi này không. Sau khi được nghe những kiến giải của các nhà văn lão thành cùng các anh chị đi trước, hiện tại, tôi đã kiên định hơn với nghề. Vì sao chúng ta viết? Vì chính chúng ta - những người viết trẻ. Chúng ta hãy cứ sống, cứ đi, cứ nghĩ, cứ viết và viết hay hơn nhé!”
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X
Nhà văn Lê Quang Trạng thì chia sẻ rằng, anh cảm thấy vui mừng vì được gặp gỡ những cây bút trẻ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Họ đã mang đến Hội nghị không chỉ sự góp mặt và tiếng nói của người viết trẻ, mà còn cho chúng ta niềm tin vào sự kế thừa nền văn chương Việt bởi chất lượng của đội ngũ người viết trẻ hôm nay. Anh cho biết: “Hội nghị đã giúp tôi học hỏi được nhiều điều, những trăn trở về nghề phần nào được giải đáp. Phần còn đọng lại và thắp lửa cho tôi trong tương lai là những câu hỏi rằng, tôi sẽ trau dồi và viết gì, viết tốt hơn ra sao trong thời gian sắp tới”.
Đón đợi những bứt phá
Theo nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng, văn trẻ cần được nhận thức như là “lưng vốn văn hóa, của cải tinh thần để dành cho tương lai”. Chính thế hệ nhà văn trẻ là những người gánh vác sứ mệnh mới của văn học. Bởi thế, phải đặt ra những yêu cầu cao để người viết trẻ phấn đấu hết mình; lại vừa phải kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục từ họ; đồng thời thúc đẩy họ dấn thân, bước ra khỏi vùng an toàn để không ngừng tiến về phía trước. Hội nghị Những người viết văn trẻ chính là một trong những hoạt động thiết thực, là bệ đỡ và động lực, thổi bùng nhiệt huyết và phát huy nội lực của người trẻ sáng tác văn chương, để họ tiếp tục kiên trì, bền bỉ theo đuổi con đường mình đã chọn.
Nhà thơ Đỗ Anh Vũ nhận định: “Chúng tôi cảm nhận được sự dấn thân trong từng trang viết và khát vọng sáng tạo, giàu năng lượng của một thế hệ cầm bút mới. Điều ấy cho chúng ta quyền hi vọng vào những tác phẩm rực rỡ hơn nữa trong tương lai của nền văn học nước nhà”.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tương lai còn dài và rộng mở, chúng ta có thể đón đợi và kỳ vọng rằng, những người viết trẻ sẽ tiếp tục tung đôi cánh tự do, miệt mài bay trên vùng trời chữ nghĩa và chứng minh thực lực bằng những tác phẩm của mình. Tin rằng sau Hội nghị, những cây bút trẻ sẽ càng thêm yêu nghề và nỗ lực cố gắng trên hành trình sáng tạo. Tin rằng mỗi đại biểu tham dự Hội nghị đều sẽ ý thức hơn về trách nhiệm và sứ mệnh của người cầm bút, để từ đó biết cách lựa chọn đề tài cũng như phương thức biểu đạt, nhằm tạo nên những tác phẩm sâu sắc, ý nghĩa, mang hơi thở thời đại, phản ánh hiện thực nhưng cũng đậm chất nhân văn, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.