Họa sĩ Lưu Yên Thế: "Trong lúc vẽ, tôi quên mình đang là một bệnh nhân"

Đặng Thủy| 18/05/2020 12:00

Trong số 16 tác phẩm xuất sắc được trao giải cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phát động, họa sĩ Lưu Yên Thế (Hà Nội) vinh dự có 2 tác phẩm được trao giải Ba. Điều đáng nói là cả hai tác phẩm này đều được họa sĩ hoàn thành khi ông đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư.

Họa sĩ Lưu Yên Thế: “Trong lúc vẽ, tôi quên mình đang là một bệnh nhân”
Tác phẩm “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” và “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” của họa sĩ Lưu Yên Thế được trao giải Ba cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Lưu Yên Thế: “Trong lúc vẽ, tôi quên mình đang là một bệnh nhân”
Trưởng thành từ ngành văn hóa thông tin

Họa sĩ Lưu Yên Thế sinh năm 1947 tại xã Liên Hợp (nay là xã Đồng Tháp) huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Những bài tập thủ công hay trang trí báo tường ở lớp, ở trường của Lưu Yên Thế luôn khiến các thầy cô và bạn bè ngạc nhiên, thích thú. Ước mơ mai sau trở thành họa sĩ của cậu học trò Lưu Yên Thế cũng đã thành hiện thực khi ông trở thành cán bộ của ngành văn hóa thông tin Hà Tây.

“Năm 1967, tôi được phân công công tác tại Phòng Văn hóa thông tin huyện Đan Phượng. Ba năm sau (năm 1970) tôi được điều về công tác tại Ty Văn hóa thông tin Hà Tây (sau là Sở Văn hóa thông tin Hà Tây) và gắn bó ở đó cho tới tận khi về hưu (năm 2007)” - họa sĩ Lưu Yên Thế nhớ lại. Gắn bó trọn vẹn với ngành văn hóa thông tin kể từ khi bắt đầu đi công tác cho đến lúc về hưu, chiếc nôi văn hóa thông tin cơ sở chính là mảnh đất màu mỡ để họa sĩ Lưu Yên Thế trưởng thành và phát huy khả năng nghệ thuật.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi cả nước đang trong công cuộc xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước, công việc thông tin tuyên truyền đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết đòi hỏi cán bộ của ngành văn hóa thông tin phải thực sự sâu sát, năng nổ, nhiệt huyết. Là một cán bộ trẻ, Lưu Yên Thế thường xuyên xuống các cơ sở trên địa bàn của Hà Tây lúc để vẽ tranh, khi là hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở... Để có những bức vẽ trực quan sinh động đáp ứng yêu cầu cổ động tuyên truyền, hàng ngày Lưu Yên Thế miệt mài sáng tác rồi tự phóng tranh lên tường, lên pano để treo ở những nơi đông người hoặc dọc đường quốc lộ. 

Họa sĩ Lưu Yên Thế: “Trong lúc vẽ, tôi quên mình đang là một bệnh nhân”
Dù tuổi cao, sức yếu họa sĩ Lưu Yên Thế vẫn say mê vẽ tranh cổ động.

Họa sĩ Lưu Yên Thế nhớ lại: “Hà Tây xưa được ví von là xứ sở tranh cổ động của cả nước. Lực lượng sáng tác tranh cổ động của Hà Tây khi ấy cũng rất đông đảo với các họa sĩ Nguyễn Chi, Xuân Trửu, Mậu Hoa, Đàm Luyện, Bun Thìn… Ngày đó phương tiện thông tin ít nên tranh cổ động tuyên truyền có tác động rất lớn và được người dân hồ hởi đón nhận. Có bức tranh tuyên truyền dài tới vài chục mét, khi chúng tôi treo bên đường, người dân còn xúm lại đứng xem. Đây cũng là động lực để chúng tôi say mê, sáng tạo hơn”.

Cho đến bây giờ, những năm tháng chập chững vào nghề đã trở thành những ký ức không quên đối với họa sĩ Lưu Yên Thế. Ông bảo, thời điểm ấy có ảnh hưởng rất lớn sự nghiệp cầm cọ của ông, đặc biệt là sáng tác tranh cổ động. “Những tác phẩm đầu tay của tôi là những tranh trong thời kỳ này, tuy nhiên do điều kiện chiến tranh, thay đổi chỗ ở liên tục nên các tranh sáng tác thời kỳ này không còn lưu giữ được” – họa sĩ Lưu Yên Thế chia sẻ.

Vẽ về Bác - những ký ức mãi không quên

73 tuổi đời, 50 năm cầm cọ, cho đến nay họa sĩ Lưu Yên Thế đã sáng tác hàng trăm tác phẩm về tất cả các đề tài trong xã hội, nhưng chủ yếu là về các ngày kỷ niệm lớn trong nước. Những kỷ niệm về sự nghiệp hội họa trong cuộc sống có rất nhiều, nhưng có một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được đó là việc vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để chào mừng Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Họa sĩ Lưu Yên Thế kể: “Lần đó tôi và một số họa sĩ được giao vẽ cụm tranh lớn tại vườn hoa thị xã Hà Đông. Tôi được giao vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ lớn (6m x 4m) nhiệm vụ của tôi là phải vẽ xong ngay trong đêm 30/4 để sáng hôm sau tổ chức kỷ niệm mừng chiến thắng. Bình thường để vẽ bức tranh này một họa sĩ phải làm việc trong 5 ngày. Đêm hôm đó, tôi đã thức trắng đêm để hoàn thành bức tranh. Sáng sớm hôm sau, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên trước vườn hoa Hà Đông. Hàng trăm người dân đang tập trung trước bức chân dung của Bác hô vang khẩu hiệu chào mừng ngày chiến thắng. Tuy toàn thân mệt mỏi rã rời nhưng tôi rất vui trước một không khí hân hoan chào mừng giải phóng miền Nam của mọi người.

Theo họa sĩ Yên Thế, đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài phong phú, đa dạng nhưng cũng là một đề tài khó thể hiện nhất trong các đề tài. Bởi lẽ Bác Hồ là một người vĩ đại, được nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới tôn trọng. Nhiều tác phẩm của các họa sĩ trong nước và quốc tế đã thể hiện về Bác rất thành công, ghi được dấu ấn. Vì vậy trong các tác phẩm vẽ về Bác, họa sĩ không có tham vọng thể hiện sự vĩ đại của Người, mà chỉ mong nêu được những gì giản dị, gần gũi của Bác với mọi người. Xem một số tác phẩm sáng tác về đề tài Bác Hồ của họa sĩ Lưu Yên Thế như: “Vâng lời Bác dạy”, “Cháu gắng chăm ngoan”, “Công an là bạn dân”, “Vì nhân dân quên mình”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”; “Tên người là cả một niềm thơ”… hay mới đây nhất là 2 tác phẩm “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” và “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” ông sáng tác để tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) càng thấy rõ điều đó.

Không buông tay cọ

Chuyên tâm với tranh cổ động, họa sĩ Lưu Yên Thế ý thức rất rõ vai trò của tranh cổ động trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền. Theo họa sĩ, dẫu tranh cổ động cũng có những thăng trầm nhưng về cơ bản hình thức tuyên truyền trực quan sinh động này đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác của người xem, phát huy tác dụng đáng kể trong hoạt động tuyên truyền. Ông cũng hiểu rõ những thách thức đối với họa sĩ vẽ tranh cổ động bởi để có một bức tranh cổ động tốt, rõ ràng về nội dung, hấp dẫn về hình thức thì đòi hỏi người họa sĩ phải nghiên cứu kĩ đề tài và tìm cách thể hiện một cách khái quát sao cho cô đọng, dễ hiểu. Đã có những đề tài, họa sĩ Lưu Yên Thế từng trăn trở đến cả vài ba ngày mà chưa tìm ra ý tưởng, đã có những tác phẩm ông hoàn thiện rồi mà chưa ưng ý, đành bỏ đi để vẽ lại từ đầu… Nhưng có những bức tranh ý tưởng ùa đến rất nhanh và ông không mất nhiều thời gian để thể hiện.

Nửa thế kỷ cầm cọ, họa sĩ Lưu Yên Thế chẳng nhớ hết ông đã có bao nhiêu tác phẩm, chỉ biết những đứa con của mình cứ ngày một nhiều thêm. Không ít những tác phẩm của ông cũng đã giành được những giải thưởng cao trong các cuộc thi như: Giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2014); giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động Người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân vì dân phục vụ” (năm 2018); giải Nhì cuộc thi vẽ tranh cổ động nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đảng (năm 2020), giải Nhì cuộc thi vẽ tranh cổ động toàn quốc kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 2020)… Nhiều tranh của ông đã được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Với họa sĩ Lưu Yên Thế việc vẽ tranh cổ động đã trở thành công việc thường nhật, và ông luôn tâm niệm sẽ gắn bó suốt cuộc đời. Cho nên, dù tuổi cao lại đang mang trọng bệnh ông vẫn không buông tay cọ. Năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện lớn, đòi hỏi cần có nhiều tranh cổ động để tuyên truyền cổ vũ toàn dân. Là một họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động, ngoài sự đam mê, ông nhận thức mình cũng phải có trách nghiệm với cộng đồng. Vì vậy mà ông liên tục góp mặt trong các cuộc thi vẽ tranh cổ động và đều có những tác phẩm chất lượng được giải thưởng, được đánh giá cao. Tham gia cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phát động, ông có 2 tác phẩm “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19” và “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng chống dịch Covid-19” đã được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn để in ấn, phổ biến trên toàn quốc, nhằm tiếp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh của cả cộng đồng.

“Mỗi khi sáng tác tôi đều đem hết tâm trí, sức lực để hoàn thành tốt tác phẩm. Trong lúc vẽ, tôi quên mình đang là một bệnh nhân. Chỉ khi hoàn thành tác phẩm lúc đó mới biết mình đang điều trị bệnh” - họa sĩ Lưu Yên Thế bộc bạch.

Hỏi ông có mong muốn dự định gì trong thời gian tới, ông cười hiền hậu: “Tôi chỉ mong muốn duy trì được sức khỏe lâu dài, để tiếp tục sáng tác tranh cổ động phục vụ cho xã hội”. Chúc cho mong ước của ông sẽ thành hiện thực để những bức tranh cổ động của ông lại tiếp tục trình làng công chúng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
  • Chuyện chưa biết về cây Thị hơn 300 năm tuổi ở Cố đô Huế
    Cây thị 324 năm tuổi gắn với lịch sử hình thành họ Thân Văn ở Thừa Thiên - Huế và đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, rất ít người biết đến do “cụ” thị được trồng trên triền bán sơn địa Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân, TP Huế).
  • Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa
    Thủ đô Hà Nội sẽ tăng cường nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố, trước mắt đến năm 2025 với các lĩnh vực: Điện ảnh, Thời trang, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Ẩm thực, Xuất bản, Kiến trúc…
Họa sĩ Lưu Yên Thế: "Trong lúc vẽ, tôi quên mình đang là một bệnh nhân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO