Hoàng thành Thăng Long thu hút hơn 50 nghìn lượt du khách vào đầu Xuân Giáp Thìn
Tính đến ngày mồng 4 Tết (ngày 13-2), lượng khách đến tham quan Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đạt hơn 50.000 lượt khách.
Để phục vụ người dân và du khách vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội bắt đầu mở rộng cửa đón khách tham quan từ ngày mùng 2 Tết với nhiều hoạt động hấp dẫn, tái hiện các không gian di sản văn hóa phi vật thể.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình trưng bày Tết Việt chào xuân Giáp Thìn 2024 với nhiều hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống độc đáo kéo dài từ ngày 2/2 (23 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 18-2 (mùng 9 Tết Giáp Thìn) với ý nghĩa "tống cựu, nghênh tân". Chương trình gồm một chuỗi các nghi lễ như: Lễ ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, thướng tiêu, lễ khai Xuân, khai ấn...
Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống ở Hoàng thành Thăng Long tái hiện không gian sinh hoạt ngày Tết của một gia đình thị dân ở kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh Tết, câu đối Tết, đốt pháo tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, thú chơi hoa tết... Không gian trưng bày tết cung đình giới thiệu tới người dân và du khách lễ Chính đán thời Lê Trung Hưng. Theo truyền thống xưa, lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một với nghi thức đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên.
Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trình chiếu phim 3D "Lễ Chính đán thời Lê". Bộ phim mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ, tái hiện không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước Biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá vua sang điện Kính Thiên; lễ tuyên biểu mục...
Lượng khách đến với Hoàng thành Thăng Long dịp Tết năm nay cũng tăng cao với việc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty Cổ phần Ðồng Xuân khai trương dịch vụ “Du lịch Hà Nội bằng xe ô tô điện” ngay trước những ngày Tết Giáp Thìn.
Dịch vụ này đã giúp kết nối và đưa du khách khám phá những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội theo lộ trình tham quan tuyến Hồ Hoàn Kiếm - khu phố cổ Hà Nội và Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Tính từ mồng 1 Tết (ngày 10-2) đến mồng 4 Tết (ngày 13-2), lượng khách đến tham quan Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đạt hơn 50.000 lượt khách.
Ngoài ra, trong dịp tết cổ truyền này những di tích là điểm đến nổi tiếng của Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, Thăng Long tứ trấn, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm... thu hút đông đảo khách đến chiêm bái, lễ Phật, thánh và trải nghiệm không khí đón xuân ngày đầu năm mới./.