Học kỹ năng sống: Bắt buộc hay tự nguyện?

Đặng Trinh/nguoilaodong| 01/11/2017 22:46

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường dạy kỹ năng sống cho học sinh dưới nhiều hình thức linh hoạt. Tuy nhiên, việc học kỹ năng sống còn nhiều mù mờ, không rõ bắt buộc hay tự nguyện.

Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh học sinh (HS) tại các trường phổ thông ở TP HCM không biết có thêm chương trình dạy kỹ năng sống (KNS) trong nhà trường. Chỉ đến khi học phí đội lên, họ mới biết phải đóng thêm khoản này. Nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ đây là chương trình bắt buộc hay tự nguyện. Nếu là chương trình tự nguyện thì tại sao nhà trường không thông qua phụ huynh trước khi triển khai, thu phí?

Giật mình vì học phí

Chị H. Hương, một phụ huynh HS Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TP HCM), cho hay trường yêu cầu đóng 20.000 đồng/tiết học KNS, 1 tháng học 2 tiết. Việc dạy này do một trung tâm hợp đồng với trường đảm nhận.

Học kỹ năng sống: Bắt buộc hay tự nguyện? - Ảnh 1.

Một tiết sinh hoạt ngoại khóa của học sinh TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

"Trước đây, mỗi tháng con tôi chỉ đóng 7.000 đồng, không hiểu sao nay mức phí tăng lên. Chương trình cụ thể thế nào phụ huynh cũng không được biết" - chị Hương băn khoăn.

Nhiều phụ huynh HS bậc tiểu học Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn cũng giật mình khi học phí tháng 10-2017 bỗng dưng tăng lên chóng mặt. Theo đó, mỗi HS phải đóng 450.000 đồng để học KNS. Nhà trường thông báo sẽ thu thêm 450.000 đồng nữa vào tháng 12. Tổng cộng, số tiền phải đóng cho hoạt động KNS là 900.000 đồng/năm. Nhiều phụ huynh băn khoăn: "Mức thu này căn cứ vào đâu, chương trình học cụ thể thế nào, có phải hình thức là phân chia thành tiết học và thuê mướn người dạy hay không?...".

Ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn, cho rằng dạy KNS cho HS là hoạt động cần thiết; nhà trường thu phí theo tháng, không theo năm. Về lý do phải hợp đồng với trung tâm ở ngoài, ông Nam cho hay không phải giáo viên (GV) nào cũng có kỹ năng, thời gian để dạy các hoạt động này. Vì thế, nhà trường chủ trương hợp đồng với bên ngoài bởi như thế hợp lý hơn.

35 đơn vị được phép dạy ngoài giờ chính khóa

Theo số liệu từ Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tính đến cuối tháng 8-2017, TP có 35 đơn vị được cấp phép hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Thế nhưng, theo phản ánh của hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3, khi các đơn vị đến chào hàng, trường nhìn vào mục tiêu và chương trình đào tạo thì thấy chủ yếu vẫn nặng về phát triển kiến thức, sách vở. Có trung tâm còn chào hàng chương trình luyện viết chữ đẹp cho HS…

Chưa kể, các chương trình KNS hiện nay thực chất là hình thức gián tiếp đưa những chương trình đào tạo trôi nổi ở các trung tâm vào nhà trường, như: toán thông minh, các khóa học kích thích giác quan, phản xạ linh hoạt… Những chương trình này chưa có một thước đo nào đánh giá hiệu quả.

Từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua, với hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học, có thể hiểu nôm na KNS được quy định là hoạt động giáo dục bắt buộc. Nhiều trường học đã đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm này cho HS dưới nhiều hình thức. Trường nào không thuê trung tâm về dạy thì tổ chức cho HS học ngoại khóa với các tiết học ngoài nhà trường.

"Cấm hành vi ép buộc"

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết giảng dạy KNS cho HS là chủ trương của sở, yêu cầu các trường phải thực hiện. Theo ông Hoàng, KNS muôn hình muôn vẻ, như dạy về kỹ năng thoát hiểm khi không may cháy nổ; gấp chăn mền, quần áo; đi đường theo hướng tay phải… KNS có thể dạy mọi lúc mọi nơi, tùy vào điều kiện của mỗi trường.

Ông Hoàng cho rằng chủ trương của Sở GD-ĐT TP HCM là linh hoạt, đa dạng các hình thức giảng dạy. Với trường dạy 1 buổi thì có thể tổ chức lồng ghép trong tiết sinh hoạt dưới cờ, còn trường dạy 2 buổi thì tổ chức ở chương trình buổi 2. Khi tổ chức thì lựa chọn danh sách những trung tâm đã được sở thẩm định, cho phép; còn mức thu thì thỏa thuận với phụ huynh. "Quan điểm của sở là nghiêm cấm các hành vi ép buộc phụ huynh tham gia" - ông Hoàng khẳng định. 

Cần thiết nhưng tránh hình thức

Nhiều ý kiến cho rằng tăng cường hoạt động trải nghiệm là việc cần thiết nhưng cách làm hiện nay còn quá máy móc và hình thức.

Theo một chuyên gia về giáo dục phổ thông, hoạt động này không nhất thiết phải quy định hẳn thành tiết học, không nhất định phải là "chuyên gia" mới dạy được. Đơn cử, nhiều trường đã tổ chức các CLB như khoa học, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc… và GV bộ môn trong trường hoàn toàn có thể hướng dẫn HS. "Nếu thu phí sao không trả thêm cho những GV này mà phải nhờ đến người bên ngoài?" - chuyên gia này băn khoăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu cũng như nhận thức xã hội về loại hình di sản đặc biệt này.
  • Phường Sơn Tây (mới) ngày đầu thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp: Vì Nhân dân phục vụ
    Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, phường Sơn Tây (thị xã Sơn Tây cũ - thành phố Hà Nội) thực hiện hoạt động chính quyền 2 cấp. Từ đầu giờ sáng nay, 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức Phục vụ hành chính công phường Sơn Tây đã có mặt đầy đủ, đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Cửa Nam: Không để đứt gãy công việc khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
    Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 1/7, HĐND phường Cửa Nam (Thành phố Hà Nội) khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định công tác nhân sự và thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đây là kỳ họp đặc biệt của phường Cửa Nam để hoàn thiện tổ chức bộ máy, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu lực, hiệu quả góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
  • Ngày đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp tại phường Ba Đình diễn ra thông suốt
    Sáng 1/7, 126 xã, phường trên địa bàn Thành phố Hà Nội chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được đánh giá diễn ra thuận lợi, người dân đánh giá cao tinh thần phục vụ chu đáo của đội ngũ cán bộ, công chức.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Phú Thượng: Nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân
    Sáng 1/7, HĐND phường Phú Thượng (Hà Nội) khóa I tổ chức kỳ họp thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021-2026, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đừng bỏ lỡ
Học kỹ năng sống: Bắt buộc hay tự nguyện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO