Xây dựng thiết chế văn hoá tại các KCN Hà Nội: Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động

Minh Anh| 12/12/2022 09:58

Thời gian qua, việc xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN) luôn được Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (Ban quản lý) quan tâm, chú trọng. Cùng với công tác chỉ đạo, Ban Quản lý cũng chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể đánh giá đúng thực trạng đời sống văn hóa công nhân để có những giải pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp của Hà Nội…

nang-chat-luong-nhan-luc-det-may.jpg
Giờ lao động của công nhân lao động trong khu công nghiệp

Quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

Hơn 2 năm qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, tuy nhiên, nhìn chung các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội vẫn hoạt động ổn định. Lũy kế đến nay các KCN đã thu hút được 172 dự án đang hoạt động, trong đó có 308 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với nguồn vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng. Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN…

Cùng với việc thực hiện tốt các công tác thu hút đầu tư, đảm bảo việc làm và nâng cao thu nhập cho công nhân, người lao động, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cũng rất chú trọng đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân trong các KCN. Trong Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nhấn mạnh đến nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, phấn đấu xây dựng các câu lạc bộ, các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

cncx-1(1).jpg
Giao lưu bóng đá của công nhân tại KCN Quang Minh - Hà Nội

Chính vì vậy, thời gian qua, công tác này rất được Ban quản lý Các KCN và chế xuất Hà Nội quan tâm, chú trọng. Một trong những thiết chế văn hóa quan trọng phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân và người lao động chính là nhà văn hóa. Tính đến nay, tổng số điểm sinh hoạt văn hóa công nhân - một trong những thiết chế văn hóa ở cơ sở của Hà Nội lên 54 điểm. Tất cả những điểm sinh hoạt văn hóa đều được đặt tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, nơi có đông công nhân lao động sinh sống.

Như khu nhà ở công nhân KCN Thăng Long dành riêng một Nhà văn hóa để phục vụ Công nhân. Nhà được trang bị đầy đủ dàn loa và âm ly, có các loại báo chí hàng tuần cho công nhân đọc. Hay như KCN Phú Nghĩa và KCN Nội Bài, chủ đầu tư hạ tầng đã đầu tư các sân bóng phục vụ nhu cầu thể thao của người lao động sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, vừa nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho họ. Cùng với đó, Ban Quản lý cũng chỉ đạo các doanh nghiệp chú trọng công tác cải tạo chỉnh trang khu công nghiệp, tạo ra những không gian làm việc sáng, xanh, sạch đẹp, tạo không khí làm việc phấn khởi cho người lao động.

z3946424424567_e491b09be78438a407eec787c4de599c.jpg
 Các sân bóng phục vụ nhu cầu thể thao của người lao động sau mỗi giờ làm việc căng thẳng

Ban Quản lý đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tại các doanh nghiệp thực hiện rất tích cực công tác tuyên truyền cho công nhân về vai trò, nội dung của văn hóa công nhân. Để mọi người hiểu được rằng, văn hóa giải trí là một bộ phận của đời sống văn hóa xã hội, bao gồm toàn bộ những hoạt động giải trí của các cá nhân, cộng đồng diễn ra một cách tích cực, chủ động, lành mạnh và tiến bộ. Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, không tệ nạn xã hội là việc công nhân và người lao động cần nắm vững và thực hiện.

Trò chuyện với một số công nhân tại KCN Thạch Thất – Quốc Oai chúng tôi nhận thấy, đa phần mọi người đều bày tỏ sự phấn khởi khi được lãnh đạo các cấp, DN và Công đoàn quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần. Với mỗi công nhân, phải xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, nên sau thời gian làm việc, tăng ca… có những giờ phút nghỉ ngơi, họ đến khu sinh hoạt văn hoá, khu vui chơi công cộng, phòng đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khoẻ của bản thân… đó chính là những điểm tựa tinh thần vô cùng to lớn, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu trong lao động, sản xuất, tránh sa vào các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, chơi game…

Bởi vậy, vai trò của Ban Quản lý và các cấp công đoàn là rất quan trọng trong việc giúp các DN thay đổi nhận thức trong vấn đề sử dụng nguồn nhân lực, không những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, trả lương đủ cho công nhân lao động mà doanh nghiệp còn cần phải chú trọng quan tâm hơn đến đời sống văn hóa cho công nhân lao động, điều này luôn phải song hành với việc đạt hiệu quả năng suất, chất lượng trong làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp.

Để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp

Nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu chính đáng và cấp thiết của con người nói chung và người công nhân, lao động nói riêng. Đây là cơ sở để người lao động cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao động. Bởi vậy, việc xây dựng và hình thành các điểm nhà văn hóa cho công nhân không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp (Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội), mặc dù có sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Quản lý, Liên đoàn lao động và Công đoàn tại các doanh nghiệp, tuy nhiên, so với nhu cầu của công nhân thì các điểm sinh hoạt văn hóa vẫn còn khiêm tốn; mức hưởng thụ văn hoá, vui chơi giải trí của công nhân chưa bắt kịp với nhu cầu.

cncx-3.jpg
Công nhân lao động đọc sách, báo tại điểm sinh hoạt văn hoá

“Việc xây dựng đời sống văn hoá cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài” - ông Thuận nhấn mạnh và cho biết, để tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, trong đó có lao động trong các khu công nghiệp, Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đề xuất với UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mới tại KCN Nội Bài, KCN Quang Minh, KCN Nam Thăng Long, KCN Thạch Thất - Quốc Oai để có thể “làm giàu” hơn đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.

Cần phải có chung nhận thức rằng nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu chính đáng và cấp thiết của con người. Với công nhân khu công nghiệp thì đây là cơ sở để người lao động cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao động. Vì thế, mô hình điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân khu công nghiệp tập trung cần đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; không chỉ giải trí bằng đọc sách, báo mà còn tham gia vào quá trình sáng tạo, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao... Hoạt động văn hóa giải trí không chỉ ở trạng thái tĩnh (đọc, xem, nghe, nhìn) mà cả ở trạng thái vận động: vận động cơ thể (thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật)...

Quyền lợi vật chất cùng quyền lợi tinh thần, hai vấn đề song song không thể coi nhẹ bên nào. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động là một trong những vấn đề quan trọng nhằm nâng cao các giá trị văn hóa, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động xích lại gần nhau cũng như gắn bó lâu dài với nhau hơn.

Và, với những gì đã và đang nỗ lực cải thiện, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã phối hợp với các cấp, ngành và doanh nghiệp làm rất tốt việc này. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa giải trí, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện và nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của công nhân lao động tại các Khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thiết chế văn hoá tại các KCN Hà Nội: Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO