Bế tắc đòi quyền lợi
Kiện hàng điện tử mà Công ty CP Máy quay phim Phước thuê Công ty TNT vận chuyển có giá trị bán lẻ tại thị trường Việt Nam là hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty TNT giao đến Công ty CP Máy quay phim Phước một lô hàng là… một bàn phím máy vi tính, chứ không phải thiết bị điện tử như giao kết. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, phụ trách bộ phận nhập hàng ở Công ty CP Máy quay phim Phước, cho biết phía Công ty TNT phản hồi rằng lô hàng điện tử đã "đi lạc" sang Canada. Hiện Công ty TNT không thể thu hồi về Việt Nam. "Công ty vận chuyển bồi thường 4,9 triệu đồng, dù lô hàng có giá trị hơn 120 triệu đồng" - bà Vân bức xúc.
Lô hàng do Công ty TNT giao nhầm đến Công ty CP Máy quay phim Phước
Trước đó, TAND TP HCM đình chỉ một vụ kiện liên quan đến lô hàng của một doanh nghiệp Nhật Bản có hoạt động kinh doanh - sản xuất tại TP. Doanh nghiệp này thuê một đơn vị khác vận chuyển hàng điện tử giữa Việt Nam với Ấn Độ. Tuy nhiên, do rắc rối từ phía công ty vận chuyển nên một lô hàng điện tử "ách" ở Ấn Độ. Vì vậy, công ty Nhật Bản khởi kiện, yêu cầu đơn vị vận chuyển bồi thường. Sau khoảng 3 năm thụ lý đơn kiện, cơ quan xét xử đình chỉ vụ việc. Tòa án cho rằng cơ quan chức năng Ấn Độ mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Là nạn nhân nhưng 2 doanh nghiệp kể trên chưa biết kêu ai. Trong khi hàng hóa họ có quyền sở hữu vẫn trong tình trạng chưa rõ tung tích.
Xem xét khởi kiện
Đối với vụ việc chuyển nhầm hàng sang Canada, bà Mau Lệ Quỳnh, đại diện Công ty TNT, thừa nhận nhân viên dán nhầm vận đơn lô hàng này với một lô hàng cần chuyển sang Canada. Công ty không thể thu hồi hàng như khách hàng yêu cầu. Về vấn đề bồi thường, phía Công ty TNT miễn trừ toàn bộ phí vận chuyển là 1,7 triệu đồng. Ngoài ra, do khách hàng không sử dụng dịch vụ gia tăng trách nhiệm đền bù nên trách nhiệm đền bù của Công ty TNT được giới hạn giá trị thấp hơn khi so sánh giữa giá trị hàng kê khai hóa đơn và trọng lượng lô hàng bị mất. Do đó, tổng cộng số tiền Công ty TNT đền bù là 4,9 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, hãng vận chuyển khẳng định họ không thể thu hồi hàng đã chuyển nhầm địa chỉ là điều hết sức vô lý. Bởi vì, giấy tờ, chứng từ vận chuyển đều có đủ, không thất thoát; lỗi xuất phát từ nhân viên vận chuyển. Bà Vân khẳng định công ty bà đang cân nhắc về việc khởi kiện ra tòa nhằm đòi lại mức bồi thường tương xứng.
Bàn về những sự cố trong vận chuyển hàng hóa quốc tế, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) góp ý khi ký hợp đồng vận chuyển, khách hàng cần lưu tâm nhiều hơn đến những điều khoản liên quan đến bảo hiểm, bảo hành. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế không chỉ chịu chi phối từ luật pháp trong nước mà còn chịu ảnh hưởng bởi công ước quốc tế, pháp luật các quốc gia khác. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ mọi quy định pháp luật liên quan trong hợp đồng trước khi đặt bút ký giao kết. Luật sư lưu ý: "Trong hợp đồng nên đề cập rõ ràng đến tình huống một khi nảy sinh sự cố, tranh chấp, hai bên có quyền khởi kiện ra tòa hoặc liên hệ trung tâm trọng tài thương mại trong quá trình giải quyết tranh chấp, khắc phục thiệt hại. Theo luật, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể gõ cửa tòa án nếu muốn đòi quyền lợi chính đáng và hợp pháp".
Luật sư Trần Minh Hùng góp ý trong quá trình chọn lựa đối tác, cá nhân hay tổ chức sử dụng dịch vụ vận chuyển cần tìm hiểu quy mô, thâm niên hoạt động của hãng vận chuyển. Tức là khách hàng nên chọn uy tín trước giá thành đối với những vận đơn quốc tế có giá trị.