Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên đề cập: "Nhu cầu tổ chức, thưởng thức các cuộc thi sắc đẹp là tất yếu theo sự phát triển. Nhiệm vụ đặt ra là phải rà soát, thắt chặt để hạn chế các cuộc thi vớ vẩn, loạn danh hiệu lẫn thương hiệu...".
Loạn tên gọi lẫn thương hiệu
Ông Vương Duy Biên cho biết hiện nay các cuộc thi người đẹp, người mẫu đang rất sôi động. Bên cạnh những đóng góp về mặt tôn vinh cái đẹp, mặt trái của các hoạt động này là nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện vẫn diễn "chui", có doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa thi cử để trục lợi, tình trạng loạn cuộc thi đang gây bức xúc cho dư luận.
Ông Biên cho rằng nhiều cuộc thi nghe tên thậm chí không ai biết nhưng vẫn thông báo, đưa tin rầm rộ.
Các công ty đứng ra tổ chức chỉ nhằm mục đích kiếm tiền mà không mấy tập trung đến mục đích cao cả là tôn vinh cái đẹp. "Cái đó giờ không chỉ là loạn tên gọi nữa mà loạn cả thương hiệu" - ông Biên nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Biên, các công ty sở hữu các thương hiệu sắc đẹp có uy tín cũng cho rằng chính vì quá nhiều "thương hiệu sắc đẹp" nên vô hình trung hình ảnh các người đẹp, người mẫu cũng bị ảnh hưởng, các công ty có uy tín cũng bị mang tiếng.
Ông Trần Văn Thôi - phó trưởng Phòng quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Đà Nẵng) - cho biết hằng năm lượng hồ sơ gửi đến sở để xin giấy phép tổ chức sắc đẹp không ít.
Sau khi được chấp thuận, nhiều cuộc thi lại không diễn ra như dự kiến, công ty tổ chức đưa ra những lý do thiếu thuyết phục.
"Hoặc là họ không có tiền, hoặc là khúc mắc với nhà tài trợ và thậm chí cũng có tình trạng là không có thí sinh tham gia nên phải hủy diễn. Cứ làm như thế không chỉ công ty đó mất uy tín mà ảnh hưởng đến công tác quản lý của chúng tôi" - ông Thôi nói.
Thí sinh đoạt giải phải đóng góp cho cộng đồng
Các đơn vị cũng cho rằng hiện các danh hiệu sắc đẹp quốc tế cũng đang nhan nhản, các công ty và thí sinh lợi dụng để làm thương mại.
Trong số này không ít cuộc thi mà nghe qua chẳng ai biết. Người đoạt giải biết rõ giá trị giải nhưng cố tình dùng truyền thông để PR, lăngxê rầm rộ. Mục đích cuối cùng là có sô trong nước, đánh bóng mình để có tiền.
Ông Lê Minh Tuấn - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nhận định rằng một số cuộc thi được tổ chức khá dễ dãi. Thí sinh đoạt giải không thuyết phục được dư luận, chất lượng trí tuệ cũng như sự cống hiến đóng góp cho cộng đồng của những người này rất mờ nhạt.
Ông Tuấn cho rằng cần phải đầu tư về chất lượng thí sinh. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh thành cũng cần kiểm soát chặt chẽ các cuộc thi, đơn vị nào làm "lèm nhèm", thiếu trách nhiệm thì kiên quyết loại bỏ và cấm tổ chức trong một khoảng thời gian nhất định.
Việc quản lý không chỉ dừng lại ở công tác cấp phép mà theo ông Tuấn, cần có cơ chế quản lý ràng buộc trách nhiệm các công ty quản lý người đẹp, người đoạt giải, không phải có giải rồi muốn hoạt động thế nào cũng được, mà phải có đơn vị giám sát họ, phải đòi hỏi cá nhân đó làm đúng luật, không ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các cuộc thi. Quan trọng hơn là cá nhân đó phải đóng góp cho cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến là quản lý phải thuận theo cuộc sống. Ví dụ, quy định hiện hành bắt buộc thí sinh muốn tham dự cuộc thi sắc đẹp quốc tế thì phải có giải cao trong nước.
Nhiều đại biểu cho rằng điều này đã trói buộc và làm "đau khổ" nhiều thí sinh tiềm năng. "Tôi thấy quy định như vậy là cổ hủ" - nhà thiết kế Võ Việt Chung nói.
Đại diện Vụ Pháp chế và lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cho biết những ý kiến đóng góp sẽ được bộ tiếp thu để sắp tới trình Chính phủ sửa đổi nghị định 79 theo hướng hiệu quả, linh hoạt và chặt chẽ hơn.