Hàm Anh và “Màu tự nhiên”: Đẹp và cô đơn như một giọt sương!

Mai Văn Phấn| 29/03/2018 14:25

Nhà thơ Hàm Anh đã xuất bản hai tập thơ: “Màu tự nhiên” (Nxb Văn học, 2008) và “Gọi tháng ba” (Nxb Văn học, 2016). Cả hai tập thơ, theo cá nhân tôi, đều được kiến tạo bằng hình tượng và tinh thần của những giọt sương sớm, một cõi tinh sương. Màn sương trong “Màu tự nhiên” lúc rạng đông mát lành, dấp dính cả đêm tối với cảm xúc tươi ròng. Còn sương trong “Gọi tháng ba” trong veo chạm ánh mặt trời, nhưng đã tỉnh táo hơn, và có phần thưa mỏng.

Hàm Anh và “Màu tự nhiên”: Đẹp và cô đơn như một giọt sương!


Sương hay là sự im lặng...
                                            HA

Tôi yêu thích cõi tinh sương trong tập thơ đầu tay của Hàm Anh, bởi nó dẫn người đọc trở về tuổi thần tiên của chị, cũng chính là những tháng ngày thơ mộng nhất của mỗi con người. Con đường mà Hàm Anh đưa người đọc tới thuở dại khờ, dễ nhận thấy nhất có lẽ là bài thơ “Chim chích bông”. 

Ô, ngoài kia
một chú chim chích bông
sớm mùa thu
nhởn nhơ bên bụi hồng...

Có phải tôi
đã từng như trẻ nhỏ
chạy lao tới
và nhìn theo bóng nó? 

Ở đây, nhà thơ đã tạo dựng một hiện thực mơ hồ, kỳ ảo để bạn đọc nhìn thấy những ngày ấu thơ của chị. Điều kỳ lạ trong “Chim chích bông” là, những hình ảnh được nhà thơ cho hiển thị trong đó tưởng như đang sống động trong thì hiện tại, nhưng khi đọc xong bài thơ, chúng lại được đẩy lùi về phía sau một khoảng không - thời - gian. Sương sớm đem lại cho con người cảm giác tĩnh lặng, nhưng sương mù ban mai lại gây nên cảm giác cô đơn trong thanh tịnh mơ hồ.
và dâng ngập đất trời

Sương
hay là sự im lặng...
                  (Im lặng)

Với cảm nhận riêng tôi, khổ thơ trên mang đầy đủ diện mạo và phong cách thơ Hàm Anh: trong suốt, khó nhìn thấy đáy, hé lộ phần nào sự dữ dằn trong đó, ý và ngôn từ đều kiệm, được nén chặt. Chính “sự im lặng” xuất hiện thay cho màn sương phủ ngập kia đã làm tôi ngạt thở, như bị đè nặng.  

Thơ Hàm Anh giao thoa với đa dạng tình huống, nhưng đa phần xuất hiện trong không gian phủ sương. Bài thơ “Ngủ mưa” như kéo người đọc đến bên từng giọt sương sớm để chiêm ngắm sự trong veo, tinh khiết của nó.

“Màu tự nhiên” được tác giả cho hiển lộ với đa dạng hình tướng trong cõi tinh sương. Xa hơn chút nữa là mờ tỏ những hình ảnh bị sương phủ mờ, nhưng người đọc vẫn nghe rõ từng tín hiệu âm thanh của sự sống đang trỗi dậy từng giây phút.

Không ai chạm được vào chúng ta
vì chúng ta là sức rung của cánh chuồn mặt nước
một thoáng rùng mình khi chiếc lá lìa cây
mơ hồ lắm khi chồi non tách vỏ
khi bóng tối lan ra, khi ánh sáng rạng ngày
                                                   (Đồng điệu)

Thế giới thơ sương sớm của Hàm Anh mang gam màu trầm lặng, như cố tình giấu đi những chuyển dịch và tiết chế những âm thanh, cảm xúc... Có một vài tình huống hiếm hoi, bạn đọc được nhìn thấy một “lò than” trong “Màu tự nhiên” đang ngún cháy, rực lên, như nuốt vội, giật lấy những hạt sương bé nhỏ vô tình lơ lửng bay gần nó. Bài thơ “Màu tự nhiên” được xuất hiện trong trạng thái như vậy.

Em muốn nhìn thấy anh
thật rõ
hãy tắt đèn đi, hãy tắt nhạc đi,
hãy tắt cả bóng tối

Tôi cũng có câu thơ ở trạng thái tương tự, nhưng đi ngược với chuyển dịch của thi sĩ Hàm Anh. Trong bài thơ “Hình đám cỏ, nhịp VIII” tôi viết: “Em ở đâu thắp đèn lên cho anh nhìn thấy”. Nhưng câu thơ của tôi mới bật “dây cháy chậm”, còn khổ kết bài thơ của Hàm Anh đã chạm “điểm tử” phát nổ: 

Em cần một cái gì đó rỗng, không màu
hay một màu không thể gọi được tên
ngay lúc này
nhanh lên!

Sức nóng của những điểm nổ trong những bài thơ thường được Hàm Anh giảm nhiệt đến mức tối đa. Cũng là một bạn viết, có khá nhiều trường hợp tôi đặt giả thiết, nếu gặp tình huống tương tự tôi sẽ viết khác chị, dĩ nhiên vậy. Do đó, khi đọc thơ Hàm Anh, tôi hình dung khi mình cố tình đến gần lò than kia, thì những hòn than trong đó như vội vã nhắm mắt lại. 

Nhưng đây là một trường hợp hiếm khác mà tôi được nhìn thấy ngọn lửa cháy rực lần nữa trong “Màu tự nhiên” của chị: 

anh hãy ôm lấy em đi, nghiền nát em đi
hãy vẽ lại em đi, hãy viết lại em đi 
                                                   (Người châm lửa)
Một số bài thơ Hàm Anh cho “công phá” ngay từ khổ thơ đầu. Sau đó âm thanh của nó chậm chạp như chum nước đầy tràn dưới cơn mưa rồi loang trên mặt đất. Hoặc có thể ví nó như tiếng chuông đủng đỉnh đi qua lớp sương mù dày đặc buổi sáng.

Đôi khi đau đớn quá
em muốn lơ mơ như một con sên
chui vào anh
như cái nhà di động của mình,
rồi đêm xuống không ai thấy
bò – đi – như – một – nỗi – buồn
trong khu vườn
yên tĩnh...
                (Con sên)

Những chuyển dịch trong “Màu tự nhiên” thường được hiển thị chậm, hoặc tác giả cố tình cho nó chậm lại, ngưng đọng trong một không gian kỳ ảo mà yên tĩnh. Trong đó, những hình ảnh như lau sậy, mưa, viên xúc xắc, ngọn đèn, bụi hoa hồng, trẻ nhỏ, bờ sông, bầu vú mẹ, chân núi, gió, mặt trời… cũng gần như đứng yên, hoặc trong tư thế chuẩn bị xuất phát. Chúng trong suốt và khôi nguyên tựa những hạt sương buổi sớm, làm nên một thế giới thơ sương sớm tuyệt đẹp trong thơ Hàm Anh. 

sớm mai ra tôi lại thấy mặt trời,
cầm bình nước tưới cây con vừa trồng
nháy mắt với cái lá non
chào ngày mới! 
                       (Mặt trời mới)

Thơ Hàm Anh mang nỗi cô đơn và vẻ đẹp của một hạt sương, tinh khôi và trong lành. Trong bài thơ “Hạt đau” ta thấy, hạt sương ấy “ngậm” tình yêu của mình như ngậm một hạt ngọc trai quý hiếm.

sẽ câm nín ngậm anh trong lòng
cho muôn vạn kiếp sau... 

“Hạt đau”, cũng là một từ khóa, chìa khóa mở cửa ngôi nhà thơ của Hàm Anh. “Hạt đau” ấy đã nảy mầm, hóa thân thành vạn hữu để làm nên muôn giọt sương trong cõi thơ tinh sương của chị. Hình bóng nhà thơ trong “Màu tự nhiên” là “chú chim chích bông”, “lau sậy”, “một vết thương tươi”, “con thú lớn thở dài”, “biển đêm đen tối”, “ban mai xám hồng”, “luồng sáng chói lói”, “dòng nham thạch tuôn trào”, “mắt một con nai!”... Và có lần, nhà thơ đã nhìn thấy số phận mình là một chiếc lông ngỗng cố bám vào vai áo ai đó để tìm chút hơi ấm, nhưng gió đã đến thổi bay.

Trong những ngày lạnh lẽo trong trẻo này
chiếc lông ngỗng vẽ lên một vũ điệu riêng
vũ điệu hân hoan tủi buồn
vũ điệu đau đớn đắm say
vũ điệu tự do đơn độc
lặng lẽ lượn bay
lặng lẽ lượn bay... 
                              (Tôi)

Thơ Hàm Anh giản dị, tiết chế hình ảnh và ngôn từ đến mức không thể tối giản hơn. Ngôn ngữ và nhịp điệu thơ của chị gần với cách biểu đạt tâm trạng và cảm xúc trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Chị lựa chọn hình ảnh và từ ngữ cẩn trọng, nhưng làm cho chúng sinh động và tự nhiên đến mức người đọc không tìm ra dấu vết mồ hôi tay của tác giả nữa. Bài thơ “Sông, cỏ, lửa và trăng” là những triết lý, lẽ sống của con người, nó được Hàm Anh biểu đạt giản dị như một bài kệ, nhưng vẫn sâu lắng và vang vọng như tiếng chuông lan đi trong sương sớm. 

Nhớ
như là sông
trôi chảy trong lòng
Yêu 
như là cỏ
xanh ngút đơn thuần
Mê 
như là lửa
chạm vào cái gì cũng sáng
Đau
như là trăng
thanh thản.
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Hàm Anh và “Màu tự nhiên”: Đẹp và cô đơn như một giọt sương!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO