Học kỹ năng sống: Bắt buộc hay tự nguyện?
Tin tức - Ngày đăng : 22:46, 01/11/2017
Giật mình vì học phí
Chị H. Hương, một phụ huynh HS Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TP HCM), cho hay trường yêu cầu đóng 20.000 đồng/tiết học KNS, 1 tháng học 2 tiết. Việc dạy này do một trung tâm hợp đồng với trường đảm nhận.
Một tiết sinh hoạt ngoại khóa của học sinh TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
"Trước đây, mỗi tháng con tôi chỉ đóng 7.000 đồng, không hiểu sao nay mức phí tăng lên. Chương trình cụ thể thế nào phụ huynh cũng không được biết" - chị Hương băn khoăn.
Nhiều phụ huynh HS bậc tiểu học Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn cũng giật mình khi học phí tháng 10-2017 bỗng dưng tăng lên chóng mặt. Theo đó, mỗi HS phải đóng 450.000 đồng để học KNS. Nhà trường thông báo sẽ thu thêm 450.000 đồng nữa vào tháng 12. Tổng cộng, số tiền phải đóng cho hoạt động KNS là 900.000 đồng/năm. Nhiều phụ huynh băn khoăn: "Mức thu này căn cứ vào đâu, chương trình học cụ thể thế nào, có phải hình thức là phân chia thành tiết học và thuê mướn người dạy hay không?...".
Ông Phạm Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn, cho rằng dạy KNS cho HS là hoạt động cần thiết; nhà trường thu phí theo tháng, không theo năm. Về lý do phải hợp đồng với trung tâm ở ngoài, ông Nam cho hay không phải giáo viên (GV) nào cũng có kỹ năng, thời gian để dạy các hoạt động này. Vì thế, nhà trường chủ trương hợp đồng với bên ngoài bởi như thế hợp lý hơn.
35 đơn vị được phép dạy ngoài giờ chính khóa
Theo số liệu từ Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, tính đến cuối tháng 8-2017, TP có 35 đơn vị được cấp phép hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Thế nhưng, theo phản ánh của hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3, khi các đơn vị đến chào hàng, trường nhìn vào mục tiêu và chương trình đào tạo thì thấy chủ yếu vẫn nặng về phát triển kiến thức, sách vở. Có trung tâm còn chào hàng chương trình luyện viết chữ đẹp cho HS…
Chưa kể, các chương trình KNS hiện nay thực chất là hình thức gián tiếp đưa những chương trình đào tạo trôi nổi ở các trung tâm vào nhà trường, như: toán thông minh, các khóa học kích thích giác quan, phản xạ linh hoạt… Những chương trình này chưa có một thước đo nào đánh giá hiệu quả.
Từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua, với hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học, có thể hiểu nôm na KNS được quy định là hoạt động giáo dục bắt buộc. Nhiều trường học đã đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm này cho HS dưới nhiều hình thức. Trường nào không thuê trung tâm về dạy thì tổ chức cho HS học ngoại khóa với các tiết học ngoài nhà trường.
"Cấm hành vi ép buộc"
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết giảng dạy KNS cho HS là chủ trương của sở, yêu cầu các trường phải thực hiện. Theo ông Hoàng, KNS muôn hình muôn vẻ, như dạy về kỹ năng thoát hiểm khi không may cháy nổ; gấp chăn mền, quần áo; đi đường theo hướng tay phải… KNS có thể dạy mọi lúc mọi nơi, tùy vào điều kiện của mỗi trường.
Ông Hoàng cho rằng chủ trương của Sở GD-ĐT TP HCM là linh hoạt, đa dạng các hình thức giảng dạy. Với trường dạy 1 buổi thì có thể tổ chức lồng ghép trong tiết sinh hoạt dưới cờ, còn trường dạy 2 buổi thì tổ chức ở chương trình buổi 2. Khi tổ chức thì lựa chọn danh sách những trung tâm đã được sở thẩm định, cho phép; còn mức thu thì thỏa thuận với phụ huynh. "Quan điểm của sở là nghiêm cấm các hành vi ép buộc phụ huynh tham gia" - ông Hoàng khẳng định.
Cần thiết nhưng tránh hình thức
Nhiều ý kiến cho rằng tăng cường hoạt động trải nghiệm là việc cần thiết nhưng cách làm hiện nay còn quá máy móc và hình thức.
Theo một chuyên gia về giáo dục phổ thông, hoạt động này không nhất thiết phải quy định hẳn thành tiết học, không nhất định phải là "chuyên gia" mới dạy được. Đơn cử, nhiều trường đã tổ chức các CLB như khoa học, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc… và GV bộ môn trong trường hoàn toàn có thể hướng dẫn HS. "Nếu thu phí sao không trả thêm cho những GV này mà phải nhờ đến người bên ngoài?" - chuyên gia này băn khoăn.