Hà Nội: Tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và khen thưởng về thực hiện Quy tắc ứng xử
Chiều ngày 23/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố giai đoạn 2017-2024.
Tham dự Hội nghị có đồng chí: Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL); Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội.
Phát huy hiệu quả tinh thần đoàn kết trong xây dựng văn hóa cơ sở
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trọng các cơ quan thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua.
Tại các địa phương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, Ban chỉ đạo Phong trào tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2024 gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Phong trào được triển khai nghiêm túc, bài bản với công tác tuyên truyền mạnh mẽ và sự tham gia tích cực từ cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân.
Từ phong trào đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, giá trị văn hóa phù hợp, gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân; góp phần quan trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
“Bên cạnh việc chú trọng phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, các đơn vị cần lưu ý đổi mới nội dung, cách làm; kiên quyết đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; triển khai phong trào theo hướng đi vào thực chất, trở thành nề nếp và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị”.
Đồng chí Lương Đức Thắng nhấn mạnh
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, năm 2024, ngành Văn hoá và Thể thao Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
“Chào mừng Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 sắp đến, các đơn vị, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô cần chú trọng hướng dẫn việc triển khai, tuyên truyền cổ động trực quan, trang trí, chiếu sáng mỹ thuật; đăng ký xây dựng tuyến đường thôn, tổ dân phố trang trí cổ động trực quan kiểu mẫu, điểm check in tại thôn, tổ dân phố. Thực hiện việc treo cờ Tổ quốc theo quy định; triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng mừng xuân; Tiếp tục nhân rộng việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Xã, phường, thị trấn sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Ngõ, phố sáng, xanh, sạch, đẹp”, đồng chí Đỗ Đình Hồng đề nghị.
Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Điều 41 Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về mô hình “Khu phát triển thương mại, văn hóa” hay còn gọi là “Khu thúc đẩy thương mại văn hóa”
Với lợi thế này, khi Luật thủ đô năm 2024 chính thức có hiệu lực (từ ngày 01/01/2025) sẽ tạo cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố “nghề”, phố “hàng”, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa; góp phần thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp văn hoá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thủ đô; trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô; phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu đưa Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, cho biết Hội nghị là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại hội nghị giao ban triển khai một số nhiệm trọng tâm khối văn hóa xã hội năm 2025 vừa qua.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với các trọng tâm như: Hướng dẫn công tác tổ chức, quản lý lễ hội và thực hiện bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống năm 2025; những vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý di tích trước, trong và sau Tết.
Hướng dẫn quy trình, thủ tục, trình tự xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”; “Thôn, Tổ dân phố văn hoá”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu”. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa thể thao trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy, trọng tâm là triển khai thực hiện xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Tạo nét văn hóa riêng cho người Hà Nội
Về kết quả triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy – HĐND - UBND Thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - Cơ quan thường trực triển khai các Quy tắc đã tham mưu UBND Thành phố ban hành hơn 60 văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là nguồn động lực quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn Hiến – Văn minh – Hiện đại”, năm 2024, Sở phối hợp với Ban Tuyên giáo trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt với nhiều hoạt động phong phú; phân công, giao việc cụ thể sở, ban, ngành, quận, huyện, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng lòng hưởng ứng vào cuộc triển khai. Trong suốt gần 8 năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai, lan tỏa Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tiễn. Qua đó tạo ra nét văn hóa riêng của người Hà Nội.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng (Sở Nội vụ) tổng hợp, đề xuất Thành phố tặng Bằng khen gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” cho 68 tập thể, 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 02 Quy tắc ứng xử của Thành phố.
Đáng lưu ý, tại Hội nghị này, 35 tập thể và 68 cá nhân đã được tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố (giai đoạn 2017 - 2024).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các Quy tắc ứng xử của Thành phố còn gặp một số hạn chế nhất định. Hà Nội đất chật người đông, nhiều người lao động từ các địa phương khác về Hà Nội làm ăn, sinh sống, chưa thực sự hoà nhập với nếp sống văn hoá ở thủ đô; Công tác tuyên truyền được quan tâm, nhưng chưa thường xuyên, liên tục, chưa phân loại được các đối tượng để tuyên truyền. Đối với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, người dân có lúc vẫn còn thiếu ý thức trong việc ứng xử với không gian chung. Một số cá nhân có hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nhà trường, nơi công cộng, khi tham gia giao thông...
Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố (giai đoạn 2017-2024) nhằm tiếp tục từng bước đưa Quy tắc ứng xử trở thành nề nếp trong đời sống nhân dân Thủ đô. Hội nghị cũng là dịp để chia sẻ về cách làm và kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện các Quy tắc ứng xử của Thành phố./.