Hà Nội tổ chức hội thảo để tìm giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường
Sáng nay 14/3, Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội”. Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội đang gia tăng và luôn ở mức báo động.

Dự hội thảo về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: GS.VS Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội; các ban, ngành Trung ương...
Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP; lãnh đạo các tỉnh, thành Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô; các tổ chức quốc tế trên địa bàn Thủ đô; các chuyên gia, nhà khoa học…

Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hoá các nội dung hợp tác giữa UBND Thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đồng thời làm rõ thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường của Hà Nội; kinh nghiệm trong quản lý, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cấp bách cần triển khai để nâng cao chất lượng môi trường, năng lực quản lý môi trường nhằm thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và hành động trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Hội thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề trọng tâm: Nhận diện các vấn đề môi trường cấp bách của Thủ đô Hà Nội. Trong đó trọng tâm xác định các vấn đề về ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ô nhiễm không khí), xác định cụ thể nguồn gây ô nhiễm;
Kinh nghiệm quốc tế trong xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường phù hợp với thành phố Hà Nội; Các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường Thủ đô nhằm đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường đã đặt ra trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các giải pháp về công nghệ, quản lý.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là đô thị có diện tích và dân số lớn hàng đầu cả nước.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt tại khu vực nội đô có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn. Đồng thời Hà Nội là trung tâm khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Với đặc thù này, Hà Nội luôn đối mặt với rất nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, quá tải trong xử lý chất thải rắn, nước thải,...
Chủ tịch Thành phố cho biết, Thành phố Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường như: Xử lý ô nhiễm không khí: đang thực hiện các giải pháp giảm phương tiện xe cá nhân, tăng cường đầu tư, đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi giao thông xanh, xóa bỏ tình trạng đốt than tổ ong, tăng cường rửa đường, giám sát vệ sinh môi trường các công trình xây dựng…;
Xử lý nước thải, làm sạch các dòng sông: khẩn trương thực hiện các giải pháp bổ cập nước sông Tô Lịch, làm sống lại dòng sông theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm (Hà Nội đặt quyết tâm tháng 9/2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ bổ cập nước sông Tô Lịch); Hiện đại hóa công tác thu gom rác thải, thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 05 quận nội thành,…
"Tuy nhiên, hiện tại chất lượng môi trường tại Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là chất lượng môi trường không khí. Để giải quyết “bài toán” này, Thành phố Hà Nội rất mong muốn có sự chung tay, đồng hành, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố.
Chính vì vậy, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo Thành phố quan tâm hàng đầu.", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Hội thảo nhận được hơn 50 bài viết chất lượng, tâm huyết, đóng góp có giá trị cho công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội. Ban Tổ chức lựa chọn một số tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo; phần thảo luận có các ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất ý tưởng của các nhà quản lý, nhà khoa học được mời tham dự Hội thảo.
Ngoài ra, Hội thảo tổ chức không gian trưng bày một số poster và trình bày giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của một số đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Với trí tuệ và tâm huyết, với sự đa dạng từ góc nhìn của nhà quản lý, nhà khoa học, hội thảo kỳ vọng sẽ thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để xử lý các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như cụ thể hóa việc thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói chung./.