Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 9 KCN đang hoạt động, với tổng diện tích 1.670,6ha. 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4ha, gồm: KCN Quang Minh II, diện tích 160ha; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, diện tích 200,6ha; KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha. 3 KCN phù hợp quy hoạch, đang xin chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 586,8ha gồm: KCN Đông Anh, diện tích 300ha; KCN Bắc Thường Tín, diện tích 112ha; KCN Phụng Hiệp, diện tích 174,8ha…
Ngay từ đầu năm, BQL KCN&CX Thành phố đã chủ động tham gia ý kiến góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 và ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về quản lý KCN, khu kinh tế sát với tình hình thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn trong quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất vào các KCN. Đồng thời chủ động tham mưu với UBND Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và giải quyết TTHC cho Ban Quản lý thống nhất đầu mối thực hiện theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ”.
BQL KCN&CX Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện và ngành y tế triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với sản xuất an toàn tại các doanh nghiệp trong KCN; thực hiện tốt các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và đôn đốc người lao động thực hiện tiêm vắc xin mũi tăng cường phòng chống dịch Covid-19 theo kế hoạch và chỉ đạo của Thành phố. Qua đó đã góp phần duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Cũng trong năm qua, Ban Quản lý đã chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức 10 hội nghị tập huấn với hơn 2.000 lượt doanh nghiệp tham dự về tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong KCN khi thực hiện các quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban Quản lý đã chủ động rà soát, đề xuất phương án cắt giảm thời gian (từ 3-7 ngày) thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực quy hoạch xây dựng, lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và người lao động và theo hình thức trực tuyến, dịch vụ công mức độ 3-4, với mục tiêu đảm bảo 100% TTHC thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 và 100% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn theo quy định. Đặc biệt, Ban Quản lý đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 1 dự án FDI đầu tư vào KCN hỗ trợ Nam Hà Nội trong 24 giờ, được nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.
Nhờ đó, trong năm 2022, công tác thu hút đầu tư vào các KCN&CX Thành phố đạt 359,5 triệu USD quy đổi, tăng 20% so với năm 2021. Trong đó đã thu hút được 10 dự án mới vốn đăng ký 8,5 triệu USD và 611 tỷ đồng, 18 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 307,7 triệu USD và 385 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 706 dự án đang hoạt động, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD và 404 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 300 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021... Kết quả hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trong các KCN Hà Nội đã góp phần quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, liên tục tăng ngân sách năm sau cao hơn năm trước; thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 16,6 vạn lao động với thu nhập ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận sự nỗ lực, đồng hành của các doanh nghiệp, khẳng định những kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, hiện nay, đối với các KCN&CX đã được lấp đầy, Thành phố đề nghị BQL KCN&CX Thành phố phối hợp với các nhà đầu tư tiến hành rà soát, đảm bảo đồng bộ các hạ tầng về cảnh quan, môi trường để vào các KCN của Thành phố phải như khu đô thị, sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại và văn minh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Thành phố có kế hoạch phát triển thêm 14 KCN, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2025 phát triển từ 5-7 KCN, trên cơ sở đó tạo dư địa về mặt bằng, hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư mới cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiện tại mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Thành phố tập trung rà soát toàn bộ các quy trình thủ tục hành chính để hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, với tinh thần thực hiện cấp phép đầu tư nhanh nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Về phía UBND Thành phố, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cho BQL KCN&CX Thành phố, đồng thời trong thời gian tới tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ để BQL KCN&CX Thành phố thực sự là đầu mối duy nhất để giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính của các nhà đầu tư.
“Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh tại Hà Nội, từ quá trình xúc tiến đầu tư, giải quyết TTHC, tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực…”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã biểu dương 5 doanh nghiệp tiêu biểu, có kết quả nổi bật trong quá trình mở rộng đầu tư tại các KCN&CX Thành phố.