Hiên nhà tháng sáu

Tản văn của Bùi Việt Phương| 22/06/2022 11:25

Cha mẹ tôi đều là con út trong gia đình đông con. Cũng nhờ các bác giúp mà dựng được cái nhà tre vào tháng sáu giữa những ngày mưa xối xả. Tháng sáu xưa nay chẳng ai bày vẽ chuyện xây cất nhưng vì mấy gia đình anh em ở chung chật chội nên đành vậy.

Hiên nhà tháng sáu
 Nhà làm xong, nền nhà tôi còn nồng ngái đất đồi, thi thoảng tôi lại thấy trồi lên một cái mầm khoai lang trắng bệch. Ồ, vô duyên quá, sao chẳng nảy mầm vào lúc nào lại đúng lúc này nhỉ? Thương tình, chị gái tôi lấy nước tưới, mong nó lớn lên như bao cái mầm anh, mầm chị của nó. Nhưng mẹ tôi bảo cái mầm ấy nó đói ánh sáng chứ đâu có khát nước, mà mình thì lại cần bóng mát giữa cái miền gió Lào khô khốc này. Thế nên, chẳng thể chung sống với nhau lâu được.
Lớn lên tôi nhận ra, bóng mát là sự khởi đầu của tình nhà, của quê hương thật. Phải mất bao công cõng nước tưới rồi dựng lại sau mưa bão, mấy cái cây cha tôi trồng mới có thể đứng lom khom giữa đất đồi vàng ạch. Tôi đã bé, cây còn non nớt hơn. Thương tôi, mỗi trưa đi làm về, cha dựng một cái lều bằng lá chuối cho chị em tôi ngồi chơi trâu kết bằng lá mít, chọi cỏ gà, nhưng được non buổi chiều mái lều đã héo. Người và cây sao lại với gió và nắng. Sau này đi nhiều, biết nhiều có lúc tôi vu vơ nghĩ, âu cũng như các vương triều từng hưng phế ở đất này. Những buổi chiều hè khép lại như thế.
Như một phép màu kì diệu, sau khi đã bỏ ra biết bao ngày vắt mồ hôi tưới trên đất, cha mẹ tôi gày như những thân cây mọc cằn cỗi trên đồi, bỗng một ngày họ sắm được một bộ khung nhà gỗ kiên cố. Cái nền đất cũng được phủ lên một lớp gạch đỏ chắc chắn. Có nhà gỗ, mái ngói thì cây mít trước nhà cũng như hồ hởi lớn nhanh mà tỏa bóng. Ngày đó, như thế đã được coi là khang trang lắm rồi. Không biết từ nơi đâu hay tin, cả đàn sẻ nâu cũng tìm đến ríu rít dưới mái hiên rồi ngắm nghía tìm chỗ làm tổ nhưng nghe chừng hơi khó. Chị tôi đem khăn ra thêu, những bông hoa trong khung thêu chầm chậm nở. Tôi nhận ra chị thêu nhiều mà chẳng để làm gì. Chị hay nhìn xa xăm, hình như năm ấy, có người lên tàu, vào Nam tìm kiếm cơ hội đổi đời. Đất nước đang trong giai đoạn đổi mới, nhà nhà đang cố gắng nâng cao mức sống, người người cầm lòng tha hương…
Một mùa hạ, khi khắp nơi người ta tìm vàng dưới đất, tìm gỗ trên đồi, nước suối đổ về làm lở lói cả những thớ đá tưởng sẽ mãi bền chặt keo sơn. Đá trên núi như người mất điểm tựa trượt chân, lở những tảng to lăn về làm sập cả những ngôi nhà sàn kiên cố dưới bản. Chẳng biết có phải nhân cơ hội đó mà toán thợ dưới xuôi tìm lên nổ mìn phá đá để bán. Chỉ biết rằng, một chiều tôi đi học về, thấy bà cụ từ đầu xóm đã hô hoán, dúi đầu tôi xuống phía sau mô đất. Một tiếng nổ lớn vang lên, những hòn đá như trái cam, trái ổi bay tung tóe khắp nơi. Tôi trở về, mái hiên nhà tôi lúc này lỗ chỗ nắng chiều bởi những lỗ thủng. Sự bình yên bắt đầu không còn nữa. Bóng bát đã bị “chọc thủng” bởi muôn vàn tia nắng chiều như những mũi tên đâm xuyên. 
Rồi điều gì đang lo nhất cũng xảy đến. Trong một lần nổ mìn phá đá như thế, một anh thanh niên trong xóm tôi đã không kiềm chế được đánh trọng thương một người thợ đá. Khi mọi việc được làm rõ, anh phải đi cải tạo mấy năm. Người mẹ già còm cõi lang thang dưới nắng nôi, ngồi hết gốc cây này đến gốc cây khác như muốn tìm cái bóng con mình ngày thơ bé. Trông bà già đi rất nhanh sau từng đêm. Tôi ngồi dưới mái hiên đã vá víu, nhìn bà vừa thấy thương vừa thấy cuộc đời mình vẫn còn may mắn lắm. Rồi mọi chuyện cũng qua, mọi sự được hàn gắn lại, gia đình anh lại đoàn tụ.
Mỗi mùa hạ, mẹ tôi lại chờ đến tháng sáu để xem cây mít, cây nhãn, cây vải… đền đáp người trồng như thế nào. Người già và cây cối như những người bạn nghe được tiếng, hiểu được lòng nhau. Nhiều khi tôi cảm nhận được một cuộc tâm giao như thế. Những cái cây cũng như tôi lớn lên, chiếm lĩnh một khoảng trời. Bóng mát của chúng được nối dài, lan rộng ra khắp mảnh đất này. Giờ đã có bao “mái hiên” xanh mướt, líu lo tiếng chim hót giữa trưa hè. Tôi nhận ra, chẳng có gì tự nhiên đến, tự nhiên đi, như trái ngọt được chưng cất từ vị mồ hôi mặn chát. Có mái hiên hôm nay con cháu sum vầy mỗi bận nghỉ hè là bởi cha mẹ tôi phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, đánh đổi bằng bàn tay chai sần, những vết sẹo, bằng những âu lo bám riết đời người. 
Mái hiên nhà tôi đến một ngày tháng sáu lại vắng vẻ vô cùng. Bố mẹ tôi đã già, mấy anh em tôi đều lập nghiệp ở xa, thi thoảng mới có dịp trở về vội vã, biếu bố mẹ ít tiền, đáo qua họ hàng, bạn bè rồi lại vội vã đi. Bố mẹ tôi thì ngóng những đứa trẻ. Họ mong nó nghịch ngợm, ồn ã để phá vỡ đi sự tĩnh lặng của gia đình có những đứa con đã lớn, của khu vườn cây đã trưởng thành đầy ắp bóng mát. Tôi nói với vợ tôi, đứa trẻ nào cũng cần một hiên nhà, một bóng mát như thế để lớn lên. Dù ít có thời gian nhưng hễ có cơ hội, chúng tôi lại đem con cái về cho chúng được nô đùa dưới mái hiên và trong khu vườn đầy ắp kỉ niệm ấy. Chúng đang “diễn” lại những gì đã từng thuộc về tuổi thơ của chị em tôi ngày xa xưa. 
Hiên nhà rợp mát như đời tôi còn đó bình yên để đối mặt với những bon chen và âu lo giữa cuộc đời mưu sinh đầy sóng gió này. 
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hiên nhà tháng sáu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO