Tình trạng ách tắc tại khu vực Cửa khẩu thường xuyên xảy ra
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Quyết định số 95/2014/QĐ-UBND ngày 29.12.2014, quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, mức phí đối với phương tiện có tải trọng từ 20 tấn trở lên, xe container 40feet có mức phí là 800 nghìn đồng/xe/lượt.
Các tài xế lập nhóm Facebook kêu gọi phản đối đóng phí
Theo thông tin phóng viên có được, mức phí này thấp hơn so với nhiều cửa khẩu biên giới đất liền. Cùng loại phương tiện này tại cửa khẩu Cha Lo thu 1,3 triệu đồng; Lào Cai thu 6 triệu đồng; Tây Ninh thu 2,5 triệu đồng; Lai Châu thu 6 triệu đồng…
Vậy nhưng khi lưu thông, phương tiện vận tải chở hàng hóa, các lái xe thường chống đối lại việc đóng phí là dừng đầu xe để gây ách tắc tại khu vực cửa khẩu. Sự việc đã kéo dài nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm của việc phản ứng là từ tháng 5.2018 trở lại đây khi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 18 nhằm thiết lập và tăng cường việc thu phí tại cửa khẩu Cầu Treo.
Tập trung đông người phản đối đóng phí
Khi bị nhắc nhở, mới đây nhất, vào ngày 2.8.2018, các lái xe này lại dùng mạng xã hội Facebook để kêu gọi các lái xe khác cùng hưởng ứng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực biên giới.
Để tìm hiểu sự việc, ngày 12.9.2018 PV báo Người Hà Nội đã trực tiếp đến khu vực cửa khẩu Cầu Treo. Qua trao đổi, anh T - lái xe cho Công ty Thành Luân (TP Vinh, Nghệ An) - cho biết: “Một ngày công ty có 15 xe đi và 15 xe về. Công ty bảo nộp thì phải có văn bản của Bộ Tài chính, cần xuất hóa đơn cho doanh nghiệp.Tôi là lái xe thuê, vì vậy chủ bảo đóng thì đóng, chủ bảo không thì thôi, chứ tôi không thể làm khác được”.
Anh Hoàng Công Thiết - lái xe ở Bắc Giang - nói: “Lái xe và chủ công ty không thống nhất được với nhau, tranh luận nhau, nên đậu xe vậy. Bọn em phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp”.
Theo ông Hồ Quốc Long - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và Cung ứng dịch vụ Khu Kinh tế Cầu Treo - cho biết: “Đa số các phương tiện không chịu nộp phí là của doanh nghiệp Nghệ An chở quặng từ Lào ra cảng Cửa Lò để xuất khẩu sang Trung Quốc. Bình quân mỗi ngày có từ 40 – 60 ôtô tải không chịu đóng phí. Đồng nghĩa, mỗi năm hàng tỷ đồng tiền phí sử dụng hạ tầng đang bị thất thoát.
Tuy nhiên, quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc chính quyền các cấp, kèm theo chế tài chưa đủ mạnh, sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa đồng bộ nên việc thu phí các phương tiện vận tải qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo còn khó khăn”.
Được biết, Hà Tĩnh đã đầu tư trên 214 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu để phục vụ người dân, doanh nghiệp qua lại cửa khẩu.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì đến ngày hôm nay (22/9) tình trạng này vẫn diễn ra mà cơ quan chức năng chưa có chế tài xử lý triệt để.