Hà Nội: Thương mại - Dịch vụ tăng trưởng mạnh
Chiều 9/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn của UBND Thành phố Trương Việt Dũng; Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng đồng chủ trì họp báo.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 01/02/2023 thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Thành phố xác định mục tiêu tổng quát năm 2023 là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; 06 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện 22 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 118 nhiệm vụ cụ thể gắn với việc giao trách nhiệm và tiến độ hoàn thành cho từng sở, ban, ngành và địa phương với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, Thành phố. Buổi họp báo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND Thành phố tới điểm cầu UBND 30 quận, huyện, thị xã.
Mở đầu họp báo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tháng 2/2023. Theo đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán. Chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 53%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 02 đạt 3.097 triệu USD, tăng 13,2% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 37,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.751 triệu USD, tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 23%).
Thương mại - Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 02/2022 (cùng kỳ tăng 11,1%). Lũy kế 02 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 9,9%). Đáng chú ý, ngành du lịch phục hồi mạnh. Trong tháng 02/2023, Thủ đô Hà Nội đón 340 nghìn lượt khách, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế (có lưu trú) đạt 210 nghìn lượt khách, tăng 14,7 lần, khách du lịch nội địa đạt 130 nghìn lượt khách, tăng 39%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng nhẹ 0,49% so với tháng 01 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng khá, tuy nhiên, lũy kế 2 tháng giảm so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 tăng 9,4% so với tháng 01/2023 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,2%; Sản xuất đồ uống tăng 36,7%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 35,4%; Sản xuất trang phục tăng 12,8%; Sản xuất xe có động cơ tăng 32,3%... Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 4,6%).
Hiện, Thành phố đang tập trung triển khai sản xuất vụ Xuân 2023. Diện tích mạ đã gieo 4.254 ha, trong đó, 99,8% được che phủ; Diện tích lúa cấy 47.336,2 ha, đạt 58,3% kế hoạch. Chăn nuôi trâu, bò của thành phố nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tháng dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết Nguyên đán, không xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm. Đàn trâu thành phố hiện có 28,7 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022; Đàn bò 128,4 nghìn con, giảm 0,1%; Đàn lợn 1,4 triệu con, tăng 3,7%... Diện tích nuôi trồng thủy sản thành phố đạt 24.200 ha; Sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 17,3 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 12,6% kế hoạch.
Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Trong tháng 2 có 2.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng (tăng 48% về số lượng doanh nghiệp và giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 02 tháng đầu năm, có 3.691 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn Thành phố hiện có 353.704 doanh nghiệp.
Trong tháng 2, Thành phố thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, thu hút 36,7 triệu USD, trong đó: 39 dự án mới với tổng vốn đầu tư 10,9 triệu USD; 12 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 16,5 triệu USD và 41 lượt góp vốn với số vốn góp 9,3 triệu USD.
Từ nay tới cuối năm, Thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó: Thành phố chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy. Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Thành phố hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050... Cùng với đó, Thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; Giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thành phố đẩy mạnh công tác quy hoạch; Phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn, tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ....