Mỹ thuật

Họa sĩ Trần Phúc Duyên: Sơn mài thấm đẫm hồn quê

Hoàng Hà 08:42 20/03/2025

Khác với các nghệ sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng thời di cư sang châu Âu, duy nhất họa sĩ Trần Phúc Duyên chọn sơn mài là chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác thấm nhuần tâm hồn Việt. 70 năm tuổi đời, 50 năm ông dành trọn tình yêu cho nghệ thuật sơn mài, với niềm đau đáu cùng khát khao nâng tầm chất liệu hội họa độc đáo này.

Một ngôn ngữ hội họa sơn mài khác biệt

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh năm 1923, tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trung học, ông chọn học Khoa Sơn mài của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có lẽ một phần vì bộ môn này gần với công việc kinh doanh xưởng gỗ của gia đình, một phần vì nghệ thuật sơn mài lúc bấy giờ ở Việt Nam đã phát triển đến độ cực thịnh.

2.-tac-pham-triu-men-1960-.jpg
Tác phẩm “Trìu mến” (1960) của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San

Thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tranh của Trần Phúc Duyên sáng tác thời kỳ này mang đậm phong cách sơn mài truyền thống với các gam màu đen, đỏ, vàng, cánh gián, với chủ đề quen thuộc như thiếu nữ tân thời, phong cảnh các vùng miền Việt Nam, thiên nhiên… Theo thông tin được ghi chép trong cuốn sổ tay của ông, giai đoạn 1950 - 1954, ông sáng tác trên 200 tác phẩm sơn mài, trong đó nhiều tác phẩm đã được đặt hàng và chọn làm quà tặng ngoại giao.

Ngoài sơn mài, ông cũng thuần thục trong kỹ thuật sơn dầu, lụa và in khắc gỗ. Một trong những tác phẩm sơn dầu khổ lớn và hiếm của ông là “Chân dung thiếu nữ ngồi ghế” (1952) vẽ bà Nguyễn Thị Bính - phu nhân của ông Hoàng Xuân Hãn, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

1.-trung-bay-_hoa-duyen-tuong-ngo_.jpg
Thưởng lãm các tác phẩm trong trưng bày “Họa duyên tương ngộ”. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.

Tuy nhiên, sơn mài vẫn là niềm đam mê ngay cả khi ông sống xa xứ sở của sơn ta. Sau khi sang Pháp năm 1954, khó khăn về nguyên vật liệu đã thúc đẩy ông nghiên cứu, tìm tòi, và thử nghiệm với những chất màu và kỹ thuật mới, từ loại gỗ làm vóc tới chất kết dính, dung môi và chất màu. Ông vẫn sử dụng sơn ta nhưng đồng thời học và dùng thêm các chất liệu sơn bóng của châu Âu.

Tiếp cận với các tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết ông chưa từng thấy bảng màu sơn vàng, xám, ghi như vậy. Ban đầu, ông nghĩ rằng đó là bụi mờ do thời gian phủ lên. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ hơn, ông nhận thấy bảng màu của họa sĩ Trần Phúc Duyên rất đặc biệt. Trong khóa học cuối cùng tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, sơn mài đã được hoàn thiện về bảng màu. Khi sang châu Âu, Trần Phúc Duyên đã kết hợp kỹ thuật và cảm quan nghệ thuật của cả phương Đông và phương Tây, tạo ra ngôn ngữ hội họa sơn mài độc đáo với bảng màu riêng biệt.
Sinh thời, họa sĩ Trần Phúc Duyên từng chia sẻ: “Tôi muốn nâng tầm nghệ thuật sơn mài lên cùng đẳng cấp với sơn dầu”, “kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây”. Trong các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương sang nước ngoài sinh sống, chỉ có Trần Phúc Duyên vẽ tranh sơn mài. Gần 40 năm sống ở châu Âu, họa sĩ đã vẽ hàng trăm bức sơn mài, có tới 20 triển lãm cá nhân ở Thụy Sĩ, Pháp và Canada…

Ký ức sâu đậm về quê hương

Dù sống tại châu Âu, tiếp thu văn hóa và nghệ thuật phương Tây, các chủ đề về quê hương Việt Nam vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Trần Phúc Duyên. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Quốc Đạt, ngoại trừ khoảng trên dưới 20 bức tranh sơn mài vẽ phong cảnh Thụy Sĩ, Pháp và Bắc Âu, toàn bộ tranh phong cảnh, tĩnh vật và hình tượng con người của ông đều vẽ về Việt Nam.
Mảng đề tài ông yêu thích và thành công nhất là tranh phong cảnh, với các chủ đề phong cảnh đồng bằng sông Hồng, lấy cảm hứng từ các làng xóm ở Hà Tây và ngoại thành Hà Nội, phong cảnh vùng trung du miền núi phía Bắc, cảnh vịnh Hạ Long mơ mộng... Cũng như tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu - những họa sĩ Việt Nam sống tại châu Âu chung thủy với đề tài Việt Nam, tranh phong cảnh của Trần Phúc Duyên được vẽ từ những hồi tưởng, ký ức sâu đậm về quê hương.

3.-tac-pham-mua-gat-1965-.jpg
Tác phẩm “Mùa gặt” (1965) của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San

Sang những năm 1970, các chi tiết trong tranh của ông dần được giản lược, số lượng màu cũng giảm thiểu, các tương phản mạnh đã nhường chỗ cho một hòa sắc thống nhất, đồng điệu và gần như đơn sắc. Sau đó, ông quay hẳn về với ngôn ngữ nghệ thuật Á Đông: truyền thống hội họa thủy mặc và thiền họa của Trung Hoa và Nhật Bản…

Giám tuyển Ace Lê đã nhận định: “Trần Phúc Duyên là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sỹ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây”.

Nhìn lại các tác phẩm của ông, có thể nhận ra 3 lối tranh rõ rệt: phong cách Đông Dương, chủ yếu là tranh phong cảnh và sinh hoạt đặc trưng của văn hóa Việt Nam; càng về sau thì thiên về tranh thiền họa có biểu tượng, cuối cùng là tranh trừu tượng tối giản thuần túy. Theo nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng: “Họa sĩ thì thiền bằng chính hội họa của mình. Nếu chỉ theo đuổi lối hội họa sơn mài phong cảnh thì phong cách Trần Phúc Duyên cũng chỉ dừng lại ở những điểm chung của dòng tranh Đông Dương. Nhưng ông đã rẽ sang hướng khác, không phải vì muốn khác biệt hay hay hơn, mà vì toàn bộ những gì ông trải qua, cuộc sống thực tại của chính ông đưa ông đến trừu tượng và thiền họa…”.

Đánh thức kho di sản hội họa

Do hoàn cảnh lịch sử, toàn bộ thời gian sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên sau này chủ yếu ở Pháp và Thụy Sĩ nên trong một thời gian dài, ít người Việt Nam biết về hội họa của ông. Sau khi ông qua đời năm 1993, toàn bộ tranh sơn mài, phác thảo, tài liệu, giấy tờ, sổ sách ghi chép được đóng thùng và lưu tại kho trên tầng tháp một tòa lâu đài ở ngoại ô Bern, Thụy Sĩ, nơi ông sống và làm việc từ năm 1968. Trong 20 năm, kho báu này ngủ quên trong tĩnh lặng.

Khi tìm hiểu về mỹ thuật Đông Dương, hai nhà sưu tập, nghiên cứu độc lập về mỹ thuật Việt Nam là Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh đã tình cờ biết đến bộ sưu tập của họa sĩ và xin phép gia đình ông mua lại toàn bộ bộ sưu tập và lưu trữ vì không muốn kho di sản này sẽ bị chia nhỏ, xé lẻ thành nhiều phần khác nhau.

4.-tac-pham-hoai-co-1977-.jpg
Tác phẩm “Hoài cổ” (1977) của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quang San

Tiếp nhận bộ sưu tập, hai nhà sưu tập đã lên kế hoạch chi tiết để chuẩn bị cho việc hồi hương và giới thiệu di sản nghệ thuật này với công chúng Việt Nam. Họ đã làm việc với các chuyên gia tại Pháp, Hà Lan và Việt Nam để chăm sóc, bảo dưỡng và phục chế một số tác phẩm bị ảnh hưởng do điều kiện bảo quản trong hơn 20 năm lưu kho. Ngoài ra, họ cũng qua Pháp và Thụy Sĩ nhiều lần để gặp gỡ và phỏng vấn gia đình, bạn bè của họa sĩ Trần Phúc Duyên để hiểu thêm về cuộc sống và con người của ông.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên, năm 2023, triển lãm “Họa duyên tương ngộ” đã được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ trên 100 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, trải dọc và tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông từ lúc còn là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (1942 - 1946), khi mở xưởng sơn mài tại Hà Nội (1946 - 1954) cho đến lúc di cư sang Pháp (1954 - 1968) rồi Thụy Sĩ (1968 - 1993). Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, cuốn sách “DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa” vừa được ra mắt độc giả, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và các tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

“Có thể thấy, dù sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, nhưng toàn bộ niềm đam mê và tình yêu quê hương của họa sĩ Trần Phúc Duyên được thể hiện hết trong các tác phẩm. Cũng chính vì vậy, chúng tôi muốn giới thiệu ông đến công chúng yêu nghệ thuật. Chúng tôi vẫn còn những dự định để đưa di sản của ông tới đông đảo công chúng Việt Nam, đặc biệt là mong muốn đưa những tác phẩm của ông về Hà Nội, cái nôi của mỹ thuật Đông Dương”, nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt chia sẻ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt và Cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt
    Ngày 29/3, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ Phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt và Cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2025.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks sắp có thêm 2 tác phẩm mới
    Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) vừa ký kết hợp đồng xuất bản sách với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng về việc xuất bản 2 tác phẩm “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”. Sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2025. Ngoài ấn bản tiếng Việt, sách cũng sẽ được dịch sang tiếng Trung nhằm quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
  • Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025
    Tối 29/3 (tức mùng 1/3 năm Ất Tỵ), tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 đã long trọng khai mạc sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025.
  • Đầu tháng 4 sẽ diễn ra lễ hội Then Kin Pang 2025
    Lễ hội Then Kin Pang 2025 được tỉnh Lai Châu tổ chức với quy mô cấp tỉnh, nhằm tôn vinh tín ngưỡng Then và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội còn góp phần kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với Lai Châu.
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Trần Phúc Duyên: Sơn mài thấm đẫm hồn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO