Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP; xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh; TPHCM cũng đang từng bước cụ thể hóa ý tưởng xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.
Ý tưởng hình thành khu đô thị sáng tạo do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khởi xướng.
Theo UBND TP, ý tưởng này được hậu thuẫn bởi nền tảng vững chắc về thể chế, lợi thế kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện hữu của chính TPHCM như Khu Công nghệ cao (quận 9), Khu đô thị Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2).
Đây là 3 trụ cột chính yếu của khu đô thị sáng tạo. Việc hình thành khu đô thị sáng tạo sẽ giúp kiến tạo nhiều ý tưởng, ứng dụng mới, thiết thực hơn.
Những sản phẩm của quá trình này được kỳ vọng sẽ được ứng dụng vào thực tế, giúp giải quyết nhanh và căn cơ hàng loạt vấn đề nóng mà TP đang gặp phải. Vì vậy, chính quyền TP kêu gọi sự chung sức của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp biến khu đô thị sáng tạo thành môi trường lý tưởng cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Khu công nghệ cao TPHCM nằm ở phía Đông TP. Ảnh: HOÀNG HÙNG Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, nhận thức đây là vấn đề mới nên ĐHQG TPHCM giao Khu Công nghệ phần mềm (ITP) thuộc ĐHQG nghiên cứu và thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này.
Qua đó xác định nền tảng lý thuyết, phương pháp tiếp cận, cũng như các trường hợp nghiên cứu điển hình (cả bài học thành công lẫn kinh nghiệm thất bại từ các đô thị khác trên thế giới).
Cùng với đó là việc tổng hợp các nghiên cứu về TP nói chung và sự phát triển của khu Đông TP nói riêng, nhằm xây dựng một mạng lưới nghiên cứu cả trong và ngoài nước.
Cũng theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp.
Thực tiễn từ các nước có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng khu đô thị sáng tạo có một bài học hay là cách huy động và tận dụng mọi nguồn lực của xã hội.
Ở nhiều TP, một “hội đồng đổi mới” hay một “ban chỉ đạo” được thành lập, bao gồm một nhóm nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng và thẩm quyền. Việc này hướng tới thúc đẩy các khu vực đổi mới, hay thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm.
Họ tạo ra nguyên tắc, những hướng dẫn để gắn kết các bên tham gia và đóng góp thế mạnh khác nhau vào quá trình xây dựng khu đô thị sáng tạo. Quan trọng hơn, thiết chế hội đồng/ban chỉ đạo hiệu quả đều thành công trong việc lồng ghép chuyên môn từ những chuyên ngành khác nhau và các nguồn lực từ mọi thành phần trong xã hội.
Các trường hợp thành công trên quốc tế cũng chỉ ra: Song song với việc khởi động một lộ trình chiến lược là sự cần thiết của những sáng kiến có thể thực hiện ngay trong ngắn hạn, hay các sáng kiến xuất phát từ cộng đồng.
Như Khu đô thị ĐHQG TPHCM đã triển khai sáng kiến xe đạp công cộng thông minh (E-bike) và xe điện năng lượng mặt trời làm phương tiện di chuyển nội bộ. Từ năm 2014, ĐHQG TPHCM còn thí điểm xây dựng một môi trường tổng thể (holistic): một hệ sinh thái khởi nghiệp tại ITP gắn chặt với hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.
“Các hoạt động thí điểm trên không chỉ hướng tới mục tiêu cụ thể của từng đơn vị như bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan khu đô thị đại học, mà quan trọng hơn, đây còn là tiền đề hình thành “văn hóa sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp” để có thể mở rộng ra các lĩnh vực khác hay khu vực lân cận”, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.