Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo người dân được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm
Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN là một trong những mục tiêu của Thành phố Hà Nội đặt ra trong năm 2025.
Theo kế hoạch thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác BHXH, BHYT năm 2025 của UBND Thành phố Hà Nội vừa được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành, Hà Nội đặt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,5% dân số. Đồng thời số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 47,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, số người tham gia BHTN đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện các giải pháp thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, giảm tỷ lệ chậm đóng dưới mức bình quân chung của cả nước. Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ BHXH, BHTN đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tổ chức kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ.
Để đạt được các mục tiêu trên, Thành phố Hà Nội tổ chức triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và mỗi người dân về chính sách BHXH, BHYT. Tổ chức truyền thông các nội dung về Luật BHXH sửa đổi; Luật Thủ đô sửa đổi; các nội dung sửa đổi Luật BHYT.
Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng khu vực dân cư, nhóm ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh... trên địa bàn, tuyên truyền, đối thoại vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng nhiều hình thức, chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet hoặc các hình thức thông tin nội bộ khác…
Kết hợp giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo chiến dịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, tiện ích cho người dân ở mọi lứa tuổi, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển người tham gia BHXH, BHYT thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động làm việc tại khu vực phi chính thức; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số và ứng dụng iHanoi - Công dân Thủ đô số.
Bên cạnh đó, Thành phố triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển nhanh, bền vững người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Thuế Hà Nội, Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đủ số lao động phải trích, đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, yêu cầu người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHYT đủ số người theo quy định và triển khai hiệu quả các Nghị quyết của HĐND Thành phố về hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT cho người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố về thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
BHXH Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Kế hoạch số 193/KH- UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố về thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người khám chữa bệnh BHYT; cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, không để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng BHYT.
Nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, rà soát các chỉ định cận lâm sàng, điều trị nội trú và chỉ định dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc, vật tư y tế chi phí cao, đảm bảo chất lượng điều trị và khả năng chi trả của người dân và quỹ BHYT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; các cơ sở có các chỉ số gia tăng chi phí bất thường mà không xây dựng kế hoạch điều chỉnh.
Trong năm 2025, Hà Nội cũng sẽ thực hiện cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện; yêu cầu các đơn vị, tổ chức thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đối với các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các đơn vị liên quan kết nối, chia sẻ dữ liệu, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; tiếp tục hướng dẫn người tham gia cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.
Ngoài ra, Thành phố sẽ quản lý chặt chẽ việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp một lần, chế độ BHTN; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đảm bảo quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHTN. Thành phố cũng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng kịp thời, đúng quy định; quản lý chặt chẽ người hưởng, tiếp tục hướng dẫn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân./.